Chính phủ phê duyệt "Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2012 - 2015"

10/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vừa ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 8/9/2012 phê duyệt "Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2012 - 2015" (Chương trình).

Theo đó, tổng kinh phí cho Chương trình là 27.509 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó nguồn từ ngân sách TW là 20.509 tỷ đồng gồm 17.972 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 2.537 tỷ đồng vốn sự nghiệp; nguồn từ ngân sách địa phương là 4.000 tỷ đồng; viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 3.000 tỷ đồng. Chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quang ban hành Thông tư hướng dẫn chương trình theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở; mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện. Bảo đảm công khai, minh bạch trong suốt quá trình thực hiện chương trình.

Mục tiêu của Chương trình nhằm cải thiện và từng bước điều kiện cuộc sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc hiện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và nhóm dân cư.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình nhằm đạt được thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011, riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.

Chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2015: phấn đấu 10% số hộ nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 30% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định. Phấn đấu 85% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT; 60% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT; 100% trung tâm xã có điện; trên 90% thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm; thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15 - 20%/năm, bình quân mỗi năm có 10% hộ tham gia mô hình thoát nghèo; 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, trưởng bản và cán bộ đoàn thể được tập huấn về kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án; lập kế hoạch có sự tham gia của người dân; phát triển cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu cụ thể này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ  thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo, trước hết về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu: giao thông, điện, nước sinh hoạt.

Theo Quyết định này, Ban quản lý Chương trình sẽ được thành lập và Trưởng ban sẽ do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đảm nhiệm; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể liên quan. Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cũng sẽ được thành lập ở các cấp địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết 80 và Chương trình trên địa bàn. Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo giúp Ban quản lý Chương trình triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình; Sở Lao động Thương binh và Xã hội làm cơ quan thường trực, điều phối, giúp Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Chương trình trên địa bàn.

Cơ chế quản lý và điều hành Chương trình thực hiện theo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
 

Xem thêm »