Cần siết chặt quản lý nguyên liệu khoáng sản của ngành Xi măng

12/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Từ kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2010 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), KTNN đã kiến nghị nhiều giải pháp để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác khoáng sản nhằm bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bởi bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn tới nguy cơ tài nguyên khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng bị thất thoát, lãng phí xuất phát từ sự tắc trách của  doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng. 

Không kiểm soát được sản lượng tài nguyên
Kết quả kiểm toán cho thấy, theo tính toán, trữ lượng vùng nguyên liệu hiện có của Vicem Hải Phòng - đơn vị thành viên của Vicem - chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Trong khi công suất của nhà máy là 1,5 triệu tấn/năm, như vậy chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa là DN này sẽ hết trữ lượng nguyên liệu khai thác nếu không được cấp phép khai thác thêm những vùng nguyên liệu mới. Không riêng gì Vicem Hải Phòng, Nhà máy Xi măng Kiên Lương hiện cũng chỉ còn trữ lượng khai thác lộ thiên khoảng 7 triệu tấn. Dây chuyền xi măng Hà Tiên 2.2 vừa đi vào hoạt động trong năm 2011 với tuổi thọ của Dự án là 35 năm, nhưng tiến độ cấp phép khai thác vùng nguyên liệu cho Vicem Hà Tiên cũng chưa phù hợp.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan nêu trên, hiện nay nhiều DN xi măng đang nắm trong tay những vùng nguyên liệu phong phú nhưng lại buông lỏng quản lý. Thực tế, việc giao cho bên ngoài khai thác dễ dẫn tới tình trạng khó kiểm soát, không quản lý được sản lượng tài nguyên khai thác, chỉ quản lý được tài nguyên giao nhận tại kho của DN. Điều này dẫn tới nguy cơ thất thoát tài nguyên, khai thác lãng phí tài nguyên và có thể thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Bởi giá thuê ngoài của các DN này thường cao hơn mức giá UBND tỉnh ban hành, điển hình có một DN trong ngành Xi măng đã chỉ định thầu thuê ngoài khai thác sét tại mỏ Núi Na tới 65.000 đồng/tấn, cao hơn nhiều so với mức giá UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành là 17.000 đồng/tấn.

Một vấn đề nữa là mặc dù các DN xi măng đã và đang áp dụng từ 1 đến 3 phương pháp xác định sản lượng tài nguyên khai thác, tuy nhiên, mức độ đong đếm chính xác đến đâu vẫn còn là một ẩn số. Có DN đang xác định sản lượng tài nguyên khai thác căn cứ vào định mức hộ chiếu nổ mìn, có DN lại căn cứ vào định mức sản xuất clinker, và có DN lại căn cứ vào lượng nhập kho qua cân tại trạm đập. Nhưng cả 3 phương pháp này đều có những hạn chế nhất định khiến cho DN rất khó xác định được chính xác sản lượng tài nguyên khai thác.

Theo báo cáo kiểm toán, nếu xác định sản lượng đá đã khai thác theo hộ chiếu nổ mìn thì có DN báo cáo sản lượng thực nhập chênh lệch lớn với số hộ chiếu nổ mìn, và trên thực tế lượng đá nguyên liệu thất thoát do rơi xuống thung lũng cũng khá lớn. Còn nếu chọn phương pháp quản lý sản lượng đá qua cân tại trạm đập thì sản lượng đá hộc khai thác tồn trên bãi lại không được một số DN kiểm kê, đo đạc. Đối với trường hợp thuê ngoài khai thác thì phần lớn các DN không theo dõi, quản lý đối với sản lượng các đơn vị thuê ngoài khai thác mà chỉ theo dõi sản lượng nhập vào kho của DN mình.

Thêm vào đó, hoạt động quản lý nguồn tài nguyên càng lỏng lẻo hơn khi định kỳ các DN không đánh giá lại trữ lượng mỏ hiện có, xác định lượng tài nguyên thất thoát, lãng phí để tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp quản lý tài nguyên hiệu quả hơn.

Kiến nghị một số biện pháp chấn chỉnh
Theo kiến nghị tại Báo cáo kiểm toán, bên cạnh việc chỉ đạo các DN trong tình trạng thiếu trữ lượng mỏ phải xin cấp phép khai thác kịp thời thì Vicem phải có kế hoạch, phương án khai thác âm nhằm đảm bảo cho các nhà máy hoạt động liên tục; đồng thời cần tích cực nghiên cứu, khảo sát để lựa chọn phương pháp xác định sản lượng tài nguyên khai thác chính xác nhất và hướng dẫn cho các DN thành viên áp dụng thống nhất. Để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn tài nguyên, Vicem nên định kỳ thực hiện xác định trữ lượng mỏ còn lại, tăng cường công tác kiểm kê tài nguyên tồn trên khai trường, cần thiết thì thuê đơn vị có chức năng bên ngoài đo đạc, xác định để có số liệu tin cậy, khách quan. Biện pháp khắc phục trước mắt cần được áp dụng ngay là chỉ đạo các đơn vị thành viên xác định lượng tài nguyên đã khai thác tồn trên bãi, đá vôi thu hồi trong xây dựng cơ bản nhưng chưa được theo dõi phản ánh trên sổ kế toán (bao gồm cả trường hợp thuê ngoài khai thác).

Giảm dần tỷ lệ thuê ngoài khai thác cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý tài nguyên chặt chẽ hơn, tránh thất thoát, lãng phí, do đó Vicem nên chỉ đạo các DN thành viên từng bước tự tổ chức khai thác tài nguyên, khoáng sản mà Nhà nước đã giao. Nếu phải thuê ngoài thì các DN phải đàm phán lại giá thuê cho phù hợp với thị trường, cần thiết thì tổ chức đấu thầu khai thác công khai nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, đảm bảo tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý thông qua việc bắt buộc các DN thực hiện nghĩa vụ tài chính về hoạt động khai thác khoáng sản mà luật pháp đã quy định. Cụ thể, theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 thì các đơn vị có hoạt động khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khoáng sản chưa khai thác. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn về trích lập nguồn để ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, cũng như quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Hơn nữa, về nghĩa vụ nộp thuế Tài nguyên, các đơn vị thực hiện khai thác đá vôi, sét để sản xuất xi măng hiện không có căn cứ để xác định giá bán tính thuế, do đó các đơn vị phải căn cứ vào giá tính thuế do UBND các tỉnh ban hành với những mức giá khác biệt khá lớn.

Được biết, tháng 6/2012, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7837/BTC-CST gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc xây dựng giá tính thuế tài nguyên. Công văn nêu rõ: Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của KTNN về Báo cáo tài chính năm 2010 của Vicem và thông tin phản ánh: giá tính thuế Tài nguyên do UBND các tỉnh ban hành còn có sự khác biệt lớn; một số tỉnh quy định giá tính thuế Tài nguyên chưa phù hợp với giá bán trên thị trường tỉnh, việc điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên chưa kịp thời... Theo đó, để việc xây dựng và ban hành giá tính thuế Tài nguyên được chính xác, kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện rà soát bảng giá tính thuế tài nguyên, đảm bảo việc xây dựng và ban hành giá tính thuế Tài nguyên đúng Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đồng thời với việc tham khảo giá tính thuế Tài nguyên của các tỉnh lân cận; kịp thời điều chỉnh giá tính thuế khi giá bán tài nguyên biến động tăng hoặc giảm 20%./.

Cần cân nhắc thời điểm thu phí khai thác tài nguyên
 “Đúng là các DN sản xuất xi măng đến thời điểm hiện nay mới chỉ khai thác đá nguyên liệu đến code 0 hoặc âm 10, tức là khai thác lộ thiên, chứ chưa hề thực hiện khai thác âm. Tôi cũng đồng tình với quan điểm phải thu các khoản tài chính từ các DN xi măng, nhưng cần cân nhắc thời điểm thu phí cho hợp lý, bởi hiện tại các DN xi măng đang rất khó khăn do suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Hơn nữa, trong khoảng 10 năm qua ngành Xi măng đã phát triển quá nóng, các địa phương đã cấp phép đầu tư dựa trên tăng trưởng của nhu cầu thị trường từ 10% đến 15%/năm, cho nên từ năm 2010 đến nay tổng công suất (70 triệu tấn) đã vượt tổng cầu gần 20 triệu tấn. Trong khi lượng tiêu thụ giảm mạnh, nhưng giá điện, giá than lại tăng liên tục mà giá xi măng không thể tăng do cung vượt cầu. Hơn thế nữa, các DN xi măng lại phải cạnh tranh về giá để chiếm thị trường, chiếm thị phần nên nhiều DN đang bị thua lỗ, có DN đang phải bán sản phẩm dưới giá thành”./.

Ông Đỗ Đức Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng

Theo Báo Kiểm toán số 15/2012

 

Xem thêm »