Địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp

23/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

P/v Ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên TW Đảng - Tổng Kiểm toán Nhà nước

Trải qua 18 năm đi vào hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ông Đinh Tiến Dũng – Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng cơ quan này đã khẳng định được vai trò là công cụ quản lý tài chính nhà nước hữu hiệu mặc dù vai trò, chức năng và nhiệm vụ vẫn chưa được nhận thức đầy đủ.

Thưa ông, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN chưa được quy định trọng Hiến pháp đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN ra sao?
Trong những năm qua, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN được quy định trong "Luật KTNN" đã giúp cho KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu của ngành, nhưng do địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN mới chỉ được quy định trong Luật Kiểm toán mà chưa được quy định trong Hiến pháp - Đạo luật cơ bản của Nhà nước - hiệu lực pháp lý cao nhất của quốc gia theo khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và thông lệ quốc tế. Trong hoạt động kiểm toán, tính độc lập là tiền đề cơ bản bảo đảm cho công tác kiểm tra tài chính công có hiệu lực và hiệu quả. Vì vậy, tính độc lập và địa vị pháp lý của KTNN, Tổng KTNN phải được xác định trong Hiến pháp. Địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN cũng chưa được quy định trong Hiến pháp đã dẫn đến những quy định về KTNN thiếu tính ổn định và chưa tương xứng với vai trò của KTNN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; mặt khác, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán trong những năm qua. 

Một nguyên nhân chủ quan là KTNN chưa phát huy được hết "sức mạnh" trong công tác kiểm toán, mới chỉ thực hiện kiểm tra tài chính Nhà nước mang tính hậu kiểm, mà chưa hướng mạnh vào "tiền kiểm". KTNN chưa tiến hành được nhiều cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề với các nội dung đ¬ược xã hội quan tâm, chất lượng kiểm toán có mặt còn hạn chế; chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức KTNN còn thiếu, trình độ, kinh nghiệm về kiểm toán hoạt động còn hạn chế; các văn bản, quy trình, quy phạm, chuẩn mực trong hoạt động kiểm toán còn bất cập... cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Trên thế giới, KTNN có chức năng kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia, trong khi Luật KTNN hiện hành quy định: “KTNN là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính nhà nước...” có gây ảnh hưởng đến "tầm" hoạt động của KTNN? thưa ông.
 Luật KTNN quy định KTNN chỉ là "cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính nhà nước" quả thật “chưa đúng tầm” của cơ quan KTNN trong quản trị nguồn lực quốc gia như các nước trên thế giới đã quy định, dẫn tới nhận thức của các cấp, các ngành, công chúng và toàn xã hội về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN chưa thật đầy đủ và toàn diện, thậm chí còn có nhận thức sai lệch, không đúng về vị trí pháp lý, tổ chức và hoạt động KTNN. 

 Hiện Luật KTNN quy định: "KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Chính phủ”. Nhưng cả Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ đều không có nội dung nào quy định về vấn đề này.

Chính vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao KTNN có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam vào thời điểm thích hợp một số điều khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN.

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của KTNN, cần thiết phải quy định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN trong Hiến pháp ra sao? thưa ông.
KTNN là công cụ đắc lực phục vụ việc kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Từ quy định KTNN “do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, cần bổ sung trong Hiến pháp một số quy định, đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật về: bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 84 của Hiến pháp đối với quyền “thành lập KTNN”; KTNN “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” tất yếu phải được quy định trong Hiến pháp. 

Việc quy định địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp, trước hết nhằm tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực kiểm toán đã được ghi nhận trong Tuyên bố Lima (1977), Tuyên bố Mexico (2007) của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao. Để bảo đảm tính độc lập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, KTNN đề xuất bổ sung vào Hiến pháp một số điều quy định về KTNN và Tổng KTNN như sau:

"KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ pháp luật, có chức năng kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia"; "Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của KTNN do Luật định".

"Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu KTNN, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của KTNN. Tổng KTNN báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội"; "Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”; "Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 5 năm”.

Khánh Vy thực hiện

 

 

Xem thêm »