Chính phủ báo cáo Quốc hội về phòng, chống tham nhũng

23/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(Chinhphu.vn) – Sáng 22/10, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, phương hướng trong thời gian tới.

Báo cáo cho biết công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra.

Phát hiện, truy tố nhiều hơn năm 2011

Việc phát hiện, truy tố tội phạm tham nhũng năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các cơ quan thanh tra nhà nước đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỷ đồng.

Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm khởi tố mới 222 vụ, 469 bị can (tăng 80 vụ và 224 bị can so với cùng kỳ năm ngoái); đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng. Cơ quan điều tra Quân đội đã khởi tố 16 vụ, 46 bị can về các tội danh tham nhũng; thu hồi 163 triệu đồng. Cục Điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 18 vụ, 20 bị can về các tội danh tham nhũng, đóng góp 19 kiến nghị về xử lý và phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 244 vụ, 601 bị can về tham nhũng (tăng 50 vụ, 192 bị can so với cùng kỳ năm 2011).

Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1% (năm 2011 là 31,7% ); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 34,2% (năm 2011 là 39,2%).

Các cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.948 tỷ đồng và 2.610 ha đất (đã thu hồi được 2.334 tỷ đồng); kiến nghị xử lý, kỷ luật hành chính đối với 520 tập thể, 899 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ, 41 người.

Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 59.496/70.587 vụ khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 84,3%. Qua đó đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 96,7 tỷ đồng, 84 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 215,5 tỷ đồng, 132,3 ha đất; minh oan cho 343 người; trả lại quyền lợi cho 2.960 người, kiến nghị xử lý hành chính 493 người, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ việc, 56 người.

Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010, phát hiện nhiều dạng sai phạm, đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 2.215,5 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.133,7 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện thêm 1.204,3 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước 14.382,1 tỷ đồng, các khoản xử lý khác 772 tỷ đồng, kiến nghị các cấp, các ngành rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 69 văn bản không phù hợp.

Việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện trong nhiều lĩnh vực  với 24.246 cán bộ, công chức đã được chuyển đổi.

Vẫn chưa đạt yêu cầu

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng. Đó là, công tác này chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Cụ thể, việc minh bạch về tài sản, thu nhập hiệu quả thấp (việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, kết quả công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hạn chế; chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…). Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; việc chuyển đổi vị trí công tác còn hình thức, bất cập.

Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; việc thu hồi và bồi thường tài sản bị tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng gây ra còn hạn chế…

Đồng bộ nhiều giải pháp

Về phương hướng thời gian tới, Chính phủ nhấn mạnh việc tập trung chỉ đạo để sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng và các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác để nâng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng "xin, cho", trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước....

Cùng với đó, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương.

Một phương hướng khác là sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp; nội luật hóa những quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam; tăng cường tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị chức năng về phòng chống tham nhũng …

Nguồn: chinhphu.vn

 

Xem thêm »