Có kế hoạch chi tiêu trung hạn sẽ kiểm soát chi tiêu bền vững

24/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Lập kế hoạch ngân sách trung hạn là việc cần làm để bảo đảm sự bền vững của nền tài chính quốc gia, trong đó hướng đến sự cân bằng giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư đồng thời cơ cấu lại nguồn thu. Khi có được kế hoạch chi tiêu trung hạn sẽ kiểm soát chi tiêu bền vững.

Chi tiêu trung hạn được xây dựng dựa trên nhận thức nguồn lực tài chính của quốc gia. Để đạt được những kết quả cao hơn từ những nguồn lực hiện có đòi hỏi phải thiết lập các công cụ để phân bổ nguồn lực này phù hợp với mục tiêu chiến lược ưu tiên. Chi tiêu trung hạn là phương pháp soạn lập NSNN được xác định trong một giai đoạn dài hơn, trong đó giới hạn nguồn lực tổng thể từ trên xuống và kết hợp với các dự toán kinh phí từ dưới lên, từ đó hợp thành chính sách chi tiêu được phân bổ phù hợp với các ưu tiên chiến lược đã được Chính phủ chấp nhận.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu cân đối NSNN trong tháng 8 ước đạt 45.020 tỷ đồng, thu NSNN trong 8 tháng đạt 447.000 tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán, 98,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 70.990 tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đầu năm ước đạt 571.545 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán... Như vậy chỉ trong tháng 8, ngân sách đã bội chi 26.000 tỷ đồng, tính lũy kế của 8 tháng bội chi đã lên tới 102.145 tỷ đồng. Nhìn vào những con số trên, theo đánh giá của Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính- Bộ Tài chính Vũ Nhữ Thăng thì NSNN sẽ khó duy trì mức thu như giai đoạn của những năm vừa qua, nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến khả năng thu ngân sách giảm mạnh, trong khi phải thực hiện các chính sách giãn, giảm và miễn thuế để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Và ước tính số thu cân đối NSNN năm nay khó có khả năng vượt dự toán như mong muốn.

Nêu dẫn chứng điều này, ông Thăng cho biết, trong giai đoạn 2007 - 2011, tổng thu ngân sách trung bình của nước ta khoảng 29% GDP; nếu chỉ tính thu từ thuế và phí thì con số này là 26,3% GDP, với tỷ lệ thu này của nước ta không hề cao so với khu vực; bên cạnh đó các chỉ số về nợ Chính phủ, nợ quốc gia nước ngoài đã được duy trì trong ngưỡng an toàn. Trong năm 2010 và 2011, thâm hụt ngân sách dần được cải thiện, thâm hụt ngân sách trong năm 2011 là 4,9% GDP, đã giảm đáng kể so với mức trung bình 5,2% GDP trong giai đoạn 2001- 2010…

Chiến lược tài chính đến năm 2020 và Chiến lược phát triển ngành tài chính đã đưa ra nhiều biện pháp, chỉ số về an ninh, an toàn tài chính và bền vững tài khóa. Ngành Tài chính cũng đã và đang thực hiện nhiều cải cách, cân đối lại cơ cấu thu hợp lý hơn, phù hợp nguyên tắc chung và xu hướng chung của thế giới. Nhưng thực tế, tỷ trọng thu NSNN từ thuế gián thu vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các khoản thuế trực thu từ sản xuất, kinh doanh chưa được như mong muốn. Với tình hình kinh tế được dự báo có thể còn tiếp tục khó khăn trong nhiều tháng tới, khiến NSNN đang và sẽ đứng trước áp lực phải bảo đảm các nhiệm vụ chi, mà thường là nhu cầu chi mỗi ngày một nhiều hơn trong khi thu ngân sách không hề dễ dàng.

Nêu một số ý kiến đóng góp nhằm sử dụng nguồn lực tài chính công có hiệu quả, ông Sử Đình Thành, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước mắt cần thiết lập nền tảng các nguyên tắc quản lý chi tiêu công hiện đại, tiếp theo là cải thiện việc lập kế hoạch phân bổ nguồn lực và kế hoạch chi tiêu và xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn. Trong đó đòi hỏi Chính phủ phải nắm bắt toàn diện những vấn đề đang tồn tại của quản lý chi tiêu công, tìm ra những điểm tiếp cận thích hợp để đẩy mạnh quá trình cải cách chi tiêu công theo từng giai đoạn phát triển. Trong chi tiêu công, các quyết định chi tiêu được đưa ra phải dựa vào cơ sở kỷ luật tài chính và có sự cạnh tranh, đánh đổi giữa các nhu cầu với nhau. Tuy nhiên, chỉ nên tập trung những nguồn lực vừa đủ ở mức cần thiết để thực hiện tốt các ưu tiên chiến lược của Chính phủ.

Rõ ràng, để quản lý một cách hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực, mỗi quốc gia đều phải sử dụng những cách thức nhất định để soạn lập kế hoạch ngân sách sát với khả năng thu, từ đó cân đối mức độ chi và phân bổ ngân sách vào những mục tiêu nhất định. Vẫn biết rằng, nước ta phải có những giải pháp để đối mặt với những thách thức trong quá trình áp dụng chi tiêu trung hạn như nhận thức, sự đồng thuận của xã hội; khuôn khổ pháp luật và thể chế; ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô… Và việc lập kế hoạch ngân sách trung hạn là việc cần làm để bảo đảm sự bền vững của nền tài chính quốc gia, trong đó hướng đến sự cân bằng giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư đồng thời nhanh chóng cơ cấu lại nguồn thu. Khi có được kế hoạch chi tiêu trung hạn sẽ kiểm soát chi tiêu bền vững. Ðây được coi là một trong những công cụ quan trọng để bảo đảm tính minh bạch và ổn định tài khóa bền vững.

Xem thêm »