Quyền lực không được kiểm soát sẽ sinh ra tham nhũng

05/11/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - “Tham nhũng về bản chất, đó là sự lạm dụng quyền lực nhà nước, tha hóa quyền lực bởi người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước nhằm đạt được lợi ích riêng. Đó là một "căn bệnh cố hữu" của mọi nhà nước, bất kể thuộc thể chế chính trị nào. Để chống tham nhũng tốt thì quốc gia nào cũng buộc phải xây dựng được thể chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả ngay từ trong Hiến pháp – Đó là khẳng định của Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga ngày 5.11 khi bà nói về vai trò của KTNN trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được QH xem xét vào hôm nay (6.11).

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga

Thưa bà, trong nhiều kỳ họp QH, rất nhiều  ĐB  đã có  những phát biểu khá gay gắt về tình trạng tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Nhưng thực tế hiệu quả công tác chống tham nhũng còn rất hạn chế.Phải chăng có cả nguyên nhân từ thể chế về kiểm soát  qyền lực nhà nước chưa chặt chẽ đã gây nên tình trạng này?

- Có thể nhận định như vậy. Điều dễ nhận thấy là có rất nhiều điểm bất hợp lý trong những quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước dẫn tới đến hiệu quả chống tham nhũng còn hạn chế. Có những vấn đề chúng ta đã quy định không phù hợp với thực tế vận hành quyền lực và với thông lệ quốc tế. Như sự thiếu độc lập của mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Ban chấp hành trung ương Đảng đã nhận rõ và ra nghị quyết sửa đổi vấn đề này. Có những quy định tuy đúng về mặt nguyên tắc nhưng thực tế không thể khả thi như quy định Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các địa phương phải có nhiệm vụ tích cực phát hiện tham nhũng, chỉ ra những sai phạm của các tổ chức thuộc trách nhiệm của chủ thể quản lý chính mình. Các thiết chế giám sát từ bên ngoài đối với hệ thống quản lý nhà nước như giám sát của cơ quan dân cử, giám sát của Mặt trận tổ quốc, của nhân dân hiện còn thiếu hiệu quả do phương thức giám sát và tổ chức bộ máy chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Chỉ phân tích riêng thiết chế về Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thấy rất rõ điều này. KTNN là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính của nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; có vai trò hỗ trợ tích cực cho Quốc hội trong việc giám sát, sử dụng tài chính quốc gia. Tổng kiểm toán do Quốc hội bầu nhưng nhân sự cụ thể trước khi bầu lại phải được sự thống nhất của Chính phủ. Điều này làm cho Tổng KTNN thiếu sự độc lập cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ.

Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

-Về mặt lý luận, không cần đến luật gia, người bình thường cũng có thể trả lời ngay được câu hỏi: Nếu Tổng KTNN thực hiện công việc một cách tích cực, chỉ ra quá nhiều sai phạm của Chính phủ trong sử dụng vốn, tài sản nhà nước thì liệu khóa sau, còn có thể tiếp tục được Chính phủ tiến cử vào vị trí này nữa không? Tổng KTNN được QH bầu, thuộc diện bị QH bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng không có quyền Báo cáo công tác hàng năm trước QH. Đặc biệt là:Tổng kiểm toán không có quyền và nghĩa vụ trả lời chất vấn của QH. Đây là một cản trở lớn cho cả ĐBQH khi thực hiện việc giám sát và cho chính cả Tổng KTNN.

Đây phải chăng là điều nhiều đại biểu Quốc hội như bà, vẫn còn trăn trở?

- Đúng vậy. Đã từng tham gia 4 khóa Quốc hội, tôi thấy có nhiều vấn đề về kết quả kiểm toán ngân sách, vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, về sự không minh bạch trong thông tin lỗ, lãi của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước rất cần sự trả lời chính thức của Tổng Kiểm toán Nhà nước với tư cách là một người chịu trách nhiệm về kiểm tra tài chính nhà nước. Nhưng rào cản pháp lý đã cản trở việc này. Vì vậy, những chất vấn của tôi và nhiều đại biểu khác với Tổng KTNN đành phải chuyển thành: "Yêu cầu cung cấp thông tin" vốn là một hình thức có giá trị pháp lý rất thấp. Khi không được xét báo cáo công tác của Tổng KTNN hàng năm, không được chất vấn thì lấy căn cứ gì để ĐB đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Tổng KTNN mà bỏ phiếu tín nhiệm cho chính xác, khách quan? Ở nhiều nước, khi Nghị viện xem xét, thảo luận,quyết định ngân sách, Tổng KTNN được bố trí một ghế, sẵn sàng trả lời những vấn đề liên quan khi các Nghị sỹ yêu cầu để giúp họ có cơ sở biểu quyết thông qua những vấn đề về tài chính quốc gia được chính xác hơn. Vì thế năng lực, uy tín của Tổng KTNN đối với Nghị viện là rất dễ được kiểm chứng.

Ở nước ta, Tổng KTNN hiện chưa có quyền trả lời chất vấn, chưa có quyền được báo cáo công tác trước QH.  Đây sẽ thực sự là bất lợi cho Tổng kiểm toán khi Đại biểu Quốc hội lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Vậy để khắc phục vấn đề này cần phải sửa luật  theo hướng nào?

- Đề nghị Hiến pháp sửa đổi cần ghi nhận địa vị pháp lý và vai trò của KTNN và Tổng KTNN theo hướng: "KTNN là cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của KTNN do luật định. Tổng KTNN là người đứng đầu KTNN, do QH bầu theo đề nghị của UBTVQH; chịu sự bãi nhiệm, miễn nhiệm của QH; có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ QH, chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước QH, chịu sự giám sát của QH, có trách nhiệm trả lời chất vấn của ĐBQH". Với địa vị độc lập và thường xuyên được giám sát như vậy, KTNN sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, phòng,chống tham nhũng./.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Chí Tùng (thực hiện)
 

Xem thêm »