(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Luật Dự trữ quốc gia với tỷ lệ tán thành đạt 94,58%; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực với tỷ lệ tán thành đạt 91,16%.
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật Dự trữ quốc gia.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số nội dung của dự thảo Luật: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Mục tiêu của dự trữ quốc gia (Điều 3); Danh mục hàng dự trữ quốc gia (Điều 27) và thông qua toàn bộ dự thảo Luật dự trữ quốc gia.
Điều 9 của Luật Dự trữ quốc gia vừa được Quốc hội thông qua quy định: Người làm công tác dự trữ quốc gia bao gồm: Công chức, viên chức làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách; người làm công tác dự trữ quốc gia là quân nhân, công an thì được hưởng phụ cấp thâm niên; tùy theo lĩnh vực, tính chất công việc được hưởng phụ cấp ưu đã nghề.
Điều 27 của Luật Dự trữ quốc gia quy định Danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hàng: Lương thực; Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; Vật tư thông dụng động viên công nghiệp; Muối trắng; Nhiên liệu; Vật liệu nổ công nghiệp; Hạt giống cây trồng; Thuốc bảo vệ thực vật; Hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và trong nuôi trồng thủy sản; Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng, nuôi trồng thủy sản; Vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh. Điều 27 cũng quy định các mặt hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia được quy định tại Điều 3 và một trong các tiêu chí: Là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; Là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; Là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.
Trong trường hợp cần điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Sáng ngày 20/11/2012, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Trước khi biểu quyết thông quan toàn bộ dự án Luật Điện lực, Quốc hội đã biểu quyết riêng các nội dung: qui hoạch phát triển điện lực; chính sách giá điện và qui định về giá điện với tỷ lệ tán thành cao.
Ủy ban TVQH cho rằng, để hướng tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, không nên phân biệt các đơn vị bán lẻ điện. Tất cả các đơn vị này đều bình đẳng, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Do vậy, nhà nước sẽ điều tiết giá bán lẻ điện tùy theo cấp độ phát triển của thị trường điện lực bằng việc quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ. Hơn nữa, Nhà nước còn sử dụng các biện pháp bình ổn giá điện được quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 31 của dự thảo Luật. Đối với việc công khai, minh bạch trong điều chỉnh giá bán lẻ điện, theo Ủy ban TVQH thì quy định tại dự thảo Luật, báo cáo tài chính đã được kiểm toán hằng năm của đơn vị điện lực là một trong những căn cứ để điều chỉnh giá điện.
Quốc hội biểu quyết thông qua Khoản 3, Khoản 13 và Khoản 15, Điều 1 của dự thảo Luật và thông qua toàn bộ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Khánh Vy