Các cơ quan kiểm toán tối cao cần thực hiện cam kết toàn cầu nhằm giám sát hiệu quả nguồn lực công

01/09/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Vừa qua, Chủ tịch Tòa Thẩm kế Brazil Bruno Dantas kiêm Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã đưa ra lời kêu gọi các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) cần tăng cường tính độc lập và thực hiện các cam kết toàn cầu nhằm giám sát hiệu quả việc sử dụng nguồn lực công.

Chủ tịch Tòa Thẩm kế Brazil Bruno Dantas. Ảnh: ST

Chủ tịch Tòa Thẩm kế Brazil nhấn mạnh, SAI đóng vai trò thiết yếu trong khuôn khổ trách nhiệm giải trình của các chính phủ vì SAI góp phần thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản lý ngân sách công có trách nhiệm. Để thiết lập lòng tin và tính hiệu quả trong hoạt động, SAI phải duy trì tính độc lập và cần được đảm bảo an toàn.

Khái niệm về tính độc lập của SAI liên quan đến nhiều khía cạnh pháp lý cũng như thực tiễn. Về mặt pháp lý, tính độc lập gắn liền với các biện pháp bảo vệ được nêu trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến các tổ chức và chức năng giám sát của các tổ chức. Trên thực tế, tính độc lập đề cập đến khả năng của các tổ chức trong việc hoạt động một cách khách quan, không chịu bất kỳ tác động nào.

Gần 50 năm trước, các quốc gia trên thế giới đã công nhận tầm quan trọng của tính độc lập của SAI. Tuyên bố Lima, được thông qua năm 1977 tại Đại hội INTOSAI lần thứ IX, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng bằng việc thiết lập các nguyên tắc kiểm toán độc lập trong khu vực công và nêu bật sự cần thiết của mỗi quốc gia trong việc thành lập một cơ quan kiểm toán tối cao với tính độc lập được đảm bảo về mặt pháp lý.

Năm 2007, Tuyên bố Mexico đã mở rộng các nguyên tắc này và nêu ra 8 trụ cột về tính độc lập của SAI gồm tầm quan trọng của khuôn khổ pháp lý; nguồn nhân lực đảm bảo; nguồn tài chính phù hợp; quyền tự chủ trong việc lựa chọn các vấn đề kiểm toán; tự chủ lập kế hoạch kiểm toán; đảm bảo thời hạn hành nghề của kiểm toán viên; quyền truy cập thông tin không giới hạn và quyền báo cáo về công việc kiểm toán.

Liên hợp quốc (UN) đã thừa nhận tầm quan trọng của SAI trong việc thúc đẩy tính hiệu quả, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong hành chính công. UN cũng công nhận tầm quan trọng của việc ưu tiên tính độc lập và tăng cường năng lực của SAI tại mỗi quốc gia.

Mặc dù thế giới đã thừa nhận tầm quan trọng của tính độc lập của SAI, nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể, tùy thuộc vào hoàn cảnh chính trị, pháp lý, xã hội và thể chế.

Ngân hàng thế giới cho rằng, các nước vẫn cần nỗ lực đáng kể để đạt được các mục tiêu trong Tuyên bố Lima năm 1977 liên quan đến tính độc lập của các SAI. Trong số 118 quốc gia được đánh giá, chỉ 19 quốc gia có mức độ độc lập cao hoặc rất cao, 29 quốc gia được xếp loại là có mức độ độc lập thấp.

Một báo cáo của Cơ quan Sáng kiến phát triển của INTOSAI (IDI) đã phát hiện ra một xu hướng đáng lo ngại là có sự suy giảm đáng kể về tính độc lập của SAI trên toàn cầu. Sự suy giảm này đặc biệt thể hiện rõ ở các khía cạnh liên quan đến tính đầy đủ của khuôn khổ pháp lý, khả năng tiếp cận thông tin và quyền tự chủ về mặt tài chính và quản lý hành chính.

Trong bối cảnh này, INTOSAI đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và tăng cường tính độc lập của SAI trên toàn thế giới. Kế hoạch chiến lược của Tổ chức giai đoạn 2023-2028 ưu tiên đến tính độc lập của SAI, củng cố cam kết hỗ trợ các SAI thực hiện sứ mệnh đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính hiệu quả trong quản lý nguồn lực công.

Chủ tịch INTOSAI nhấn mạnh, tính độc lập của SAI là một yêu cầu vô cùng quan trọng. Tăng cường tính độc lập là tăng cường dân chủ, thúc đẩy các hành động hiệu quả của chính phủ và bảo vệ lợi ích của công dân; do đó, các nước cần thực hiện cam kết bảo vệ và nâng cao tính độc lập của SAI./.

(Theo INTOSAI)

 

Xem thêm »