Australia: Đề cao vai trò của việc đánh giá tính trung thực trong kiểm toán

10/04/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Quản trị tính trung thực và bài học từ quá trình kiểm toán các cơ quan quản lý tài chính công là nội dung chính trong báo cáo do Cơ quan Kiểm toán quốc gia Australia (ANAO) công bố mới đây.

Nghị viện và Chính phủ Australia yêu cầu các tổ chức, cơ quan khu vực công của Australia hoạt động theo các khuôn khổ đặt ra kỳ vọng cao về tính trung thực, liêm chính và đạo đức. Do đó, ANAO đánh giá việc quản trị tính trung thực như một phần quan trọng của mỗi cuộc kiểm toán. Đặc biệt, tính trung thực được đánh giá thường xuyên trong quá trình kiểm toán hoạt động mua sắm và công tác quản lý tài trợ của các tổ chức khu vực công.

Trong năm 2023, Tổng Kiểm toán Australia đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán hoạt động nhằm kiểm tra tính hiệu quả của việc quản trị tính trung thực trong các cơ quan quản lý tài chính. Các báo cáo này cung cấp thêm thông tin, các yêu cầu về tính trung thực trong khu vực công của Australia.

Trong nhiều cuộc kiểm toán, ANAO đã xem xét các rủi ro liên quan đến tính trung thực cần được các cơ quan Chính phủ Australia quản trị chặt chẽ hơn, bao gồm: các công bố vì lợi ích công; rủi ro pháp lý; hoạt động tặng quà, chiêu đãi; sở hữu thẻ tín dụng; quy tắc ứng xử; xung đột lợi ích; vấn đề gian lận; thù lao cho nhân sự cấp cao...

Tổng Kiểm toán Australia cho biết, trong những năm gần đây, ANAO tập trung kiểm tra hoạt động của các cơ quan quản lý tài chính và thường đưa ra khuyến nghị các cơ quan này cần xác định những rủi ro liên quan đến tính trung thực, xây dựng chính sách, thủ tục để quản lý rủi ro; duy trì các chính sách và quy trình cũ có hiệu quả; thực hiện các biện pháp thúc đẩy việc tuân thủ các yêu cầu về tính trung thực; giám sát tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nội bộ liên quan đến tính trung thực và cung cấp sự đảm bảo cho cơ quan có thẩm quyền; giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về tính trung thực, bao gồm giám sát, báo cáo thường xuyên và theo dõi các trường hợp không tuân thủ được xác định.

Dựa trên các cuộc kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan quản lý tài chính, ANAO đã xuất bản ấn bản Bài học kiểm toán, cung cấp 7 kinh nghiệm chính để quản lý tính trung thực trong mỗi cơ quan của Chính phủ Australia.

Thứ nhất, đơn vị nên tạo ra một văn hóa ủng hộ tính trung thực, thông qua việc “làm gương” và “lan tỏa”. Các nhà lãnh đạo cấp cao cần chứng minh rằng đơn vị của họ coi trọng tính trung thực bằng cách đảm bảo các chính sách phù hợp với những kỳ vọng về đạo đức, bằng cách đặt ra “tôn chỉ” và tuân thủ thực hiện.

Thứ hai là xác định các yêu cầu về tính trung thực áp dụng cho tổ chức và đánh giá rủi ro về tính trung thực. Các yêu cầu cụ thể về tính trung thực, liêm chính và đạo đức áp dụng cho nhân sự của đơn vị sẽ phụ thuộc vào loại hình hoạt động của đơn vị; luật pháp cũng như các chính sách và khuôn khổ của Chính phủ Australia mà đơn vị hoạt động theo; các chính sách và khuôn khổ nội bộ mà đơn vị đã áp dụng.

Thứ ba, thiết lập, duy trì và thúc đẩy các chính sách, thủ tục để quản lý rủi ro về tính trung thực, giúp đảm bảo những rủi ro này được quản lý hiệu quả theo các yêu cầu liên quan, phù hợp với mong đợi của cộng đồng. Các chính sách của tổ chức phải phù hợp với kỳ vọng về đạo đức được thiết lập trong các khuôn khổ liên quan.

Thứ tư, tính hiệu quả của các cơ chế quản lý rủi ro về tính trung thực của đơn vị phụ thuộc vào việc tuyên truyền cho nhân sự, nhắc nhở các yêu cầu mà họ phải tuân thủ.

Thứ năm, kiểm tra các biện pháp kiểm soát nội bộ để quản lý rủi ro về tính trung thực có hiệu quả không.

Thứ sáu, thúc đẩy, kiểm tra và theo dõi việc tuân thủ các yêu cầu về tính trung thực.

Thứ bảy, lưu giữ các hồ sơ, chứng từ của cơ quan, tổ chức để có đầy đủ tài liệu chứng minh tính trung thực trong hoạt động./.

(Theo ANAO)

Xem thêm »