Thái Lan: Đánh giá cao vai trò, tác động của kiểm toán đối với nền kinh tế xanh

05/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Thái Lan đã có bài viết đánh giá về lợi ích của nền kinh tế xanh và nhấn mạnh, các quốc gia cần tăng cường hiệu lực của kiểm toán để góp phần xây dựng nền kinh tế xanh.

Kiểm toán nhà nước Thái Lan luôn chú trọng tăng cường sự tham gia của công chúng vào kiểm toán. Ảnh: ST

Đóng góp của SAI cho nền kinh tế xanh

Khái niệm “nền kinh tế xanh” lần đầu tiên được đưa ra trong báo cáo “Tương lai chung của thế giới” năm 1987 của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới trực thuộc Liên hợp quốc. Báo cáo nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế không được đánh đổi với sự suy thoái môi trường hoặc cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Để đạt được mục tiêu này, các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) của mỗi nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo đó, SAI có thể đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế xanh thông qua kiểm toán hoạt động. Kiểm toán hoạt động là một công cụ quan trọng để nâng cao giá trị các chi tiêu. Bằng cách kiểm tra tính hiệu quả, hiệu lực, tính kinh tế của các chương trình, chính sách, hoạt động của chính phủ, kiểm toán hoạt động có thể xác định các cơ hội cải thiện, góp phần mang lại kết quả tốt hơn cho môi trường và tính bền vững.

KTNN Thái Lan nhấn mạnh, SAI cần sử dụng kiểm toán hoạt động để hỗ trợ nền kinh tế xanh bằng cách giám sát chính sách và chương trình của chính phủ. Hoạt động này có thể bao gồm kiểm toán các chương trình năng lượng tái tạo, các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sáng kiến giao thông công cộng, chương trình tái chế và giảm thiểu chất thải... Nếu một chính sách hoặc chương trình không đạt được kết quả dự kiến, SAI cần xác định lý do và đưa ra các khuyến nghị cần thiết.

Các SAI cũng có thể yêu cầu các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về tác động môi trường. Điều này bao gồm kiểm toán việc tuân thủ các quy định về môi trường; đánh giá tác động của các hoạt động, dự án của chính phủ tới môi trường; đánh giá hiệu quả quản lý rủi ro môi trường của các cơ quan công.

Thông qua các báo cáo, SAI cần nhấn mạnh về những trường hợp thành công trên thực tiễn, xác định rào cản cũng như đề xuất cách thức khắc phục các vấn đề nêu trên để có thể nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Một vấn đề quan trọng khác là các SAI cần làm việc với nhiều bên liên quan khác, tham gia vào việc chia sẻ kiến thức và thông lệ tốt nhất, triển khai các cuộc kiểm toán chung hoặc tham gia vào các sáng kiến quốc tế có liên quan đến phát triển bền vững và kiểm toán môi trường nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh.

Nỗ lực nâng cao năng lực về mọi mặt của SAI

Để thực hiện hiệu quả các vai trò trên, các SAI cần có chuyên môn và năng lực về mọi mặt, đặc biệt về kiểm toán môi trường. SAI cần đào tạo kiểm toán viên, xây dựng tiêu chí, phương pháp kiểm toán liên quan đến tính bền vững và sử dụng các công cụ để phân tích dữ liệu môi trường bởi các hoạt động kiểm toán đều có tác động đáng kể đến nền kinh tế xanh theo nhiều cách thức.

Thông qua các cuộc kiểm toán hoạt động, SAI có thể đánh giá liệu các sáng kiến của chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế xanh có hiệu quả không. Khi xác định được sự bất cập, SAI có thể đề xuất các hoạt động cải tiến, theo đó đảm bảo việc sử dụng nguồn lực công hiệu quả hơn và đạt được những kết quả có sức ảnh hưởng hơn cho nền kinh tế xanh.

Để tăng cường trách nhiệm giải trình, kiểm toán có thể yêu cầu chính phủ và các tổ chức công chịu trách nhiệm về cam kết và nghĩa vụ đối với sự bền vững của môi trường. Điều này giúp thúc đẩy tính minh bạch, củng cố niềm tin và khuyến khích việc tuân thủ các chính sách cũng như quy định nhằm hỗ trợ nền kinh tế xanh.

KTNN Thái Lan khẳng định, kiểm toán có thể tạo ra những giá trị giúp nhà hoạch định chính sách hoàn thiện chiến lược hiện có hoặc phát triển chiến lược mới liên quan đến nền kinh tế xanh. Các phát hiện kiểm toán có thể minh họa thách thức hoặc nêu bật thông lệ tốt nhất, đây là những nguồn lực quý giá cho việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng.

Kiểm toán có thể giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan, của công chúng về tầm quan trọng của nền kinh tế xanh và vai trò của chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa những tác động này, điều quan trọng và cần thiết là các SAI cũng cần đẩy mạnh truyền thông, đưa những phát hiện và khuyến nghị kiểm toán đến các bên liên quan đồng thời, theo dõi việc thực hiện các khuyến nghị này.

Cần xây dựng chiến lược toàn diện, lâu dài

KTNN Thái Lan đã đưa ra một số khuyến nghị sau khi công bố kết quả kiểm toán các sáng kiến về nền kinh tế xanh. KTNN Thái Lan nhấn mạnh, cần xây dựng một chiến lược toàn diện, lâu dài cho nền kinh tế xanh, thiết lập các mục tiêu và biện pháp hiện thực hóa mục tiêu rõ ràng, phù hợp với các cam kết quốc tế và có sự tham gia của tất cả các Bộ, ban ngành và cơ quan liên quan.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo tất cả các cơ quan cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để thúc đẩy nền kinh tế xanh; tăng cường giám sát và đánh giá toàn diện đi kèm với thực hiện sáng kiến về nền kinh tế xanh, nhằm mục tiêu đánh giá tác động và hiệu quả của chúng.

Các chính phủ cần phân bổ đủ kinh phí, minh bạch và có trách nhiệm cho các sáng kiến nền kinh tế xanh để đảm bảo việc đạt được những tác động như dự kiến. Đồng thời, nên tăng cường thực thi các quy định về môi trường để đảm bảo rằng tất cả các cơ quan, tổ chức đều đóng góp tích cực vào nền kinh tế xanh.

Bên cạnh các khuyến nghị này, SAI cũng được kêu gọi thực hiện các hành động bao gồm cải thiện việc thực hiện chương trình kinh tế xanh; áp dụng các biện pháp thực hành bền vững; quản lý rủi ro môi trường hiệu quả; giải quyết phát hiện và theo dõi kiến nghị từ các cuộc kiểm toán và tăng cường sự tham gia của công chúng./.

Xem thêm »