Giải quyết những lo ngại về quyền riêng tư, Cơ quan Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ  cho biết, đạo đức là điều bắt buộc đối với AI trong kiểm toán

10/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Báo Ấn Độ ngày 13/3/2023 đăng bài viết: “Giải quyết những lo ngại về quyền riêng tư, Cơ quan Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ (CAG) cho biết, đạo đức là điều bắt buộc đối với AI trong kiểm toán”.

Bài viết chỉ ra rằng việc xoa dịu nỗi sợ hãi và lo ngại trên toàn thế giới về việc sử dụng, áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị tổ chức, bao gồm cả trong kiểm toán, sẽ là nội dung hàng đầu trong cuộc họp kéo dài ba ngày của các quan chức cấp cao thuộc các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) G20 đang được tổ chức tại Guwahati, Tổng CAG nhấn mạnh, đạo đức phải là yếu tố định hướng chính.

Ông Girish Chandra Murmu, Tổng CAG nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng: “Mặc dù AI mang lại nhiều cơ hội, nhưng nó cũng làm dấy lên các lo ngại liên quan đến tính minh bạch và công bằng. Những vấn đề này bao gồm tác động của AI đối với quyền riêng tư, thiên vị và phân biệt đối xử trong các hệ thống AI cũng như sự hiểu biết không đầy đủ của công chúng về các thuật toán AI. Những vấn đề này rất phức tạp và có mối liên hệ với nhau, làm nổi bật yêu cầu về các thực hành AI có trách nhiệm, giúp đảm bảo tính công bằng của các giải pháp”. Ông cho biết thêm: “Nền tảng của trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm là đạo đức. Đạo đức tập trung vào sự an toàn và độ tin cậy, tính hòa nhập và không phân biệt đối xử, bình đẳng, quyền riêng tư và bảo mật, bảo vệ và củng cố các giá trị tích cực của con người”.

Trong khi AI và các ứng dụng của AI đang phát triển trên quy mô toàn cầu, đã có những mối lo ngại nghiêm trọng liên quan đến việc vi phạm quyền riêng tư và thúc đẩy sự thiên vị. Hai lĩnh vực ưu tiên, bao gồm Nền kinh tế xanh và Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, đã được chọn là chủ đề hợp tác giữa các SAI trong G20. Các SAI đóng vai trò rất quan trọng do cách tiếp cận khoa học dựa trên mục tiêu và tiêu chí đối với việc đánh giá chương trình và các cuộc kiểm toán hoạt động. Các SAI có vị trí đặc biệt để cung cấp các phản hồi cập nhật cho Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, không chỉ để điều chỉnh kế hoạch giữa kỳ mà còn để thay đổi cách tiếp cận khi cần thiết.
 
Nêu bật những lợi ích có thể tích lũy nhờ các ứng dụng AI, CAG cho biết: “Dân chủ hóa công nghệ AI là không thể tránh khỏi. Ngày nay chúng ta đã đạt đến mức AI có thể đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030”. CAG cho biết thêm: “AI có tiềm năng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế xã hội và có thể được sử dụng để mang lại lợi ích cho người dân và đất nước thông qua sự can thiệp kịp thời và có mục tiêu. Chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, tài chính, nông nghiệp, thực phẩm, nguồn nước, môi trường và ô nhiễm, giáo dục, nhu cầu đặc biệt, giao thông vận tải, năng lượng, an toàn công cộng, quản lý thảm họa, tư pháp, vv, chỉ là một số lĩnh vực mà AI có tiềm năng giải quyết”.
 
Nền kinh tế xanh có nghĩa là đề cập đến việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển để khai thác, tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế và giao thông, đồng thời bảo vệ sức khỏe các hệ sinh thái biển và ven biển. AI có trách nhiệm là phương pháp thiết kế, phát triển và triển khai AI với mục đích tốt là trao quyền cho nhân viên và doanh nghiệp, đồng thời tác động một cách công bằng đến khách hàng và xã hội – cho phép các công ty tạo dựng uy tín và tự tin mở rộng quy mô AI./.

Bản tin Quốc tế 145 của Vụ HTQT

Xem thêm »