Philippines không đạt hiệu quả trong việc thực hiện luật phòng chống tham nhũng

10/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Báo Philippines ngày 22/3/2023 dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Philippines không đạt hiệu quả trong việc thực hiện luật phòng chống tham nhũng. Trong nội dung về hoạt động nhân quyền của Philippines năm 2022, báo cáo nhấn mạnh: “Luật quy định các hình phạt trong trách nhiệm hình sự đối với hành vi tham nhũng của quan chức Nhà nước, tuy nhiên, Chính phủ Philippines không thực thi Luật này một cách có hiệu quả và quan chức thường xuyên dính líu đến các hành vi tham nhũng mà không bị trừng phạt”.

Báo cáo cho biết, mặc dù có nhiều cơ quan khác nhau thực hiện chức năng phòng chống tham nhũng trong Chính phủ như Văn phòng Thanh tra (Ombudsman), Tòa án chống tham nhũng Sandiganbayan và Ủy ban Kiểm toán Philippines, nhưng “cả 03 Cơ quan này đều được phân bổ ngân sách một cách nhất quán dưới mức họ yêu cầu”, điều này đã làm chậm quá trình điều tra và truy tố các quan chức cũng như nhân viên bị nghi ngờ dính líu đến các hoạt động lừa đảo. Chính “sự chậm trễ kéo dài” trong việc truy tố các vụ án tham nhũng đã “củng cố nhận thức về việc không bị trừng phạt” đối với lực lượng an ninh cũng như quan chức chính quyền trung ương và địa phương bị cáo buộc tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Báo cáo tiết lộ, Văn phòng Thanh tra đã truy tố thành công hơn 100 vụ án tham nhũng, “nhưng quan chức vẫn tiếp tục dính líu đến các hành vi tham nhũng mà không bị trừng phạt thích đáng”.
 
Báo cáo trích dẫn vụ án kéo dài 20 năm của cựu dân biểu Clavel Martinez ở quận 4 Cebu và năm quan chức địa phương khác, bao gồm cả con trai của Martinez, là những người đã bị kết án vào tháng 5/2022 với ba tội danh hối lộ và biển thủ công quỹ, bị kết án tù dài hạn, phạt 24,4 triệu Peso và yêu cầu hoàn trả cho Chính phủ số tiền 14,4 triệu Peso. Báo cáo thể hiện: “Các bản án được đưa ra sau 20 năm kể từ khi tội ác xảy ra và 10 năm sau khi các cáo buộc được đệ trình lần đầu tiên”, theo đó nhấn mạnh sự chậm trễ là một trong những thách thức mà Chính phủ Philippines cần phải giải quyết để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Hơn nữa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết, việc thực thi quyền tự do ngôn luận dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Duterte đã có sự sụt giảm “rõ rệt”, gây khó khăn cho công chúng trong việc báo cáo và lên tiếng chống lại hoạt động tham nhũng của các nhà lãnh đạo Chính phủ.
 
Philippines chỉ tăng một bậc - từ thứ 117 lên thành 116 – trong danh sách xếp hạng 180 quốc gia trong Chỉ số nhận thức tham nhũng mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin (Đức), nhưng vẫn nằm trong số “những quốc gia tụt dốc đáng kể” ở Châu Á-Thái Bình Dương khi điểm số của nước này giảm 5 điểm từ 38 điểm – mức điểm cao nhất của quốc gia này – vào năm 2014, xếp hạng 85/175.
 
Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức thăm dò dư luận Social Weather Stations, sự hài lòng của người dân Philippines đối với những nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền Marcos (Tổng thống thứ 17 của Philippines, người kế nhiệm ông Rodrigo Duterte) ở mức “vừa phải” +12./.

Bản tin Quốc tế số 145 của Vụ HTQT

Xem thêm »