Nigeria: Ngành giáo dục đối mặt với nhiều thách thức

22/10/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Mới đây, Ủy ban Giáo dục cơ bản phổ cập Nigeria đã thực hiện một cuộc kiểm toán và chỉ ra nhiều khó khăn mà ngành giáo dục nước này đang phải đối mặt. Trong đó, tình trạng thiếu giáo viên có trình độ ở cả hệ thống trường công và trường tư trên toàn liên bang là một trong những vấn đề nan giải từ nhiều năm qua.

Cuộc kiểm toán chỉ ra rằng, ở các trường công lập, chỉ 73% giáo viên có trình độ đáp ứng các quy định hiện hành; ở các trường tư thục, con số này còn thấp hơn, chỉ khoảng 53% giáo viên đủ điều kiện được dạy ở các cấp họ đang công tác. Cấp độ giáo dục phổ thông (gồm giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) đang thiếu gần 278.000 giáo viên đáp ứng các tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục đề ra.

Tại Nigeria, điều kiện làm việc của giáo viên rất thiếu thốn, các chế độ dành cho họ nghèo nàn đến nỗi trong nhiều cuộc khảo sát về nghề nghiệp, nghề giáo ít được lựa chọn nhất. Trở thành giáo viên thường là sự lựa chọn cuối cùng khi những người tìm việc làm không thể xin được việc trong các lĩnh vực khác có thu nhập và chế độ cao hơn. Do đó, việc tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học sư phạm và khoa giáo dục trong các trường đại học không có sự cạnh tranh.

Công đoàn Giáo dục Nigeria đã nhiều lần đình công yêu cầu Chính phủ cải thiện phúc lợi cho giáo viên, tuy nhiên nhiều năm qua, tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện. Hơn nữa, tình trạng này kéo dài trong nhiều năm đã tác động đến tâm lý của những người hoạt động trong công tác giáo dục, đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học và dẫn đến kết quả học tập của học sinh cũng giảm sút.

Báo cáo kiểm toán khuyến nghị Chính phủ và chính quyền các bang cần cải thiện, nâng cao các phúc lợi cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, cần nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ giáo viên để nâng cao thành tích học tập của học sinh. Các bang cần đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các chương trình đào tạo cho nhân sự ngành giáo dục. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ cũng như xây dựng các sáng kiến để khuyến khích, khen thưởng giúp truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên. Song song với đó là xây dựng các chương trình yêu cầu học sinh, sinh viên chủ động, tích cực hơn trong quá trình học tập góp phần cải thiện chất lượng dạy và học.

(Theo This Day)
(Báo Kiểm toán số 42/2021)

Xem thêm »