Lựa chọn chính sách ứng phó với lạm phát

09/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chỉ số giá tiêu dùng hiện ở mức khá thấp và nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu dưới 4% của cả năm nay. Dù vậy, vẫn còn một số rủi ro gây lạm phát tăng cao từ nay đến cuối năm. Để ứng phó với các rủi ro này, có ý kiến cho rằng chỉ cần giảm thuế để giảm giá xăng dầu là giải pháp trọng tâm. trong khi đó, một số quan điểm khác đề xuất nên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Đối mặt nhiệm vụ khó khăn

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 8 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: “Mặc dù lạm phát cho đến nay dường như chủ yếu do các yếu tố cung bên ngoài, nhưng giá cả gia tăng liên tục có thể khiến cho kỳ vọng lạm phát tăng cao. Mặt khác, nhu cầu trong nước gia tăng đặc biệt khi tiêu dùng tiếp tục phục hồi có thể làm tăng áp lực lên giá cả. Bản thân lạm phát kéo dài và cao hơn dự kiến có thể làm suy giảm quá trình phục hồi, nhất là về đầu tư và tiêu dùng tư nhân”.

Trong bối cảnh đó, theo WB, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục chính sách hỗ trợ để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát. Đồng nghĩa với việc chính sách phải tiếp tục thích ứng với nhịp độ phục hồi cả ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời phải thận trọng với lạm phát và những rủi ro về tài chính.

Theo WB, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản tăng tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% của Chính phủ - Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.

Trong khi đó, tại một cuộc hội thảo mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cho rằng: “Ở giai đoạn hiện nay, chống lạm phát không nên dùng chính sách tiền tệ nữa mà sử dụng chính sách tài khóa, cụ thể là giảm thuế để giảm giá xăng dầu, giúp giảm lạm phát. Lạm phát chủ yếu do giá xăng dầu, nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu thì lạm phát có thể giảm xuống dưới 4%”.

Cần điều tiết tốt tài khóa và tiền tệ

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) xu hướng tăng lạm phát của Việt Nam đang chững lại, nhiều khả năng vẫn có thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát CPI năm nay dưới 4% mà không cần thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ hay các giải pháp tài khóa mạnh mẽ khác.

“Trong trường hợp rủi ro lạm phát tăng cao quay trở lại, cần xem xét nguyên nhân của xu hướng đó. Chẳng hạn, giá cả hàng hóa tăng do giá xăng dầu tăng cao thì tác động vào thuế để giảm giá, trong trường hợp lạm phát tăng do cung tiền lớn thì thắt chặt tiền tệ hoặc kết hợp cả hai việc này khi chỉ số giá tiêu dùng đối mặt với rủi ro tăng cao. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã điều tiết khá tốt chính sách tài khóa và tiền tệ, giảm thuế xăng dầu kịp thời để giảm giá mặt hàng này đồng thời ổn định được tỷ giá để hạn chế lạm phát nhập khẩu. Cần tiếp tục duy trì cách thức điều hành này”, ông Độ nói.

Trong khi đó, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, không nên “đổ” hết nguyên nhân của lạm phát do giá xăng dầu bởi thực tế CPI của nước ta thời gian qua tăng là do xu hướng tăng giá nhiều loại nguyên vật liệu, trong đó có giá xăng dầu chỉ là một loại. Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất trên thế giới cũng gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, tạo rủi ro tăng nhập khẩu lạm phát.

“Để kiểm soát lạm phát, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã làm tốt việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó, giảm thuế để giảm giá xăng dầu và kiểm soát đà tăng giá nhiều loại hàng hóa nguyên vật liệu khác đồng thời, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thị trường tiền tệ để giữ ổn định tỷ giá”, ông Bình nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, thời gian tới, lạm phát của Việt Nam vẫn có rủi ro tăng cao, đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư công chưa giải ngân vẫn còn rất lớn, nhu cầu vay vốn để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh nửa cuối năm rất cao, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng dự kiến giải ngân trong 2 năm cũng sẽ làm tăng lượng cung tiền đáng kể. Do đó, cần tính toán sẵn sàng các phương pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt, duy trì chính sách tiền tệ đủ “lỏng” để hỗ trợ khôi phục kinh tế song vẫn có thể tăng lãi suất nếu rủi ro lạm phát tăng cao xuất hiện, đồng thời, tiếp tục tính toán trước các phương án giảm thuế xăng dầu trong trường hợp đà tăng giá mặt hàng này quay trở lại.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Ngân hàng Nhà nước cảm nhận áp lực từ nhiều phía. Đối với lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp. Có doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu lại phản ánh nếu đồng Việt Nam phá giá các doanh nghiệp nhậu khẩu khó khăn”.

Do đó, theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng để nền kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách giá cả, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp đề nghị tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị chủ động rà soát phương án giá kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

ThS Nguyễn Thị Thu Minh
Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 178

Xem thêm »