Zimbabwe: Nạn tham nhũng tràn lan tại nhiều cơ quan nhà nước    

08/08/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Trong Báo cáo thường niên của Tổng Kiểm toán Zimbabwe Mildred Chiri mới được công bố, tình trạng tham nhũng tồi tệ, năng lực hoạt động yếu kém tại nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước một lần nữa bị phơi bày.

Nhiều năm qua, Tổng Kiểm toán đã liên tục công bố các báo cáo chỉ ra tình trạng trên, đồng thời, lấy đó làm cơ sở để đề nghị Chính phủ cần có những biện pháp cứng rắn nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bà Mildred Chiri lên án tình trạng các tổ chức, DNNN đã lạm dụng các nguồn lực và tài sản công. Một trong những vụ bê bối lớn nhất bị Tổng Kiểm toán lên án là trường hợp Công ty Phân phối và Truyền tải điện Zimbabwe (ZETDC). Công ty này báo cáo đã thanh toán tiền cho một số nhà thầu để mua máy biến áp, tuy nhiên, 9 năm qua, Công ty vẫn chưa nhận về một chiếc máy biến áp nào. Điển hình là trường hợp ZETDC đã trả khống số tiền 4,9 triệu USD cho nhà thầu Công ty TNHH Đầu tư Pito để mua máy biến áp.

Năm 2016, Công ty Điện lực Zimbabwe (ZPC) cũng đặt cọc 562.000 USD cho nhà thầu này, tuy nhiên đến nay, Pito vẫn chưa cung cấp sản phẩm, dịch vụ nào cho ZPC. Cũng trong năm 2016, ZPC báo cáo đã trả 550.000 USD cho Công ty York International với nội dung mua gas, tuy nhiên, Công ty này chưa bao giờ giao gas cho ZPC.

ZETDC và ZPC là 2 công ty con của Tổng công ty Điện lực ZESA. Hiện, ZESA đang phải vật lộn để đảm bảo cung cấp đủ điện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trước tình trạng các nhà máy điện đã quá cũ kỹ, không đảm bảo sản lượng. Trước đây, ZESA cũng từng dính phải một số vụ bê bối, tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa có hình phạt hay hành động cứng rắn nào đối với Công ty này.

Một số DNNN khác cũng bị nêu tên trong Báo cáo kiểm toán gồm: Hãng Hàng không quốc gia Air Zimbabwe, Hội đồng Giáo dục Zimbabwe, Hội đồng Tiếp thị ngũ cốc…

Báo cáo kiểm toán cho biết thêm, một số cơ quan và chính quyền các địa phương khác cũng thường xuyên phớt lờ các quy định mua sắm công, tự ý chi tiêu ngân sách bừa bãi. Tổng Kiểm toán cảnh báo, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm và một lần nữa kêu gọi Chính phủ, Ủy ban Phòng, chống tham nhũng và các cơ quan liên quan cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt để đối phó với nạn tham nhũng đang tàn phá quốc gia này.

(Theo Allafrica)
(Báo Kiểm toán số 32/2019)

Xem thêm »