Uganda: Tham nhũng trong các chương trình hỗ trợ người tị nạn của Liên Hợp Quốc

06/12/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 30/11, Văn phòng Dịch vụ giám sát nội bộ (OIOS) của Liên Hợp Quốc (UN) đã phát hành Báo cáo kiểm toán nội bộ đối với các hoạt động, chương trình hỗ trợ người tị nạn tại quốc gia Uganda, trong đó chỉ trích tình trạng tham nhũng và sai phạm nghiêm trọng với giá trị hàng tỷ USD.  

 Nhiều khoản chi vượt mức quy định, không có chứng từ…

Cuộc kiểm toán của OIOS xem xét đến các hoạt động của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) tại Uganda trong 18 tháng tính từ tháng 7/2016. Báo cáo cho biết, Văn phòng UNHCR tại Uganda đã sử dụng lượng nhiên liệu cho phương tiện đi lại của cán bộ cao hơn nhiều so với mức được duyệt; chi trả tiền trợ cấp hơn 280.000 USD cho một số cán bộ mà không có các chứng từ hỗ trợ kèm theo; chi tiêu vượt mức cho việc thuê đất mở rộng không gian cho các hoạt động của người tị nạn, đồng thời chi tiêu vượt khoảng 77 triệu USD cho dịch vụ cung cấp nước; một số hạng mục mua sắm thiết bị như: chăn vải, xe đẩy và đèn năng lượng mặt trời với tổng giá trị gần 280.000 USD trên thực tế không tồn tại…

Bên cạnh đó, Văn phòng UNHCR tại Uganda không mở thầu cạnh tranh khi thực hiện các hạng mục mua sắm công, khiến UNHCR phải gánh nhiều khoản lỗ do lạm phát giá hoặc gian lận. Nhiều hợp đồng sửa chữa đường xá có giá trị lớn được trao cho những nhà thầu không có kinh nghiệm. Con số người tị nạn tại Uganda hiện là 1,1 triệu người, thấp hơn 25% con số được báo cáo trước đó.

Ngoài ra, cuộc kiểm toán phát hiện ra rằng, từ năm 2015-2017, UNHCR đã chi trả cho Chính phủ Uganda 14,6 triệu USD để thiết lập và điều hành giao diện đăng ký người tị nạn mới. Tuy nhiên, đến năm 2017, số lượng đơn đăng ký của người tị nạn đã quá tải hệ thống và Cơ quan này đã phải chi thêm 11 triệu USD để mua một hệ thống đăng ký sinh trắc học khác. Song Văn phòng của UNHCR tại Uganda hiếm khi có quyền truy cập vào dữ liệu cần thiết để lập kế hoạch và xác minh. Điều này gây lãng phí lớn cho ngân sách hỗ trợ của UN.
 
Cần có biện pháp quản trị rủi ro

Được biết, từ tháng 7/2016, bạo lực bùng phát giữa các lực lượng đối đầu ở Thủ đô Juba, Nam Sudan đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ đất nước sang các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Uganda. Theo UNHCR, cuộc khủng hoảng người tị nạn Nam Sudan được coi là lớn nhất tại châu Phi và đứng thứ 3 thế giới. Tính đến nay, Uganda đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn từ Nam Sudan, Cộng hòa Congo và các quốc gia láng giềng khác. Đến Uganda, người tị nạn Nam Sudan có thể tự do đi lại, được hỗ trợ nơi ở mới, tiêm chủng và lương thực, thực phẩm.

Theo UN, cách thức giải quyết vấn đề người tị nạn của Chính phủ Uganda được đánh giá là tiến bộ hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Phi. Thủ tướng Uganda  Ruhakana Rugunda cho biết, Chính phủ Uganda vẫn tiếp tục mở cửa biên giới chào đón những công dân láng giềng cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, quy mô quá lớn của người tị nạn đang khiến các cơ sở tiếp nhận và chuyển người tị nạn trở nên quá tải và phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cung cấp khẩu phần ăn, các dịch vụ y tế và giáo dục cũng như nước sạch.
OIOS cho rằng, những yếu kém trong kiểm soát rủi ro và kiểm soát nội bộ các hoạt động của UNHCR tại Uganda đã dẫn đến những thiếu sót và lỗ hổng, ảnh hưởng xấu tới khả năng đáp ứng các mục tiêu của UN, trong đó có mục tiêu cứu trợ khẩn cấp. Trong Báo cáo, OIOS khuyến nghị, Văn phòng UNHCR tại Uganda cần đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các quy trình lựa chọn đối tác, nhà thầu và xây dựng; thực hiện chiến lược tăng cường năng lực đối với các đối tác tại Uganda; lập kế hoạch và phối hợp các hoạt động quản lý dự án một cách hợp lý để đảm bảo các kế hoạch quản trị rủi ro được thực hiện đầy đủ. 

Trước những chỉ trích của OIOS, phát ngôn viên của UNHCR, ông Babar Baloch cho biết: “Chúng tôi thừa nhận những sai phạm nghiêm trọng này và đã bắt đầu thực thi những biện pháp cần thiết để giải quyết các lỗ hổng trong hoạt động của cơ quan mình”.

(Theo The Standard và The East African)
(Báo Kiểm toán số 49/2018)

Xem thêm »