Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong hoạch định và điều hành chính sách tài khóa ở Việt Nam

08/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chính sách tài khóa (CSTK) đóng vai trò rất quan trọng trong điều hành vĩ mô nền kinh tế. Vì vậy, CSTK cần xây dựng và phát triển một cách linh hoạt và phù hợp nhất với nền kinh tế. Kiểm toán nhà nước (KTNN) với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận và tư vấn sẽ đánh giá và phát hiện những khiếm khuyết, kẽ hở của chính sách, từ đó có vai trò quan trong góp phần nâng cao tính hiệu quả khi hoạch định, hoàn thiện và điều hành CSTK trong thực tiễn.

Chính sách tài khóa trong điều hành kinh tế vĩ mô

CSTK là bộ phận cấu thành hữu cơ và quan trọng của chính sách tài chính nhà nước, là mục tiêu, công cụ và giải pháp quản lý, tập trung các khoản thu ngân sách, phân bổ và sử dụng chi tiêu của Chính phủ để thực hiện chức năng của nhà nước, tác động đến cả nền kinh tế. CSTK luôn song hành với chính sách tiền tệ, đó là quá trình mà cơ quan tiền tệ của một quốc gia tổ chức và kiểm soát việc cung ứng tiền, nhắm đạt được một tập hợp các mục tiêu hướng tới sự tăng trưởng, sự ổn định của nền kinh tế.

Trong kinh tế vĩ mô, CSTK có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước hết, với nền kinh tế thị trường, CSTK là công cụ để chính phủ sử dụng điều tiết nền kinh tế, thông qua chính sách thu, chi, mua sắm và thuế. Với điều kiện bình thường, CSTK được sử dụng để tác động vào tăng trưởng, ổn định kinh tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái (tăng trưởng nóng, phát triển quá mức mục tiêu), trong trạng thái thiểu phát hay lạm phát, CSTK lại trở thành công cụ được sử dụng để giúp đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng.

Hai là, CSTK là một công cụ nhằm khắc phục thất bại của thị trường, tập trung và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế thông qua thực thi chính sách chi tiêu của chính phủ và thu chi ngân sách hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, cũng phải thấy, CSTK có những hạn chế nhất định trong nền kinh tế vĩ mô: CSTK thường được ban hành và áp dụng trễ hơn so với diễn biến của thị trường tài chính. Sau khi chính sách được ban hành rất cần một khoảng thời gian không nhỏ để triển khai, phổ biến, hướng dẫn người thụ hưởng, các đối tượng chịu tác động của chính sách. Việc áp dụng CSTK vào thực tế gặp không ít khó khăn và hạn chế do quy mô, phạm vi chịu ảnh hưởng, chịu tác động của CSTK. Do đó rất dễ dẫn đến tình trạng mà những kết quả của chính sách sai lệch so với mong muốn, kỳ vọng, hay mục đích sứ mệnh ban đầu của CSTK được ban hành.

Trên thực tế, tăng chi tiêu hay giảm chi ngân sách luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý. Việc tăng hay giảm chi tiêu ngân sách luôn là một nhiệm vụ khó khăn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích của nhà nước, của các tầng lớp dân cư, người thụ hưởng và những tầng lớp yếu thế, dễ chịu tổn thương trong xã hội.

Để phát huy vai trò CSTK, thu hẹp và khắc phục những hạn chế, tác động bất lợi của CSTK, cần có chính sách và biện pháp khai thác hợp lý và tập trung kịp thời mọi nguồn thu ngân sách. Kết hợp hài hòa giữa nguồn thu trước mặt với duy trì, nuôi dưỡng và bồi dưỡng nguồn thu lâu dài, bền vững cho Ngân sách nhà nước.

Thứ hai, tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, xã hội hóa các hoạt động đầu tư, hoạt động kinh tế - xã hội. Trong nhiều dự án đầu tư, nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực và vốn nhà nước phải đóng vai trò là “vốn mồi”, tạo điều kiện để thu hút nhiều hơn sự đầu tư của xã hội, của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cần giải pháp về chính sách đẩy mạnh huy động, thu hút nguồn vốn trong dân cư, vốn của các trung gian tài chính, thị trường chứng khoán và từ các quỹ tài chính tập trung của nhà nước.

Thứ ba, thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tài khóa sẽ tạo điều kiện cho người dân, cho cộng đồng có thể giám sát, kiểm soát, qua đó hạn chế những thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn lực. Minh bạch tài chính sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của những cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách, tăng lòng tin của nhân dân về nhà nước, về việc sử dụng các nguồn tài chính nhà nước . Luật ngân sách nhà nước 2015 đã có nhiều quy định về tính minh bạch, công khai và kiểm soát CSTK. Tuy nhiên, để bảo đảm minh bạch tài chính cần hoàn thiện các quy định về lập, trình bày, công khai các báo cáo về thu, chi ngân sách nhà nước, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, có cơ chế bắt buộc và kiểm soát việc thực hiện hệ thống báo cáo tài khóa, báo cáo tài chính nhà nước theo các tiêu chí thống nhất áp dụng trong cả nước với mọi tổ chức quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ tư, xác định và vận hành CSTK hướng đến mục tiêu và nhiệm vụ  tăng trưởng kinh tế hợp lý và ổn định kinh tế vĩ mô. CSTK và phát triển kinh tế của một quốc gia có những mối quan hệ rất hữu cơ, rất chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Ở Việt Nam, thông thường, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, từng năm sẽ được nghiên cứu, hoạch định trước và Quốc hội quyết định. Trên cơ sở đó, CSTK sẽ được xác định để thực hiện và phù hợp với các mục tiêu chiến lược, trung hạn và dài hạn của nền kinh tế - xã hội. Vì vậy, vấn đề quan trọng trong quá trình hoạch định mục tiêu chiến lược phát triển là nhất thiết phải căn cứ vào nguồn lực thực tế của quốc gia để đề ra những mục tiêu phù hợp với khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. Đó là tiền đề quan trọng để xây dựng một CSTK phù hợp, khả thi và bám sát những yêu cầu phát triển đất nước; đồng thời, cân đối ngân sách bền vững và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
  
Thứ năm, tăng cường thực hiện chính sách an sinh xã hội.  Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là phải bảo đảm công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống của người dân giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn. Về thu ngân sách nhà nước, cần quan tâm xây dựng và thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh ở vùng, miền có điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Về chi ngân sách nhà nước, cần có hình thức cấp vốn hoặc có chính sach ưu đãi vốn cho các hộ nghèo để phát triển sản xuất, tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập và giúp họ tự thoát nghèo bền vững, tổ chức và thực hiện  hoạt động dạy nghề cho các lao động nghèo chưa được đào tạo, giúp họ có thể tự tạo việc làm hoặc tự tìm kiếm việc làm trên thị trường lao động.
  
Thứ sáu, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và CSTK. Để công tác dự báo có tính chính xác, kịp thời, Nhà nước cần có quy định chính thức về việc dự báo kinh tế là khâu bắt buộc trong quy trình xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong ban hành chính sách thu, chi ngân sách nhà nước. Khi xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô, bên cạnh những dự báo về mặt định tính, cần áp dụng các phương pháp định lượng để bảo đảm tính chính xác, tin cậy cao, góp phần nâng cao chất lượng dự báo. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu bảo đảm đầy đủ, chính xác và cập nhật để phục vụ cho công tác dự báo. Nghiền cứu đầu tư thích đáng cho hoạt động dự báo, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dự báo và có cơ chế hợp tác, thuê chuyên gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật trong phân tích dự báo.
 
PGS, TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong hoạch định, điều hành chính sách tài khóa

KTNN có vai trò quan trọng trong hoạch định, điều hành chính sách, kinh tế, chính sách tài chính nhà nước nói chung và CSTK nói riêng. Theo quy định của Hiến pháp, KTNN có trách nhiệm thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, trong đó có kiểm toán tình hình quản lý, sủ dụng ngân sách nhà nước. Với nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; trung thực, khách quan, công khai, minh bạch cùng với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính nhà nước, ngân sách nhà nước, KTNN giữ vai trò không thể thiếu trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát của nhà nước. Hoạt động KTNN góp phần minh bạch nền tài chính quốc gia, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật nói chung, pháp luật về tài chính nhà nước, ngân sách nhà nước với phương châm hành động xuyên suốt là: Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Kết quả hoạt động kiểm toán không chỉ thể hiện, ghi nhận bằng những số liệu kiến nghị xử lý tài chính mà còn thể hiện ở những phát hiện và kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật, siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, hoàn thiện chính sách tài chính và CSTK. Kết quả kiểm toán của KTNN còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, thất thoát tiền, tài sản nhà nước, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; giúp các đơn vị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của mình, đảm bảo quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước đúng pháp luật và có hiệu quả. KTNN cung cấp những thông tin xác thực về tình hình quản lý, điều hành ngân sách, tiền và tài sản nhà nước cho Quốc hội, đưa ra các kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ góp phần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Kết quả trực diện cho thấy, KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính, xử lý tài sản công. Quan trọng hơn, KTNN giúp các đơn vị được kiểm toán khắc phục những hạn chế trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản nhà nước. Đồng thời, từ kết quả kiểm toán, KTNN góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản công thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản, nhiều chế độ, chính sách không phù hợp, hoàn thiện hệ thống luật pháp và thể chế kinh tế của Việt nam.

Đối với CSTK, thông tin và tài liệu hồ sơ do KTNN cung cấp là một trong những căn cứ quan trọng để các các cơ quan dân cử, cơ quan nhà nước sử dụng để hoạch định CSTK, quyết định thu chi ngân sách nhà nước và chính sách thu chi ngân sách nhà nước. Các cơ quan dân cử sử dụng kết quả của KTNN trong thực hiện các hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn và giải quyét các kiến nghị, khiếu kiện của cử tri về quản lý, sự dụng ngân sách nhà nước. Có thể thấy, vai trò quan trọng của KTNN trong hoạch định và vận hành CSTK thể hiện như sau:

Một là, KTNN phục vụ quốc hội, cung cấp thông tin cho cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND) thực hiện chức năng của cơ quan lập pháp đối với  hoạt động quản lý, sử dụng tài chính nhà nước, ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước và tài sản quốc gia. Kết quả kiểm toán được công khai và cung cấp đầy đủ định kỳ cho đại biểu Quốc hội, cho nhân dân, cử tri, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát với tư cách là chủ nhân của đất nước. Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị với Quốc hội, với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống Luật pháp và cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tài chính, CSTK cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ, góp phần hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp và hệ thống chính sách của nhà nước.

Hai là, KTNN góp phần đảm bảo minh bạch các quan hệ kinh tế, các quan hệ  tài chính, minh bach các khỏa thu chi ngân sách,  nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước và tài sản quốc gia. KTNN xác nhận độ tin cậy của thông tin trên báo cáo tài chính, làm căn cứ để Nhà nước đưa ra các biện pháp, các quyết sách quản lý phù hợp và giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin đưa ra các quyết định trong mối quan hệ với đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, kết quả kiểm toán giúp cho các đơn vị được kiểm toán thấy rõ những tồn tại, sai sót, hạn chế để có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng thông tin kinh tế, tài chính, chất lượng công tác quản lý kinh tế tài chính tại đơn vị, tuân thủ luật pháp và thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn, kinh phí, tài sản của Nhà nước. Kết quả KTNN góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng các nguồn lực một cách toàn diện cả về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả.

Trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, để thu hút hiệu quả và tối đa các nguồn lực, công nghệ nước ngoài, các quốc gia phải đảm bảo công khai kết quả sử dụng các nguồn vốn viện trợ, tài trợ hoặc cho vay… Hoạt động kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán của KTNN đã trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng trong việc tạo dựng, củng cố niềm tin của các Quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư nước ngoài… trong các quan hệ đầu tư, thương mại với  Việt Nam.

Ba là, KTNN góp phần đấu tranh phòng, chống vi phạm luật pháp về CSTK, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, tập trung nguồn thu và sử dụng ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước. KTNN có chức năng kiểm soát quyền lực trong các quyết định về tài chính, ngân sách nhà nước và quản lý, khai thác, phân bổ và sử dụng tài sản công. Kết quả kiểm toán có sự kiểm tra đánh giá về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong các quyết định CSTK, quyết định ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng thẩm quyền, hạn chế sự lạm quyền, làm không đúng chức năng.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước coi tham nhũng là một “quốc nạn” và công cuộc chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những công cụ có hiệu lực góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trước hết là tham nhũng và lãng phí ngân sách nhà nước, các nguồn lực nhà nước. Vai trò của cơ quan KTNN trong đấu tranh chống vi phạm luật pháp, chống sử dụng sai quyền lực, phòng, chống tham nhũng về ngân sách nhà nước, ngân quỹ quốc gia.

Hoạt động KTNN là công cụ quan trọng để phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước và ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng có dấu hiệu phạm tội, KTNN kiến nghị và chuyển giao hồ sơ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý.

Nâng cao chất lượng và tăng cường tính minh bạch, độ tin cậy của thông tin kiểm toán

Để đảm bảo và nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN trong hoạch định và điều hành CSTK, cần quan tâm những vấn đề sau:
Trước hết, cần có sự thống nhất nhận thức về Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, đó là Nhà nước do dân, vì dân, vì một mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và hiện đại. Trong hệ thống tổ chức của nhà nước Việt Nam, sự phân công về nhiệm vụ và quyền hạn giữa cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp cũng là nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm trước các quyết định vì một nền kinh tế - xã hội ổn định, vững mạnh, an toàn và hoạt động có hiệu quả. Cần có sự hợp tác, phối hơp thực sự giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản l‎ý hành chính nhà nước với các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, phải đảm bảo tính độc lập, tính khách quan của từng cơ quan trong quá trình thảo luận và đưa ra các quyết định cũng như thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội. Tính độc lập, khách quan của kiểm toán nhà nước phải được đề cao và tôn trọng tuyệt đối.
     
Thứ hai, thống nhất về nhận thức và quan điểm về hoạt động và kết quả hoạt động KTNN, đảm bảo tôn trọng địa vị pháp lý của KTNN trong hệ thống nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Kết quả và ý kiến của KTNN là căn cứ quan trọng để Quốc hội thực hiên quyền quyết định và quyền giám sát về ngân sách nhà nước, về trách nhiệm và quyền của các cơ quan đơn vị trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước. Giá trị các ý kiến của KTNN cần đánh giá đúng và đáp ứng kỳ vọng, sự mong mỏi của nhân dân, của xã hội trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.
  
Thứ ba, mục đích và đối tượng phục vụ của KTNN trước hết là Quốc hội, cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Việt nam. KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước, không thuần túy là cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá, xác nhận tình trạng tài chính nhà nước, mà là cơ quan, là định chế độc lập trong hệ thống quyền lực của nhà nước, với chức năng trực tiếp và hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, HĐND kiểm tra, kiểm soát việc thực thi quyền lực về ngân sách nhà nước.  

Thứ tư, triển khai và đẩy mạnh kiểm toán hoạt động. Kết quả của kiểm toán tính kinh tế và tính hiệu quả sẽ đánh giá và xác định tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của CSTK, việc bảo đảm, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước trong nền kinh tế, của ngành, địa phương và đơn vị, mức độ và nguyên nhân sử dụng không hiệu quả, không kinh tế. Kết quả của kiểm toán hoạt động cho phép lượng hoá và đánh giá có bằng chứng kết quả đã đạt được với thực tế phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Thứ năm, đề cao và đảm bảo tính độc lập trong hoạt  ộng của KTNN. Tính độc lập là vấn đề cốt lõi và xương sống của hoạt động kiểm toán, được hiểu theo cả hai khía cạnh: kiểm toán phải hoàn toàn độc lập, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ và phải được đảm bảo sự độc lập bằng các quy định, các chế tài để tránh mọi sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Hoạt động kiểm toán và kết quả của kiểm toán làm yên lòng những người sử dụng thông tin kế toán, sử dụng kết luận của kiểm toán. Đó là những kết luận có bằng chứng. Các Ủy ban của Quốc hội cần thực hiện việc đánh giá và chọn lọc các kết luận của kiểm toán để sử dụng trong thảo luận, quyết định và giám sát các hoạt động kinh tế xã hội.

Để KTNN thực sự là cơ quan kiểm tra tài chính cấp cao, là công cụ hữu hiệu phục vụ Quốc hội trong thực hiên chức năng của cơ quan dân cử, trong đó có chức năng giám sát tối cao điều cơ bản là phải đảm bảo tính độc lập trong hoạt động kiểm toán nhà nước, độc lập trong xác định đối tượng, nội dung kiểm toán, độc lập trong kiểm tra đánh giá và đưa ra ý kiến. Hoạt động của KTNN đã được hiến định, phù hợp với tuyên bố LIMA của Cơ quan kiểm toán tối cao quốc tê (INTOSAI): "Cơ quan kiểm toán tối cao chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách khách quan và hiệu quả khi nó độc lập với đơn vị được kiểm toán và được đảm bảo chống lại các ảnh hưởng từ bên ngoài". 

Thứ sáu, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán và chất lượng các báo cáo kiểm toán, tang cường tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin của KTNN. Để Quốc hội có căn cứ thảo luận, quyết định và giám sát về tình hình thực hiện CSTK, thông tin cung cấp cho Quốc hội phải minh bạch và có độ tin cậy cao. Kết quả kiểm toán và ý kiến của KTNN phải đạt độ tin cậy cao nhất có thể. Kết quả KTNN và ý kiến của KTNN cần được cung cấp cho các Đại biểu dân cử để, các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử có căn cứ hình thành ý kiến và đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan CSTK. Kết quả kiểm toán (trừ những thông tin bí mật theo quy định của nhà nước) và tình hình thực hiện kết luận của kiểm toán cần công khai đến từng đại biểu quốc hội và người dân. Muốn vậy, KTNN phải tiến hành xem xét, đánh giá về hoạt động NSNN một cách khách quan, chỉ tôn trọng luật pháp và phản ảnh đúng sự thật.         

Thứ bảy, Quốc hội, HĐND cần sử dụng có hiệu quả, ở mức tối ưu nhất các kết quả kiểm toán trong thực hiện chức năng và trong hoạt động về CSTK, về ngân sách nhà nước. Kết quả kiểm toán không chỉ mang tính tính chất chuyên môn sâu, chỉ ra cái được, cái chưa được trong hoạt động quản lý NSNN và bằng chứng cứ pháp lý, khách quan, bằng nghiệp vụ chuyên môn xác nhận sự đúng đắn, hợp lý của CSTK, của sử dụng NSNN để Quốc hội, HĐND thảo luận, quyết định về NSNN và thực hiện hoạt động giám sát về NSNN.

Quốc hội, HĐND chỉ có thể thực hiện tốt chức năng, chỉ có thể đảm bảo được thực quyền trong các quyết định kinh tế và giám sát khi và chỉ khi Quốc hội, HĐND được sự trợ giúp đắc lực của KTNN trong việc  thẩm tra, đánh giá kết quả các thông tin về NSNN trình ra Quốc hội. Quốc hội, HĐND cần thành lập cơ quan chuyên môn để tiếp nhận, phân tích, đánh giá và chọn lọc kết quả kiểm toán.Cần phân tích và chọn lựa những thông tin thiết thực, trọng yếu vừa mang tính tổng quát vừa mang tính chiến lược, phù hợp những vấn đề chisnhy sách tài khóa, ngân sách nhà nước

Tóm lại, KTNN sẽ thực hiện thành công chiến lược phát triển KTNN trở thành công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, nâng cao vai trò của KTNN trong điều hành CSTK, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng hoạch định và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

PGS, TS. Đặng Văn Thanh

Tài liệu tham khảo

1- Quốc hội, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013

2- Quốc hội, Luật Kiểm toán nhà nước 2015, 2019

3- Quốc hội, Luật Ngân sách nhà nước 2015

4- Chính phủ, Chỉ thị về điều hành tài khóa 2024

5- Kiểm toán nhà nước, Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đế năm 2030

6- PGS,TS. ĐặngVăn Thanh, Đổi mới Chính sách tài khóa, Tạp chí kế toán  và kiểm toán số 1+2/2024

7- ThS. Nguyễn Minh Tân, Chính sách tài khóa - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí kế toán và kiểm toán số 4/2024
 
 
 
 

Xem thêm »