Cơ quan Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ: Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán môi trường

16/09/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Là một trong những thành viên năng động của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), Cơ quan Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ (CAG) luôn hoạt động tích cực, nỗ lực hết mình vì sự phát triển chung của Tổ chức cũng như của mỗi thành viên. Đặc biệt, CAG luôn sẵn sàng chia sẻ về các thế mạnh của mình, điển hình là lĩnh vực kiểm toán môi trường (KTMT).

CAG có lịch sử lâu đời từ năm 1860. Tuy nhiên, từ năm 1948, khi Ấn Độ bước vào thời kỳ độc lập, CAG mới chính thức được thành lập theo Chương V Hiến pháp Ấn Độ và hoạt động theo cơ chế mới. Kể từ đó, CAG đã luôn chú trọng xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức và các quốc gia trong khu vực.

Hiện CAG đã ký các thỏa thuận hợp tác song phương với 17 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI), trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác với KTNN Việt Nam vào năm 2010, CAG đã có nhiều hoạt động hỗ trợ KTNN Việt Nam. Hai bên cũng luôn phối hợp tích cực và hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ hoạt động của INTOSAI và ASOSAI, đồng thời triển khai các hoạt động trao đổi đoàn, tổ chức hội thảo, trao đổi tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực cùng quan tâm và những lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh.

CAG đã đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký ASOSAI nhiệm kỳ 2000-2009, Chủ tịch ASOSAI các nhiệm kỳ: 1979-1982, 1994-1997 và 2012-2015, thành viên Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018 và là Tổng Biên tập của Tạp chí ASOSAI. Cùng với đó, CAG còn tham gia tích cực vào Nhóm công tác về Kiểm toán công nghệ thông tin với tư cách Trưởng nhóm và Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). 

Với nguồn nhân lực dồi dào, CAG có khả năng, chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực kiểm toán như: kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin và đặc biệt là KTMT.

Ấn Độ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng dân số và tốc độ phát triển kinh tế nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, đe dọa cộng đồng và nhân loại. Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành một số luật trong đó bao gồm các quy định xử phạt đối với các hành vi phá hoại, gây ô nhiễm môi trường của các DN trên toàn quốc. Từ năm 1992-1993, Chính phủ đã ban hành quy định yêu cầu tất cả các DN phải nộp Báo cáo KTMT thường niên. Đồng thời, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập một số cơ quan giám sát vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong số ít quốc gia ở các nước đang phát triển đưa ra các quy định toàn diện về môi trường nhằm thắt chặt quản lý các ngành công nghiệp có tác động tới môi trường, giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực. Đặc biệt, Chính phủ Ấn Độ đã ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực KTMT.

CAG thực hiện KTMT bắt buộc, chính thức vào tháng 3/1992 nhằm mục tiêu giảm mức sử dụng các nguồn tài nguyên và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ, nguyên liệu sạch. Trong hơn 2 thập kỷ qua, Cơ quan này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về KTMT, đặc biệt là đã thành lập Trung tâm chuyên về KTMT và phát triển bền vững, cung cấp nhiều khóa đào tạo cho kiểm toán viên trong và ngoài nước. Đây là Trung tâm đào tạo quốc tế cho kiểm toán viên thuộc Nhóm công tác về KTMT của INTOSAI.

10 năm qua, CAG đã thực hiện 90 cuộc KTMT. Tại Ấn Độ, KTMT là một công cụ quản lý hiệu quả giúp các DN tự đánh giá, xem xét hoạt động của mình, khắc phục những sai sót, giảm thiểu rủi ro, góp phần cải tiến các quy trình của công ty và đưa ra những sáng kiến trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn nhằm cải thiện môi trường. Có thể nói, KTMT được đánh giá là một “vũ khí chiến lược” có thể giúp các công ty phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Các cuộc KTMT của CAG thường tập trung vào các chủ đề rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, năng lượng tái tạo, bảo vệ nguồn nước. Những kinh nghiệm mà Cơ quan này tích lũy được trong suốt hơn 2 thập kỷ qua là điều rất đáng để KTNN Việt Nam học hỏi, đặc biệt khi KTNN Việt Nam sắp tổ chức Đại hội ASOSAI 14 với chủ đề “KTMT vì sự phát triển bền vững”.

Báo Kiểm toán số 37 + 38                     
 

Xem thêm »