Bộ Y tế Kenya bị cáo buộc để thất thoát hơn trăm triệu USD

16/03/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Mới đây, Cơ quan Kiểm toán quốc gia Kenya đã công bố thông tin liên quan đến việc Bộ Y tế Kenya đang bị thất thoát 11 tỷ Shilling (tương đương 109 triệu USD). Thông tin này làm gia tăng mối quan ngại của nhiều nhà tài trợ quốc tế, bởi trước đó, họ đã chi hàng trăm triệu USD cho các chương trình phát triển của Chính phủ Kenya.

Vấn nạn tham nhũng của nền kinh tế giàu nhất khu vực Đông Phi này hiện là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Kenya đứng thứ 143 trong tổng số 180 quốc gia về Chỉ số Nhận thức tham nhũng năm 2017 theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và nằm trong số những nước có tình trạng tham nhũng ở mức báo động. Vấn nạn tham nhũng này được đề cập trong bản Báo cáo mới nhất của Tổng Kiểm toán Edward Ouko cho giai đoạn tài chính 2015-2016 trên trang web của Cơ quan Kiểm toán quốc gia Kenya.
 
Bên cạnh đó, bản Báo cáo đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong các cơ quan của Chính phủ. Điển hình là việc một số cơ quan đã không thể cung cấp đủ tài liệu hỗ trợ để chứng minh cho các khoản chi tiêu của mình với tổng giá trị lên tới 40 tỷ Shilling. Đặc biệt, Bộ Y tế đã làm thất thoát hàng trăm triệu USD.
 
Phản hồi lại cáo buộc trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Kenya Sicily Kariuki cho biết, vấn đề mà Cơ quan Kiểm toán quốc gia nêu liên quan đến các tài khoản kế toán và bộ phận tài chính sẽ chịu trách nhiệm phúc đáp. Bà Sicily Kariuki lên tiếng rằng, Bộ không thể làm thất thoát số tiền lớn như vậy. Vấn đề này nằm ở khâu xử lý giấy tờ, tài liệu trong giai đoạn tài chính 2012-2013. Theo bà Sicily Kariuki, khoản tiền bị thất thoát đã được giữ lại tại một số phòng ban được sáp nhập vào năm 2013 mà không chuyển sang các tài khoản của bộ phận mới. Bộ trưởng Bộ Y tế cam kết sẽ có biện pháp thích hợp để tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, cải thiện tình hình tài chính và khôi phục lại những khoản thất thoát nếu có.
 
Phát hiện của Cơ quan Kiểm toán Kenya được nhận định là hoàn toàn có cơ sở. Bởi trên thực tế, hồi tháng 5/2017, Chính phủ Hoa Kỳ đã dừng khoản viện trợ trực tiếp khoảng 21 triệu USD cho Bộ Y tế Kenya. Quyết định được đưa ra sau khi có các báo cáo về tham nhũng và sự yếu kém trong công tác kế toán của Bộ Y tế Kenya. Cuối năm ngoái, cơ quan an ninh Kenya cũng đã tiến hành một cuộc điều tra tại Bộ Y tế xoay quanh cáo buộc việc sử dụng sai hơn 50 triệu USD ngân quỹ.
 
Theo một cuộc khảo sát điều tra của Chính phủ Kenya, tham nhũng đã thâm nhập sâu vào các lĩnh vực then chốt của Chính phủ. Đây là "căn bệnh ung thư" trầm kha nhất, đang lan tràn với tốc độ chóng mặt và phá hủy nền kinh tế, đời sống xã hội của Kenya. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta luôn thể hiện quyết tâm chống tham nhũng. Tổng thống đã tổ chức một hội nghị đặc biệt bàn về tham nhũng hồi năm ngoái. Tại đây, ông đã thể hiện sự quan ngại sâu sắc của mình trước vấn nạn tham nhũng của quốc gia này và cho rằng, tình trạng tham nhũng đã vượt qua tất cả những gì mà mọi người từng chứng kiến trong lịch sử Kenya suốt 20 năm qua.
 
Trước đó, Chính phủ Kenya đã từng phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, hối lộ trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có Dự án Đường sắt Nairobi - Mombasa dài khoảng 500km, được ký kết giữa Chính phủ Kenya và các nhà thầu Trung Quốc. Nghi ngờ có hành vi tham nhũng, hối lộ trong Dự án này, Quốc hội Kenya đã nỗ lực yêu cầu Chính phủ phải hủy bỏ siêu dự án với tổng giá trị lên tới gần 13,6 tỷ USD. Dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Daniel arap Moi trong giai đoạn 1978-2002, Kenya cũng đã để xảy ra một vụ bê bối tham nhũng, biển thủ có giá trị thất thoát lớn liên quan đến những gian lận trong xuất khẩu vàng và hậu quả của vụ bê bối này là ngân sách Kenya bị thất thoát, biển thủ khoảng 988 triệu USD. Tổng Kiểm toán Edward Ouko cũng đã từng nêu rõ trong một báo cáo chính thức rằng, chỉ có 1% chi tiêu của Chính phủ Kenya là đúng nguyên tắc tài chính.
 
(Theo  All Africa và Reuters)
(Báo Kiểm toán số 11/2018)

Xem thêm »