Hồng Kông: Ủy ban Kiểm toán cảnh báo hàng loạt vấn đề bất cập

11/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, Giám đốc Ủy ban Kiểm toán Hồng Kông đã phát hành một loạt Báo cáo kiểm toán đề cập đến nhiều vấn đề đang nổi cộm, trong đó nhấn mạnh tình trạng hàng trăm trường học đã bị bỏ hoang tới 11 năm nay nhưng không hề được trả lại cho Nhà nước; tình trạng lương thực, thực phẩm bị lãng phí nghiêm trọng đặt gánh nặng lên công tác xử lý rác thải; cũng như một loạt sai phạm tại Bưu điện trung tâm Hồng Kông...

Giám đốc Ủy ban Kiểm toán tiết lộ rằng, tại Hồng Kông có tới 234 trường học đang bị bỏ trống, 45 trong số đó thậm chí chưa từng được sử dụng. Tính trung bình, các trường này đã bị bỏ hoang tới 11 năm và có đến 1/3 các trường học không còn hoạt động đó đã không được thu hồi để tái quy hoạch. Trong khi Nhà nước đã có quy định rõ ràng rằng, những trường học đã ngừng hoạt động và nằm trên đất công phải được trả lại ngay để phân bổ quỹ đất công cho các mục đích khác, thậm chí, Nhà nước có quyền thu hồi ngay cả khi các trường học đó nằm trên đất của tư nhân. Công tác thu hồi đất và tài sản công tại đây đang gặp phải nhiều khó khăn bởi chính quyền cơ sở luôn tìm cách từ chối và trì hoãn nghĩa vụ trả lại đất, dù các trường đã không còn được sử dụng từ nhiều năm qua.

Báo cáo kiểm toán chỉ ra rằng, 79 trường học hiện đang bị bỏ trống đã tiêu tốn 500 triệu đôla Hồng Kông (HKD), tương đương 64,5 triệu USD, vào mục đích nâng cấp, cải tạo, một số trường đã nhận được trung bình 19 triệu HKD (2,5 triệu USD) cho mỗi công trình nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, tuy nhiên sau đó đã bỏ trống cơ sở của họ gần 5 năm bởi số lượng học sinh giảm đáng kể. Ngoài ra, 14 trường học thậm chí không đăng ký trong hệ thống quản lý của Bộ Giáo dục. Ông Ip Kin-yuen - thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông chỉ trích đó là một sự lãng phí đất và tài sản công nghiêm trọng và cho rằng khả năng quy hoạch của Bộ Giáo dục vô cùng yếu kém. Ông kêu gọi chính quyền Hồng Kông cần khẩn trương đưa ra các chính sách đối phó với tình trạng đáng lo ngại này.

Giám đốc Ủy ban Kiểm toán cũng công bố một báo cáo khác nhấn mạnh mức độ đáng báo động về tình trạng thực phẩm bị lãng phí tràn lan, không những thế, công tác xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hoạt động của Bưu điện trung tâm Hồng Kông cũng là một trong những vấn đề nhức nhối nhất mà Báo cáo kiểm toán đề cập tới. Trong 20 năm hoạt động, Bưu điện trung tâm đã báo lỗ tới 8 năm, các phòng ban không chấp hành nghiêm chỉnh quy trình quản lý gửi nhận thư, bưu kiện, nhân viên thường xuyên báo cáo tăng khống giờ làm thêm để trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng đến doanh thu của bưu điện.

Các kiểm toán viên cho biết một loạt thư tại bưu điện đã bị tồn đọng từ rất lâu, 86 thư từ, bưu phẩm tại đây đã bị xử lý sai quy cách. Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, tổng số giờ làm thêm của nhân viên tăng lên tới 1,36 triệu giờ, Bưu điện đã phải trả 180 triệu HKD (23,3 triệu USD) cho số giờ làm thêm trên. Trung tâm quản lý thư gửi qua đường hàng không và nhiều cơ quan khác cũng rơi vào tình trạng tương tự khi phải chi những khoản tiền lớn để thanh toán số giờ làm thêm tăng quá cao cho nhân viên.

Trước những bất cập trên, lần đầu tiên đại diện các cơ quan của chính quyền và các phòng ban của Hồng Kông bị chỉ trích trong Báo cáo kiểm toán sẽ bị Ủy ban Tài chính công của Hội đồng Lập pháp (LCPAC) thẩm vấn, thay vì họ được quyền trả lời các nhà lập pháp thông qua hình thức gửi văn bản. LCPAC cho biết sẽ tổ chức các buổi điều trần về những vấn đề nóng của Hồng Kông được nêu trong các Báo cáo kiểm toán. Các quan chức liên quan đều phải được triệu tập và có mặt trong buổi điều trần chung. Chính quyền Hồng Kông cũng bày tỏ quyết tâm sau khi điều tra kỹ lưỡng sẽ nghiêm khắc xử lý các cá nhân, ban, ngành có liên quan đến những hành vi lãng phí tài sản công nghiêm trọng như trên.

(Theo Hongkongfp)

(Báo Kiểm toán số 50)

Xem thêm »