Kinh nghiệm quốc tế trong quy định về xử lý hành vi vi phạm Luật Kiểm toán nhà nước và khả năng vận dụng ở Việt Nam

23/05/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

ThS. Đặng Văn Hải
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Ở hầu hết các nước tồn tại cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN), dù là ở các nước đã thành lập cơ quan KTNN từ rất lâu hay ở các nước mới thành lập như các nước Đông Âu, Liên bang Nga, Trung Quốc, Vương quốc Cămpuchia... ngoài những quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức và hoạt động của KTNN, Luật KTNN đều có những quy định về xử lý hành vi vi phạm Luật KTNN. Các quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm Luật KTNN của các nước có thể khác nhau về mức độ, nội dung cụ thể, chẳng hạn:

Luật KTNN Trung Quốc, có 1 chương riêng (Chương VI) quy định về trách nhiệm pháp lý với 9 điều (từ Điều 41 đến Điều 49) cụ thể như sau:
 - Nếu đơn vị được kiểm toán chậm trễ hoặc từ chối việc cung cấp các thông tin có liên quan cho đoàn kiểm toán, cản trở hoặc từ chối việc kiểm tra hoặc vi phạm luật này, cơ quan kiểm toán sẽ buộc đơn vị được kiểm toán sửa chữa vi phạm, thậm chí có thể cảnh cáo hoặc phê bình đối với đơn vị được kiểm toán.
Bất kỳ cá nhân nào từ chối chấp hành đều bị điều tra về trách nhiệm theo Luật định (Điều 41).
- Khi cơ quan kiểm toán phát hiện đơn vị được kiểm toán có hành vi thuyên chuyển, cất giấu, huỷ bỏ hoặc làm mất khả năng phục hồi các chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và các tài liệu khác có liên quan đến chế độ thu chi tài chính tại đơn vị, cơ quan kiểm toán có quyền đề nghị đình chỉ những hành vi đó.
Nếu đơn vị được kiểm toán có nhiều hành vi vi phạm nêu trên và nếu cơ quan kiểm toán nhận thấy rằng cá nhân có trách nhiệm trong đơn vị hoặc những cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp sẽ bị xử lý theo Pháp luật. Cơ quan cấp trên hoặc cơ quan giám sát đơn vị sẽ ra quyết định việc xử lý đó theo quy định của luật pháp mà không có sự trì hoãn nào. Nếu những hành vi vi phạm cấu thành tội phạm, cơ quan toà án sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật (Điều 42).
- Nếu đơn vị được kiểm toán vi phạm Luật này bằng việc cất giấu, thuyên chuyển hoặc tiêu huỷ tài sản một cách bất hợp pháp, cơ quan kiểm toán, chính quyền nhân dân các cấp hoặc các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình có quyền đề nghị đình chỉ các hành vi nêu trên hoặc đề nghị chuyển sự việc sang toà án để có các biện pháp ngăn ngừa.
Nếu đơn vị được kiểm toán có những hành vi vi phạm nêu trên và nếu cơ quan kiểm toán nhận thấy rằng, cá nhân có trách nhiệm trong đơn vị hoặc những cá nhân trực tiếp chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm thủ tục kiểm toán của đơn vị, cơ quan kiểm toán sẽ đề nghị truy tố họ trước pháp luật. Cơ quan cấp trên hoặc cơ quan giám sát đơn vị này sẽ ra quyết định truy tố mà không có sự trì hoãn nào theo quy định của luật pháp. Trường hợp những cá nhân này có tội, cơ quan toà án sẽ điều tra và quy rõ trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật (Điều 43).
- Cơ quan kiểm toán, chính quyền nhân dân các cấp hoặc các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, trong phạm vi các quy định và nguyên tắc về quản lý nhà nước sẽ xử lý các hành vi vi phạm chế độ chi tiêu ngân sách của các cơ quan, đơn vị (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc) tại chính quyền nhân dân các cấp vi phạm quy định của pháp luật về chi tiêu ngân sách (Điều 44).
- Nếu đơn vị được kiểm toán vi phạm bất kỳ quy định nào của Nhà nước về chế độ chi tiêu ngân sách, cơ quan kiểm toán, chính quyền nhân dân các cấp hoặc các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình có quyền buộc đơn vị được kiểm toán, trong thời hạn ngắn phải thu hồi lại phần thu nhập đã phân phối bất hợp pháp, việc chiếm giữ bất hợp pháp những tài sản của Nhà nước, những khoản thu nhập bất hợp pháp và tìm giải pháp chấn chỉnh kịp thời, đồng thời có thể xử phạt đối với đơn vị được kiểm toán theo quy định của luật pháp (Điều 45).
- Đối với những cá nhân có trách nhiệm trong đơn vị hoặc những cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về chế độ thu chi ngân sách của đơn vị, nếu cơ quan kiểm toán xét thấy hành vi của họ nên bị xử lý theo Luật định, cơ quan kiểm toán sẽ đưa ra đề nghị để thực hiện việc xử lý đó. Đơn vị được kiểm toán, cơ quan cấp trên hoặc cơ quan giám sát đơn vị này sẽ ra quyết định truy tố mà không có sự trì hoãn nào (Điều 46).
- Nếu đơn vị được kiểm toán vi phạm các nguyên tắc quản lý, các quy định về chế độ thu chi tài chính hoặc quy định của các luật có liên quan khác và nếu hành vi của họ cấu thành tội phạm thì đơn vị sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật và khởi tố trước pháp luật (Điều 47).
- Bất kỳ một cá nhân nào có hành vi chống đối hoặc gây khó khăn cho các kiểm toán viên trong khi họ đang làm nhiệm vụ, nếu hành vi đó cấu thành tội phạm, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi phạm tội của họ không cấu thành tội phạm, họ sẽ bị xử phạt hành chính (Điều 48).
- Nếu một KTV lợi dụng chức năng, quyền hạn của mình thu vén cá nhân hoặc sao lãng trong công tác, nếu hành vi của họ cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy tố và khởi tố trước pháp luật; nếu không cấu thành tội phạm thì bị xử phạt hành chính (Điều 49).

Luật KTNN Vương quốc Cămpuchia cũng có một chương riêng (Chương 10) gồm 2 điều (Điều 44, Điều 45) quy định về hình phạt. Nội dung của Chương này quy định hình thức xử phạt (phạt tiền hoặc phạt tù) với các mức phạt cụ thể đối với cá nhân có trách nhiệm thuộc các đơn vị được kiểm toán hoặc những cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán khi vi phạm các điều khoản của Luật KTNN quy định về: Trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN (Điều 31); Không tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán theo quy định (Điều 33); Cung cấp thông tin, tài liệu sai lệch cho KTNN (Điều 34). Cụ thể là:
 - Không kể các hình phạt khác có thể, người nào vi phạm Điều 31 (trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN) hoặc Điều 33 (không tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán theo quy định) của Luật này phải chịu khoản tiền phạt từ 1.000.000 (một triệu) Riel tới 5.000.000 (năm triệu) Riel hoặc bị phạt tù trong thời gian từ 1 (một) đến 3 (ba) tháng hoặc phải chịu cả phạt tiền và phạt tù (Điều 44).
 - Không kể các hình phạt khác có thể, người nào vi phạm Điều 34 (cung cấp thông tin, tài liệu sai lệch cho KTNN) của Luật này phải chịu khoản tiền phạt lên tới 5.000.000 (năm triệu) Riel hoặc hơn hoặc bị phạt tù trong thời gian từ 1 (một) đến 5 (năm) năm hoặc phải chịu cả phạt tiền và phạt tù (Điều 45).

Luật KTNN Hàn Quốc, có 1 điều quy định về xử phạt, cụ thể như sau:
- Điều 51. Xử phạt:
(1) Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây thì sẽ bị phạt tù tới 1 năm hoặc phạt tiền tới 5 triệu WON:
a. Người chịu sự kiểm toán theo Luật này mà khước từ kiểm toán, cung cấp thông tin hoặc trình hồ sơ;
b. Người ngăn cản kiểm toán theo Luật này;
c. Người không chịu trình bày hoặc trình bày hồ sơ theo quy định tại Điều 27 (mời đến trình bày hồ sơ, niêm phong...) khoản 2 và Điều 50 (sử dụng sự giúp đỡ của người khác trong khi kiểm toán) hoặc không có mặt để trình bày mà không có lý do chính đáng.
(2) Vi phạm quy định tại Điều 27, khoản 4 sẽ bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền tới 20 triệu WON.
(3) Các hình phạt tù và phạt tiền quy định tại khoản 2 trên đây có thể được áp dụng đồng thời cho một hành vi vi phạm.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 32, KTNN có thể yêu cầu Bộ trưởng chủ quản  hoặc đơn vị trực tiếp quản lý tiến hành biện pháp kỷ luật công chức có trách nhiệm đã khước từ kiểm toán hoặc trình hồ sơ theo tinh thần của Luật này mà không có lý do thoả đáng. 

 Luật Kiểm toán CHLB Đức, có 1 điều quy định về xử lý kỷ luật đối với các uỷ viên của KTNNLB, cụ thể là:
 - Điều 18. Thẩm quyền của toàn án công vụ liên bang
 + Toà án công vụ liên bang chuyên trách về xét xử kỷ luật có tính chất hình thức đối với các uỷ viên của KTNNLB và về việc xét xử công tác kiểm toán theo nghĩa Điều 66 - Đạo luật thẩm phán Đức - có liên quan đến uỷ viên của KTNNLB. Quyền đề nghị khởi tố theo Điều 63 Khoản 2 và Điều 66 Khoản 3 - Đạo luật thẩm phán Đức - của các cơ quan công vụ tối cao đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch thuộc về Chủ tịch Quốc hội liên bang hoặc Chủ tịch của Hội đồng liên bang.
 + Các bồi thẩm không thường trực của Toà án Công vụ phải là uỷ viên của KTNNLB. Chủ tịch của Toà án liên bang chọn những bồi thẩm này cho thời gian hoạt động 5 năm theo theo thứ tự trong danh sách đề nghị do Đại hội đồng lập.
 + Những quy định của Đạo luật thẩm phán Đức được áp dụng cho việc xét xử trước Toà án Công vụ.

Luật Kiểm toán CH Pháp, có 1 khoản quy định việc xử phạt hành vi cản trở các kiểm toán viên trong khi thực hiện các quyền hạn theo luật định như sau:
- Khoản 8 Điều 9: Người nào ngăn cản dưới bất kỳ hình thức nào các công chức có địa vị thẩm phán, các kiểm toán viên đặc biệt và các báo cáo viên kiểm toán trong khi họ thi hành các thẩm quyền mà pháp luật trao cho họ thì bị phạt tiền tới 100.000FF. Uỷ viên công tố tối cao tại KTNN có quyền khởi kiện tại phòng xử phạt của KTNN đối với những hành vi này.

Luật Kiểm toán CH Séc, có 1 khoản quy định việc xử phạt hành vi vi phạm của tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán; xử lý kỷ luật đối với các uỷ viên của KTNN, cụ thể là:
- Khoản 1 Điều 28: Một thể nhân có lỗi trong việc đã làm cho đơn vị được kiểm toán không thực hiện được các nghĩa vụ của mình được ghi tại Điều 24 của Luật này thì có thể bị Cục phạt tiền đến 50.000 cuaron.
- Điều 34: Chủ tịch Cục, Phó Chủ tịch Cục và các uỷ viên Cục chịu trách nhiệm kỷ luật đối với những vi phạm công vụ.
- Điều 44. Biện pháp kỷ luật:
 (1) Đối với một vi phạm công vụ thì có thể tuyên phạt một trong các biện pháp kỷ luật sau đây:
 a. Cảnh cáo,
 b. Hạ lương cao nhất là 15% đối với thời gian dài nhất là 3 tháng.
 (2) Đối với một vi phạm công vụ trầm trọng hoặc trường hợp tái phạm thì có thể tuyên phạt một trong các biện pháp kỷ luật sau đây:
 a. Hạ lương cao nhất là 15% đối với thời gian dài nhất là 6 tháng,
 b. Đề nghị bãi chức một uỷ viên Cục khỏi chức vụ của người đó,
 c. Đề nghị bãi chức Chủ tịch Cục hoặc Phó Chủ tịch của Chủ tịch Cục hoặc Phó Chủ tịch Cục.
(còn nữa)

Theo Tạp chí Kiểm toán số 5/2011
 

Xem thêm »