Tham gia thành viên, lợi ích và trách nhiệm khi trở thành thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

02/02/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hà Thị Ngọc Hà

Tính đến tháng 6/2010, trong số hơn 150 công ty kiểm toán của Việt Nam đang hoạt động đã có 27 công ty báo cáo với Bộ Tài chính và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã là thành viên của các Tổ chức kiểm toán quốc tế, một số công ty đang hoàn thiện thủ tục, một số công ty khác cũng đang tìm hiểu đối tác để tiếp tục trở thành thành viên của các Tổ chức kiểm toán quốc tế cho phù hợp với mô hình và cấp độ trong từng mô hình của các Tổ chức kiểm toán quốc tế. Điều này cho thấy, việc trở thành thành viên của các Tổ chức kiểm toán quốc tế đang là xu hướng được nhiều công ty kiểm toán Việt Nam lựa chọn.

Lợi ích lớn nhất khi trở thành thành viên của các Tổ chức kiểm toán quốc tế là được sử dụng thương hiệu quốc tế, được đầu tư trang bị kỹ thuật, chuyển giao chương trình kiểm toán, được đào tạo chuyên môn, được tư vấn và cung cấp thông tin quốc tế, được giới thiệu khách hàng, được kiểm soát chất lượng dịch vụ. Việc trở thành thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế là hướng đi phù hợp với tiến trình toàn cầu hóa nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển kỹ thuật kiểm toán trong nước theo hướng kết hợp hài hòa nguồn lực nội tại và sự hỗ trợ quốc tế.

Nhiều công ty sau khi trở thành thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế đã phát huy hiệu quả rất cao, điển hình là công ty VACO ngày nay đã mang tên Deloitte Việt Nam và đạt tiêu chuẩn Big 4 quốc tế, uy tín và danh tiếng các công ty kiểm toán trong nước là  thành viên của các Tổ chức kiểm toán quốc tế được nâng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp kiểm toán độc lập ở trong nước. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất khi trở thành thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế là (1) Vấn đề tài chính (phải mua bảo hiểm nghề nghiệp, phải nộp lệ phí thành viên với mức khá cao); (2) Chịu áp lực về chất lượng và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để được công nhận là thành viên Tổ chức kiểm toán quốc tế và trong suốt quá trình hoạt động; (3) Khả năng ngoại ngữ của Ban lãnh đạo doanh nghiệp và KTV còn yếu...

Tuy nhiên cũng không ít công ty kiểm toán, dù đã là thành viên từ hơn 10 năm nay nhưng cũng không phát huy được hiệu quả, trái lại còn tốn kém chi phí, thời gian và tổ chức, chất lượng dịch vụ vẫn còn yếu. Một số công ty kiểm toán đã và đang làm thành viên của các Tổ chức kiểm toán quốc tế nhưng chưa hiểu biết đầy đủ về mô hình hoạt động của các Tổ chức kiểm toán quốc tế và các cấp độ thành viên mà các quốc gia được lựa chọn cho phù hợp với điều kiện và khả năng gia nhập trong từng thời kỳ. Có công ty tự cho rằng công ty mình là thành viên đầy đủ (Member firm) của Tổ chức kiểm toán quốc tế hoạt động theo mô hình Công ty mạng lưới (Network firms) trong khi chỉ là thành viên liên kết hoặc thành viên đại diện liên lạc của Tổ chức kiểm toán quốc tế hoạt động theo mô hình Công ty mạng lưới (Network firms) hoặc mô hình Hiệp hội các công ty uy tín (Associations). Một số công ty kiểm toán chưa lựa chọn phù hợp khi gia nhập là thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế, hoặc trở thành thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế nhưng lợi ích không nhiều và ít hiệu quả. Có công ty đã lợi dụng danh nghĩa thành viên quốc tế tuyên truyền sai lệch làm xã hội và doanh nghiệp hiểu chưa đúng về chủ trương này.

I. Mô hình của các tổ chức kiểm toán quốc tế
Hiện nay có 3 mô hình chính mà các công ty kiểm toán đang áp dụng, thay thế cho Mô hình “một- tổ chức” truyền thống, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là Mô hình Công ty mạng lưới (Networks), Mô hình Hiệp hội (Associations), và Mô hình Liên kết (Alliances, Organisations).

1. Mô hình Công ty mạng lưới (Network firms)
Theo định nghĩa của Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế số 220- Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, công ty mạng lưới là một tổ chức lớn hướng tới việc chia sẻ lợi nhuận hoặc chi phí, hoặc cùng được sở hữu, kiểm soát hoặc quản lý chung, có chung các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng, chiến lược kinh doanh, sử dụng chung thương hiệu, hoặc cùng chung một phần đáng kể nguồn lực chuyên Môn. Big 4, bao gồm PWC, Deloitte, E&Y và KPMG là điển hình cho Mô hình công ty mạng lưới. Ngoài ra một số Tổ chức đã có thành viên ở Việt Nam như Grant Thornton, BDO International, RSM, Crowe Horwath, Nexia International, UHY International, PKF International … cũng hoạt động dưới Mô hình công ty mạng lưới.

Đặc điểm của Mô hình công ty mạng lưới là tên của các thành viên thường gắn với thương hiệu của Tổ chức kiểm toán quốc tế. Ví dụ như Deloitte Việt Nam, E&Y Việt Nam, Nexia ACPA... Các thành viên trong cùng mạng lưới đều được sử dụng logo và hình ảnh của hãng trong các hoạt động marketing của mình. Đồng thời, các thành viên cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Tổ chức kiểm toán quốc tế mà mình là một thành viên trong mạng lưới. Do tính gắn kết chặt chẽ của nó, Mô hình này cũng tạo ra rủi ro cho Tổ chức kiểm toán quốc tế khi có bất kỳ vụ xì căng đan hay vi phạm của các thành viên trong cùng mạng lưới. Tuy nhiên, so với Mô hình “một-tổ chức”, Mô hình Công ty mạng lưới giảm thiểu rủi ro sụp đổ toàn cầu do tính độc lập tương đối của các thành viên trong cùng mạng lưới.

2. Mô hình Hiệp hội các công ty uy tín (Associations)
 Mô hình Hiệp hội rất phổ biến trong các Tổ chức kiểm toán quốc tế. Các công ty kế toán, kiểm toán có uy tín tại các quốc gia khác nhau tập hợp nhau lại và hoạt động dưới một tên chung. Đại diện cho Mô hình này có BKR International mà ở Việt Nam Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam (VAE) tham gia là thành viên, Integra International mà ở Việt Nam Công ty TNHH Kiểm toán quốc gia Việt Nam tham gia là thành viên,  IAPA, MGI, IGAF Worldwide, … Dưới dạng một Hiệp hội, các thành viên chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ đạt theo chuẩn của Tổ chức kiểm toán quốc tế, phát triển và giữ uy tín của Hiệp hội. Các thành viên cũng có sự gắn kết chặt chẽ với nhau và được sự hỗ trợ đáng kể từ Hiệp hội quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chung thường nhiên, hội nghị toàn cầu hay hội nghị vùng, cũng như thông qua việc trao đổi nhân viên giữa các hãng. Thông thường các thành viên vẫn giữ nguyên tên cũ của mình và quảng bá hình ảnh với tư cách là thành viên của Hiệp hội. Ở Việt Nam nhiều công ty kiểm toán tham gia là thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế hoạt động theo Mô hình Hiệp hội.  

Lợi thế của Mô hình này là thành viên vẫn hoạt động độc lập và ít chịu sự ảnh hưởng từ rủi ro hay sự sụp đổ của các thành viên khác, cho dù uy tín ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Thành viên vẫn được sử dụng logo và hình ảnh của Tổ chức kiểm toán quốc tế là Hiệp hội khi quảng bá hình ảnh của mình với tư cách là thành viên chính thức, và cung cấp dịch vụ toàn cầu thông qua các thành viên khác của Hiệp hội.

3. Mô hình Liên kết (Alliances, Organisations)
Mô hình Liên kết ít thấy hơn trong các Tổ chức kiểm toán quốc tế. Vì thực chất Mô hình này là sự liên kết của rất nhiều loại hình các công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như kiểm toán, tư vấn kế toán, tư vấn luật, tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn kinh doanh,… Đại diện cho Mô hình này có thể kể đến Alliot Group mà Công ty TNHH Kiểm toán BHP tham gia là thành viên, hay Alliance of Intercontinental accountants mà Công ty Kiểm toán và kế toán Hà Nội tham gia là thành viên, Geneva Group International (GGI) có mô hình tương tự bao gồm liên kết giữa các công ty kiểm toán và các công ty luật. Hiện tại, GGI đang tiếp cận để có thể kết nạp thành viên là công ty luật và công ty kiểm toán tại Việt Nam thông qua sự giới thiệu của VACPA  Trong Mô hình này, mối liên hệ giữa các thành viên yếu hơn so với Mô hình công ty mạng lưới và Mô hình hiệp hội do các thành viên hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ kế toán và kiểm toán. Thành viên đầy đủ của Tổ chức hoạt động theo Mô hình liên kết cũng được phép sử dụng logo và hình ảnh của Tổ chức trong hoạt động quảng bá của mình. Thành viên không được mang tên của Tổ chức quốc tế.

II. Lợi ích và trách nhiệm theo từng cấp độ thành viên của tổ chức kiểm toán quốc tế
Mỗi tổ chức kiểm toán quốc tế hoạt động theo các Mô hình Công ty mạng lưới, Mô hình Hiệp hội, và Mô hình Liên kết đều có chính sách thành viên khác nhau. Thông thường có thể chia ra làm ba cấp độ: Thành viên đầy đủ (Member firm), Thành viên liên kết (Associate firm) và Thành viên đại diện liên lạc (Correspondent firm). Cấp độ thành viên của các Tổ chức kiểm toán quốc tế thường được lựa chọn dựa trên các tiêu chí như: Điều kiện tài chính, chiến lược quốc tế, vùng địa lý, uy tín của hãng đăng ký, khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng.

Lợi ích và trách nhiệm theo từng cấp độ thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế được phân theo 3 hình thức như sau:

1. Lợi ích và trách nhiệm của thành viên đầy đủ (Member firm)
Những Công ty kiểm toán được công nhận là Thành viên đầy đủ của Tổ chức kiểm toán quốc tế có tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vào Tổ chức kiểm toán quốc tế này. Thành viên đầy đủ được phép đại diện cho Tổ chức kiểm toán quốc tế tại vùng địa lý được công nhận. Ví dụ như Deloitte Việt Nam sẽ đại diện cho Deloitte International tại Việt Nam bởi vì Deloitte Việt Nam được công nhận là thành viên đầy đủ trong cùng Công ty mạng lưới của Deloitte International.

- Được sử dụng thương hiệu quốc tế
Lợi ích và trách nhiệm đầu tiên, quan trọng nhất là sử dụng thương hiệu (tên gọi, lôgô) của Tổ chức kiểm toán quốc tế. Việc này phải được thể hiện trên một văn bản thoả thuận rất chặt chẽ, gọi là “Hợp đồng/ cam kết sử dụng thương hiệu”. Tên gọi và lô gô, trong các năm trước có thể dùng tên ghép (Ví dụ: VACO-DELOITTE) nhưng gần đây chỉ dùng một tên quốc tế gắn với địa danh (Ví dụ: Deloitte Việt Nam, UHY Việt Nam...). Việc được quyền sử dụng thương hiệu quốc tế và được giới thiệu ra nước ngoài  sẽ nâng cao uy tín và danh tiếng trong nước và quốc tế, thể hiện chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế.

- Được đầu tư kỹ thuật
+ Được tư vấn trong việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý, điều hành; xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, các quy chế quản trị công ty, điều lệ công ty, quy chế nhân viên, quản trị khách hàng... và quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ.
+ Đầu tư quy trình kiểm toán theo chuẩn quốc tế (quy trình cung cấp dịch vụ tư vấn...) thể hiện ở phương pháp luận về kiểm toán, chương trình kiểm toán mẫu như Deloitte Việt Nam.... đã được đầu tư phần mềm kiểm toán.
+ Đầu tư chuyên gia quốc tế: Chuyên gia từ các văn phòng quốc tế sang Việt Nam hỗ trợ việc đào tạo lý thuyết và thực hành, trực tiếp cùng làm việc ở Việt Nam và được hỗ trợ kinh phí với thời hạn lộ trình khác nhau.

- Được đào tạo chuyên môn tư vấn và cung cấp thông tin quốc tế
Tổ chức kiểm toán quốc tế  thường hỗ trợ đào tạo thành viên đầy đủ ở Việt Nam theo nhiều hình thức khác nhau như: Cung cấp chương trình, tài liệu theo chuẩn quốc tế cho Việt Nam; cử chuyên gia sang Việt Nam đào tạo, cùng tham gia đấu thầu các dự án hoặc thực hiện dịch vụ; mời chuyên gia theo yêu cầu của Việt Nam; tham dự các khoá học, hội thảo chuyên môn do Văn phòng Tổ chức kiểm toán  quốc tế hoặc khu vực tổ chức (miễn 1 phần hoặc toàn bộ phí); thực hiện chương trình trao đổi nhân viên, bằng cách công ty Việt Nam cử người sang thành viên đầy đủ ở nước khác để cùng học tập, làm việc; được đăng cai tổ chức các hội nghị thường niên, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; cung cấp thông tin quốc tế như các tài liệu, bản tin, tạp chí chuyên ngành; trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin theo đề nghị của công ty thành viên Việt Nam.

- Được giới thiệu khách hàng
Tổ chức kiểm toán quốc tế có nhiều khách hàng đầu tư vào Việt Nam nên Tổ chức kiểm toán quốc tế có thể trực tiếp vào Việt Nam cung cấp dịch vụ với sự tham gia trực tiếp của thành viên và có chia phí hoặc giới thiệu cho công ty thành viên Việt Nam thực hiện (có hoặc không thoả thuận chia phí) ví dụ UHY Việt Nam phải trả phí giới thiệu khách hàng là 12.5% / Doanh thu...

- Được kiểm soát chất lượng dịch vụ
Công ty thành viên Việt Nam được Tổ chức kiểm toán quốc tế kiểm soát chất lượng qua 2 giai đoạn chính: (1) Kiểm tra, đánh giá trước khi chấp nhận là thành viên, kiểm soát trước thể hiện sự đánh giá, xác nhận quy trình chất lượng dịch vụ của công ty Việt Nam. Được chấp nhận là thành viên chứng tỏ công ty Việt Nam đã bảo đảm chất lượng dịch vụ đạt yêu cầu của Tổ chức kiểm toán quốc tế; (2) Kiểm soát trong quá trình hoạt động được thực hiện trong suốt quá trình là thành viên. Tổ chức kiểm toán quốc tế có thể tiếp tục hoặc chấm dứt cam kết thành viên phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ.

- Tuân thủ quy định (Tuyên ngôn, Điều lệ) của Hãng
Ngoài các điều khoản đã ký trong cam kết/hợp đồng, công ty Việt Nam phải tuân thủ mọi quy định của Tổ chức kiểm toán quốc tế; phải điều hành, phát triển công ty theo chiến lược, chính sách chung, nghị quyết các kỳ họp…

- Nộp lệ phí thành viên
Là thành viên đầy đủ của Tổ chức kiểm toán quốc tế, công ty Việt Nam phải nộp lệ phí thành viên, có thể được miễn giảm một phần trong giai đoạn đầu, sau đó phải nộp đầy đủ theo Điều lệ/cam kết thành viên. Phí thành viên là một khoản chi phí đáng kể, ví dụ: theo UHY, ngoài phí gia nhập lần đầu là 5000 USD, nếu doanh thu ít hơn 500.000 USD nộp phí từ 1500 USD. Vì thế công ty Việt Nam luôn luôn phải làm một bài toán hiệu quả giữa chi phí và lợi ích.

- Mua bảo hiểm nghề nghiệp
Theo thông lệ quốc tế, tất cả các công ty kiểm toán đều phải mua bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp. Công ty Việt Nam khi trở thành thành viên đầy đủ phải mua bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của Tổ chức kiểm toán quốc tế.

2. Lợi ích và trách nhiệm của Thành viên liên kết (Associate firm)
Thành viên liên kết  là cấp độ thấp hơn so với Thành viên đầy đủ. Tùy theo chính sách từng Tổ chức kiểm toán quốc tế, Thành viên liên kết có thể sẽ bị hạn chế một số quyền lợi khi tham gia vào Tổ chức kiểm toán quốc tế. Trong một số trường hợp Thành viên liên kết hoạt động trong lĩnh vực tương đối khác so với lĩnh vực chính của Tổ chức kiểm toán quốc tế. Khi đó, Thành viên liên kết được công nhận tham gia vào Tổ chức kiểm toán quốc tế nhằm đa dạng hoá dịch vụ cung cấp. Cấp độ Thành viên liên kết phổ biến hơn trong các Tổ chức kiểm toán quốc tế hoạt động theo Mô hình hiệp hội. Trong một số trường hợp, một công ty có thể là thành viên đầy đủ của một tổ chức đồng thời là thành viên liên kết của một tổ chức khác. Ví dụ, Dezan Shira & Associates là công ty tư vấn kế toán và kiểm toán hoạt động tại Trung Quốc, Hongkong và Việt Nam là thành viên đầy đủ của Leading Edge Alliance, đồng thời là thành viên liên kết của Integra International.

Trên thực tế Hiệp hội là tổ chức quốc tế của các thành viên là các công ty  kế toán, kiểm toán và tư vấn tại nhiều quốc gia cùng có chung một mục tiêu là phát triển để trở thành tổ chức lớn mạnh, có thứ hạng cao trong khu vực và quốc tế, nâng cao chất lượng, uy tín và danh tiếng trên cơ sở các cam kết chung, chủ yếu là quy trình kỹ thuật và phương pháp cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thành viên. Vì vậy lợi ích và trách nhiệm của Thành viên liên kết phổ biến hơn trong các Tổ chức kiểm toán quốc tế hoạt động theo Mô hình hiệp hội và cũng dựa theo nguyên tắc của thành viên đầy đủ nhưng ở mức thấp hơn hẳn, cụ thể như sau:

- Việc sử dụng tên gọi và lôgô không được chuyển đổi hoàn toàn thành tên Tổ chức kiểm toán quốc tế mà chỉ được ghi nhận ở sau tên Việt Nam;
- Trong quan hệ với Tổ chức quốc tế không được sử dụng cụm từ “Thành viên đầy đủ/Member firm) mà chỉ được sử dụng từ “Thành viên liên kết/Associated firm);
- Về đào tạo và tư vấn cũng có các hình thức tương tự như Thành viên đầy đủ nhưng Thành viên liên kết phải tự trang trải hầu hết chi phí;
- Về kiểm soát chất lượng cũng không chặt chẽ, thường xuyên như Thành viên đầy đủ;
- Thành viên liên kết có thể mua bảo hiểm hay trích lập dự phòng theo pháp luật Việt Nam;
- Một quốc gia có thể có trên 1 Thành viên liên kết tuỳ theo Quy ước/ Điều lệ Hiệp hội và cam kết thành viên…;
- Về lệ phí hội viên, thường phải nộp lệ phí gia nhập lần đầu và phí thu từ khách hàng do Hiệp hội giới thiệu hoặc phân bổ tổng phí thực tế của Hiệp hội, có hạn chế mức tối đa…

3. Lợi ích và trách nhiệm Thành viên đại diện liên lạc (Correspondent firm)
Thành viên đại diện liên lạc là cấp độ thấp nhất khi tham gia vào các Tổ chức kiểm toán quốc tế. Ví dụ Russell Bedford International (RBI) là một hãng hoạt động theo Mô hình Công ty Mạng lưới, khi nhận được đơn xin gia nhập của một doanh nghiệp kiểm toán, các thủ tục đánh giá cho thấy doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện để công nhận là Thành viên đầy đủ hoặc Thành viên liên kết, RBI có thể bổ nhiệm doanh nghiệp  trở thành Thành viên đại diện liên lạc. Theo đó khi khách hàng muốn liên hệ với RBI tại khu vực lãnh thổ đó thì có thể liên lạc qua Thành viên đại diện liên lạc được bổ nhiệm. Thành viên đại diện liên lạc này không có quyền lợi như các Thành viên đầy đủ, không có quyền biểu quyết khi tham gia đại hội của RBI. Thành viên đại diện liên lạc không có quyền sử dụng logo hoặc hình ảnh của RBI trong các hoạt động quảng bá của mình. Trong trường hợp RBI nhận được một đơn xin gia nhập đủ điều kiện là Thành viên đầy đủ của một doanh nghiệp kiểm toán có cùng vùng, lãnh thổ hoạt động thì quyền đại diện của Thành viên đại diện liên lạc cũng bị xoá bỏ. Tuy nhiên, mức phí thường niên của Thành viên đại diện liên lạc phải nộp cho RBI cũng rất thấp so với phí của Thành viên đầy đủ.

Thành viên đại diện liên lạc là cấp độ liên hệ ít chặt chẽ nhất với Tổ chức kiểm toán quốc tế khi xem xét thực tế về tổ chức hoạt động và chất lượng dịch vụ, chất lượng nhân viên chưa đủ điều kiện làm Thành viên đầy đủ hoặc Thành viên liên kết. Nếu cần thiết Tổ chức quốc tế chỉ thừa nhận công ty là Thành viên đại diện liên lạc. Các Thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế hoặc khách hàng của Tổ chức kiểm toán quốc tế nếu cần thông tin hoặc trợ giúp gì tại Việt Nam thì liên hệ với đại diện này.

Thành viên đại diện liên lạc thường là chưa được quyền sử dụng tên gọi của Tổ chức quốc tế, có thể được sử dụng lô gô của Tổ chức quốc tế một cách hạn chế; có thể được hỗ trợ về đào tạo, tài liệu, thông tin nhưng thường phải trả phí; có thể được hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên gia quốc tế nhưng cũng phải trả phí; được Tổ chức kiểm toán quốc tế kiểm soát chất lượng nhưng chủ yếu là các hợp đồng với khách hàng quốc tế của Tổ chức: nếu được giới thiệu khách hàng quốc tế phải chia phí sòng phẳng…/.

CHUYÊN MỤC ĐƯỢC SỰ CỘNG TÁC CỦA ACCA

Theo Tạp chí Kiểm toán số 1/2012
 

Xem thêm »