Nam Phi: Hướng đến xây dựng văn hóa lãnh đạo minh bạch, hiệu quả

04/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Vừa qua, Tổng Kiểm toán Nam Phi đã công bố một báo cáo trình bày kết quả kiểm toán công tác lãnh đạo tại nhiều thành phố. Báo cáo kiểm toán kêu gọi chính quyền các địa phương cần nhất quán, minh bạch hơn, tiến tới xây dựng một nền “văn hóa lãnh đạo” mới.

Tổng Kiểm toán Nam Phi Tsakani Maluleke. Ảnh ST

Nhiều thành phố chưa chú trọng công tác quản lý

Tổng Kiểm toán Nam Phi Tsakani Maluleke đã công bố kết quả kiểm toán các thành phố cho năm tài chính 2021-2022, chỉ ra một số nguyên nhân gốc rễ khiến các chính quyền gặp phải nhiều thất bại, sai sót. Cuộc kiểm toán đã xác định một số vấn đề lớn, đặc biệt nhấn mạnh tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình.

 

Chủ đề của các báo cáo kiểm toán thành phố gần đây, từ năm tài chính 2018-2019 đến nay, đều xoay quanh 3 vấn đề chính: năng lực, trách nhiệm giải trình và công tác lãnh đạo. Tổng Kiểm toán chỉ trích nhiều chính quyền đã không bổ nhiệm đúng người vào các vị trí chủ chốt. Điều này dẫn đến tình trạng quản trị tài chính và hiệu quả hoạt động tổng thể yếu kém, không đạt yêu cầu.

Các kiểm toán viên đã thực hiện nhiều cách tiếp cận để đánh giá hoạt động của chính quyền các địa phương. Báo cáo kiểm toán được thực hiện thông qua việc phỏng vấn, trao đổi với hàng trăm ủy viên hội đồng thành phố, quan chức cấp cao và thành viên các tổ chức xã hội dân sự ở tất cả 9 tỉnh. Một trong những mục tiêu quan trọng cuộc kiểm toán đặt ra là xác định những khó khăn gây cản trở công tác lãnh đạo có đạo đức trong chính quyền các địa phương.

Vấn đề đầu tiên được xác định là nhiều thành phố có đội ngũ lãnh đạo, nhân viên không phù hợp và thường không đủ năng lực. Tình trạng thiếu kỹ năng và năng lực chuyên môn cũng là một trong những vấn đề Tổng Kiểm toán đã nhấn mạnh trong các báo cáo gần đây nhưng đến nay vẫn tồn tại.

Báo cáo kiểm toán nhấn mạnh một thách thức khác là tình trạng thiếu hoạt động đào tạo và kỹ năng quản trị. Đó là một vấn đề cũng được nêu ra trong nhiều diễn đàn và các cuộc kiểm toán. Hội đồng thành phố có trách nhiệm đưa ra định hướng, chính sách cho chính quyền và chịu trách nhiệm giải trình. Nếu bộ máy lãnh đạo có trình độ thấp sẽ gây ra những thách thức đáng kể đối với công tác giám sát và quản trị.

Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ tại nhiều thành phố thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm giải trình dẫn đến hậu quả là công tác lãnh đạo lỏng lẻo, yếu kém. Đây là nguyên nhân khiến năm tài chính 2021-2022, có tới 219/257 thành phố của Nam Phi phải nhận kết quả kiểm toán “không đạt yêu cầu”.

Kêu gọi nâng cao trách nhiệm quản lý

Báo cáo kiểm toán đã kêu gọi lãnh đạo các chính quyền thành phố khẩn trương vạch ra các kế hoạch nhằm giải quyết các vấn đề sai sót, tồn đọng, đặc biệt nâng cao trách nhiệm giải trình.

Tổng Kiểm toán đặc biệt kêu gọi các nhà lãnh đạo thành phố cần tăng cường hành động; kêu gọi nâng cao hiệu quả quản lý; lường trước và chịu trách nhiệm đối với các hậu quả có thể xảy ra; thực hiện các khuyến nghị kiểm toán, đồng thời duy trì văn hóa quản lý tài chính minh bạch bao gồm đảm bảo thu ngân sách hiệu quả, chi tiêu thận trọng, ngăn ngừa và phục hồi nhanh chóng thất thoát, lãng phí tài chính.

Đây là những vấn đề chuyên môn và đòi hỏi những người lãnh đạo có năng lực, có thể giúp các hội đồng thành phố xây dựng “các thành phố đa năng”, nhằm hướng tới việc thực hiện cam kết phục vụ lợi ích của cộng đồng.

Tổng Kiểm toán cho biết, một bộ quy tắc về đạo đức lãnh đạo trong chính quyền địa phương đã được đưa ra lấy ý kiến, được xây dựng để đưa ra nhiều hướng dẫn cho các ủy viên hội đồng và quan chức. Bộ quy tắc đặt ra nguyên tắc lãnh đạo có đạo đức trong chính quyền địa phương và các phương pháp giúp thực hành xây dựng công tác quản trị hiệu quả.

Bộ quy tắc gồm 7 nguyên tắc chính: các nhà lãnh đạo cần xây dựng văn hóa lãnh đạo có đạo đức; cần đảm bảo cách tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm để quản trị; cần tôn trọng ranh giới giữa các lĩnh vực chính trị và hành chính; cần bổ nhiệm cán bộ có năng lực và liêm chính; đảm bảo năng lực phù hợp ở các cấp độ trong bộ máy giám sát; vi phạm đạo đức phải được xử lý công bằng và dứt khoát; các nhà lãnh đạo thành phố phải tham gia theo hướng tôn trọng và mang tính xây dựng với lãnh đạo các thành phố khác.

Trong báo cáo, Tổng Kiểm toán nhấn mạnh, nhiều nhà lãnh đạo tại các chính quyền địa phương đã cam kết sẽ nỗ lực tạo ra một văn hóa lãnh đạo minh bạch, trách nhiệm và bộ quy tắc trên được đánh giá có thể trở thành công cụ cần thiết để hướng dẫn việc thực hành, giúp họ thực hiện được cam kết này./.

(Theo News24.com và tổng hợp)

Xem thêm »