Tanzania: Quản lý tài chính yếu kém gây lãng phí ngân sách

24/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Văn phòng Tổng Kiểm toán và Kiểm soát (CAG) Tanzania mới công bố báo cáo cho năm tài chính 2021-2022. Báo cáo chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý tài chính và hoạt động nói chung tại nhiều cơ quan công.  

Ngân sách gánh những khoản chi cao quá mức

Trong báo cáo, Tổng Kiểm toán và kiểm soát Tanzania Charles Kichere chỉ ra nhiều vấn đề tồn đọng, đặc biệt nhấn mạnh tình trạng có quá nhiều hóa đơn được lập, được duyệt nhưng không tuân thủ các quy định hiện hành, nhiều khoản thanh toán được lãnh đạo các tổ chức công thực hiện dù nhiều dự án và chương trình chưa được hoàn thành.

Tình trạng lập hóa đơn không đúng quy định dẫn đến việc ngân sách phải gánh những khoản chi tiêu cao quá mức. Điển hình, trong một dự án mua sắm trang, thiết bị máy tính bảng cho các cơ quan nhà nước, Chính phủ đã phải chi thêm những khoản tiền khổng lồ. Trong một dự án mua máy bay chở hàng khác, Chính phủ đáng lẽ chỉ phải trả 35 triệu USD cho đợt thanh toán cuối cùng, tuy nhiên hóa đơn nhận được trị giá tới 86 triệu USD.

Báo cáo của CAG Tanzania cho thấy có những cơ quan, tổ chức công thường xuyên báo thua lỗ, thậm chí năm tài chính nào cũng báo cáo thua lỗ. Tổng Kiểm toán dẫn chứng trường hợp Tổng công ty Phát triển quốc gia (NDC). Theo đó, NDC được thành lập vào năm 1962, trong suốt những năm qua cơ quan này hầu như không mang lại hiệu quả nào đáng kể, không có tiến triển tích cực. Mặc dù vậy, NDC vẫn tiếp tục nhận được ngân sách cho mọi hoạt động của công ty, làm tăng chi tiêu của Chính phủ.

Trong những năm qua, nhiều tổ chức công tại Tanzania cũng thường xuyên bị lên án vì để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý, chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, hầu như không có biện pháp trừng phạt nào đủ mạnh mẽ được thực hiện đối với những quan chức có hành vi sai phạm, do đó tình trạng tham nhũng, lạm dụng ngân sách không được đẩy lùi.

Báo cáo của CAG Tanzania tiếp tục chỉ ra rằng, hiệu quả hoạt động mua sắm thông qua Cơ quan Dịch vụ mua sắm công của Chính phủ rất thấp; đã thất bại trong việc thực hiện các dự án phát triển của Chính phủ; việc giao nhận các mặt hàng được mua sắm thông qua cơ quan này thường xuyên chậm trễ trong một thời gian dài. Có những trường hợp một số cơ quan nhà nước phải mất tới 4 năm mới nhận được các trang, thiết bị cần thiết.
 
Cần thắt chặt công tác giám sát

Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan bày tỏ mối quan ngại và sự thất vọng sau khi xem xét những sai sót được chỉ ra trong Báo cáo kiểm toán của CAG cho năm tài chính 2021-2022. Tổng thống đề nghị, lãnh đạo các cơ quan công cần làm tròn vai trò của người đứng đầu tổ chức, đặc biệt cần thắt chặt công tác giám sát các dự án công, đảm bảo mỗi khoản tiền từ ngân sách quốc gia đều được chi tiêu vì lợi ích của người dân, của đất nước.

Tổng thống cho rằng, tất cả các Bộ trưởng, quan chức là những người trực tiếp giúp Chính phủ phát hiện những lỗ hổng, khắc phục các sai sót và đảm bảo chi tiêu các quỹ công hiệu quả. “Nếu không phát hiện ra các hóa đơn bị kê khống và vẫn duyệt chi các khoản thanh toán sai quy định, họ không xứng đáng, không phù hợp với vị trí công việc hiện tại và phải bị sa thải” - Tổng thống Samia Suluhu Hassan nhấn mạnh.

Bà Samia Suluhu Hassan đã đưa ra yêu cầu, cần đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các tổ chức công thường xuyên báo cáo thua lỗ trong nhiều năm, tương tự trường hợp của Cơ quan Dịch vụ mua sắm công. Trước hàng loạt hành vi sai phạm trong hoạt động mua sắm, chi tiêu công, cần đánh giá việc duy trì hoạt động của các cơ quan này có thực sự cần thiết không hay Chính phủ nên sử dụng các phương án khác hiệu quả hơn.

Tổng thống Samia Suluhu Hassan nhấn mạnh: “Mỗi Bộ, ban, ngành và các cơ quan của Chính phủ đều có các bộ phận giám sát chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và thanh toán cho các dự án, tuy nhiên, việc lập hóa đơn vượt mức quy định vẫn xảy ra. Hầu như dự án lớn nào cũng gặp phải vấn đề này. Điều này là không thể chấp nhận được và các cơ quan, tổ chức cần nghiêm túc đánh giá lại công tác giám sát của mình. Những người đứng đầu tổ chức phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải quyết liệt mới có thể xử lý triệt để tình trạng trên”./.

(Theo Daily News và Allafrica.com)
Báo Kiểm toán số 16/2023
 

Xem thêm »