Rủi ro địa chính trị gia tăng - những lưu ý khi kiểm toán

22/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Rủi ro địa chính trị vẫn luôn nằm trong nhóm những rủi ro hàng đầu đối với các tổ chức, DN. Các cuộc xung đột gây tổn thất về tài sản, lực lượng lao động, thậm chí còn dẫn đến hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế khiến DN không thể trụ vững... Trong bối cảnh đó, kiểm toán viên (KTV) không chỉ đảm nhiệm vai trò kiểm tra, giám sát mà phải phát huy tối đa khả năng để dự đoán, tư vấn và dẫn dắt tổ chức vượt qua khủng hoảng.

Đánh giá rủi ro theo dòng sự kiện kinh tế - chính trị

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine là ví dụ điển hình cho thấy khủng hoảng về chính trị ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Vì vậy, KTV luôn phải cập nhật, đánh giá thông tin về sự phát triển và tiềm năng mở rộng của các vấn đề kinh tế - chính trị có thể ảnh hưởng đến DN.

Theo nghiên cứu mới đây của Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng (PCAOB), trong thời kỳ bất ổn và kinh tế không chắc chắn, kiến thức mà KTV thu được từ các cuộc kiểm toán trước đây hoặc các đánh giá tạm thời có thể không còn phù hợp. KTV phải luôn tìm hiểu các sự kiện kinh tế - chính trị đang diễn ra và đánh giá rủi ro có thể tác động đến tổ chức. Chẳng hạn, KTV cần lưu ý xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu khí đốt, hay quyết định tẩy chay nhà cung cấp, đình chỉ cửa hàng tại Nga có thể tác động tiêu cực dài hạn về doanh thu, hoặc các rủi ro thị trường và đối tác đối với một số nhà môi giới - đại lý. Thậm chí, DN cũng có thể đối mặt với rủi ro danh tiếng, bị tẩy chay nếu vẫn tiếp tục kinh doanh tại Nga hoặc hợp tác với một số tổ chức của Nga...

Bên cạnh đó, rủi ro gian lận cũng là một yếu tố cần lưu ý khi nhiều DN có thể cố gắng hạ thấp tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế và làm cho kết quả tài chính thuận lợi hơn để đáp ứng kỳ vọng của bên thứ ba. Rủi ro gian lận cũng có thể phát sinh từ các công ty đang hợp tác kinh doanh với các chủ thể bị xử phạt hoặc bị cấm vận. Cùng với đó, sự biến động kinh tế - chính trị hiện tại cũng góp phần làm tăng nguy cơ của các cuộc tấn công an ninh mạng. Để đáp lại các lệnh trừng phạt kinh tế và tẩy chay, tin tặc sẵn sàng khởi động các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền hoặc tận dụng những điểm yếu tiềm ẩn trong hệ thống thông tin của DN. Các công ty đa quốc gia và các ngành như tài chính, bảo hiểm, dịch vụ thường nằm trong tầm ngắm của các cuộc tấn công này.

Các lưu ý khi lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán

Lập kế hoạch kiểm toán không phải là một giai đoạn riêng của một cuộc kiểm toán mà là một quy trình liên tục và lặp đi lặp lại. Trong môi trường có nhiều biến động, KTV cần phải xem lại đánh giá ban đầu về rủi ro và sửa đổi các thủ tục kiểm toán. KTV cũng cần thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung để thu thập đầy đủ bằng chứng. Đối với trọng yếu, theo từng hoàn cảnh nhất định, KTV đánh giá lại tính trọng yếu và sai sót có thể chấp nhận được. Những thay đổi về tính trọng yếu cũng có thể ảnh hưởng đến đánh giá của KTV và xác định lại việc đã thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp.

Khi phải đối mặt với khủng hoảng, báo cáo tài chính (BCTC) của tổ chức cần được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn và đảm bảo có đủ các thông tin cần thiết. Cụ thể như, xung đột chính trị và các lệnh cấm vận có thể làm suy giảm các chỉ số về giá trị tài sản hữu hình (nhà máy, thiết bị có thể bị hư hỏng, phá hủy), tài sản vô hình (lợi thế thương mại) hoặc vốn chủ sở hữu các khoản đầu tư. Lúc này, KTV cần đánh giá tính hợp lý của dự báo dòng tiền và các dự báo quan trọng khác.

Ngoài ra, sự biến động trong môi trường hiện tại có thể ảnh hưởng đến một số ước tính kế toán, bao gồm các phép đo giá trị hợp lý, dự phòng tổn thất và các khoản phụ cấp, mất khách hàng chủ chốt, tăng rủi ro tín dụng liên quan đến một số khách hàng nhất định, không tuân thủ các giao ước nợ và phải cơ cấu lại hoặc sửa đổi các thỏa thuận nợ, hạn chế ngoại hối và không có khả năng hồi hương các khoản tiền của công ty con... PCAOB nhấn mạnh rằng, với hàng loạt các biến động như vậy, khi đánh giá BCTC, KTV cần đánh giá tính hợp lý của tất cả các giả định và bổ sung các thủ tục kiểm toán để xác định tính đúng đắn, chính xác của các ước tính kế toán được hạch toán và thuyết minh trong BCTC. Thêm vào đó, KTV có thể đánh giá ảnh hưởng của các sự kiện và hoàn cảnh có liên quan đến khả năng hợp nhất của DN.

Các chuyên gia của PCAOB cũng khuyến nghị thêm rằng, KTV phải có đủ kiến thức về hoạt động kinh doanh của công ty và môi trường kiểm soát nội bộ khi lập kế hoạch và thực hiện các đánh giá về tài chính giữa niên độ. Nếu phát hiện thông tin tài chính giữa niên độ không phù hợp với khuôn khổ BCTC, KTV có trách nhiệm yêu cầu hoặc thực hiện các thủ tục khác để đảm bảo tính đầy đủ của thông tin tài chính. KTV cũng có trách nhiệm đánh giá các sự kiện hoặc giao dịch xảy ra sau ngày lập bảng cân đối kế toán để xác định xem liệu chúng có ảnh hưởng quan trọng đến tài chính hoặc cần phải điều chỉnh BCTC trước khi công bố.

Trong môi trường hiện tại với các tác động kinh tế không thể lường trước, tùy thuộc vào sự kiện và hoàn cảnh của cuộc kiểm toán, báo cáo kiểm toán có thể bao gồm: Các vấn đề kiểm toán trọng yếu; ngôn ngữ giải thích bắt buộc; các đoạn nhấn mạnh (vấn đề liên quan đến sự kiện quan trọng tiếp theo có thể ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính công ty). Ngoài ra, báo cáo kiểm toán cũng cần thể hiện rõ giới hạn, phạm vi trong trường hợp KTV bị hạn chế tiếp cận thông tin hoặc không có khả năng thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp do xung đột vũ trang, lệnh cấm vận, xuất nhập cảnh hoặc phong tỏa thông tin, dữ liệu...

Xem thêm »