Chú trọng kiểm toán nội bộ để nâng cao khả năng ứng phó rủi ro  

31/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Viện Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA) mới đây đã hoàn thành cuộc khảo sát thường niên 2022 và chỉ ra rằng, các tổ chức, DN trên toàn cầu đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức. Do đó, họ cần đầu tư nhiều hơn vào hoạt động kiểm toán nội bộ để có thêm một công cụ đắc lực và luôn sẵn sàng đối phó với những rủi ro mới nổi.

Ngân sách cho kiểm toán nội bộ còn thấp

IIA đã tiến hành khảo sát các lãnh đạo hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán nội bộ tại các tổ chức, DN công, DN tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận. Báo cáo của IIA nhấn mạnh, trong năm 2020 và 2021, mức tăng ngân sách chi cho lĩnh vực kiểm toán nội bộ tại các DN đều ở mức thấp nhất kể từ khi IIA bắt đầu thực hiện khảo sát vào năm 2008 (năm 2020, ngân sách cho lĩnh vực này tăng 20%, năm 2021 là 24%). Đặc biệt, trong năm 2021, khối lượng công việc trong lĩnh vực kiểm toán nội bộ tăng, song ngân sách chi vẫn giữ nguyên so với các năm trước.

Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán nội bộ cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong cuộc khảo sát. IIA cho biết, so với những biến động về ngân sách, lực lượng nhân sự ngành kiểm toán nội bộ ít bị ảnh hưởng hơn. Trước đây, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 cũng đã gây ra những ảnh hưởng tương tự như đại dịch và cũng ít tác động đến số lượng nhân sự kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, có một điểm chung là 2 cuộc khủng hoảng trên đều gây ra những tác động khiến các DN chưa thể tăng số lượng nhân viên như mong muốn, nhiều DN thực sự thiếu nhân lực kiểm toán nội bộ. Những DN này được cho là sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển, đặc biệt những thách thức trong việc tuyển dụng nhân tài trong những năm tới.

IIA cũng chỉ ra rằng, kể từ khi cuộc khảo sát được thực hiện lần đầu tiên tới nay, 2021 là năm tài chính đầu tiên phải gánh chịu tình trạng mức độ rủi ro của các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tăng lên đáng kể. ESG là thuật ngữ được đề cập lần đầu vào tháng 6/2004 bởi Liên Hợp Quốc, là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng. Tuy nhiên, các DN, tổ chức vẫn chưa đẩy nhanh các kế hoạch kiểm toán cần thiết liên quan đến vấn đề này. Cuối cùng, tất cả những người được khảo sát đều đồng tình rằng, vấn đề an ninh mạng đang có ngày càng nhiều tác động lên các kế hoạch kiểm toán nội bộ của tổ chức, DN và họ cần khẩn trương vạch ra các kế hoạch hành động để đối phó với tình trạng này.
 
Cần ưu tiên đầu tư vào kiểm toán nội bộ

Cuộc khảo sát của IIA cũng chỉ ra rằng, tại nhiều quốc gia, Covid-19 đã dần được kiểm soát, những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đã giảm dần. Trong tình hình mới, các DN, tổ chức cho biết, họ phải ưu tiên đầu tư vào hoạt động kiểm toán nội bộ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, để đảm bảo các yếu tố ESG được quan tâm đúng mực, đồng thời giải quyết các mối quan ngại về những rủi ro mới nổi.

Gần một nửa trong số các giám đốc điều hành, kiểm toán trưởng tham gia cuộc khảo sát đồng thuận rằng, nếu được tiếp cận với nhiều nguồn tài trợ hơn, họ sẽ chi mạnh tay hơn cho việc bổ sung nhân lực. Tiếp theo họ sẽ đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là phần mềm phân tích dữ liệu. Nguyên nhân là do nhu cầu phân tích dữ liệu ngày càng tăng, các mô hình kinh doanh ngày càng mở rộng, phức tạp hơn và nhu cầu về sự đảm bảo an toàn dữ liệu đòi hỏi sự ưu tiên đầu tư vào công nghệ cao hơn.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành IIA Anthony Pugliese nhấn mạnh: “Cuộc khảo sát năm 2022 chỉ ra tầm quan trọng của việc các tổ chức đầu tư vào kiểm toán nội bộ để đáp ứng những thách thức và rủi ro mới, cũng như sự hỗ trợ của công nghệ và tự động hóa giúp kiểm toán nội bộ mang lại nhiều giá trị hơn. Đây là thời điểm các kiểm toán viên vừa phải đối mặt với những khó khăn, vừa có những lợi thế riêng trong hoạt động nghề nghiệp, họ có dữ liệu tốt trong tay và các nguồn lực thích hợp để giúp tổ chức giải quyết được những thách thức ngày càng tăng, tiến tới đạt được các mục tiêu đề ra”.

(Theo theiia.org và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 13/2022)

Xem thêm »