Tòa Thẩm kế châu Âu: Kiến nghị Liên minh châu Âu xem xét gây Quỹ dự phòng cho các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực nông nghiệp

26/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(Toà thẩm kế châu Âu - ECA) - Ngày 24/6/2021 đã ra thông cáo báo chí “Hỗ trợ của Liên minh châu Âu đối với các nhà sản xuất sữa sau khi có lệnh cấm nhập khẩu của Nga”. Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện nhiều biện pháp trên diện rộng để hỗ trợ nông dân trong thời điểm biến động thị trường sữa giai đoạn 2014-2016. EU đã phản ứng rất nhanh chóng trước lệnh cấm nhập khẩu với các sản phẩm sữa từ EU của Nga. Tuy nhiên, theo một báo cáo của ECA, nhu cầu thực tế của các nhà sản xuất không được đánh giá đầy đủ và viện trợ được cấp không đủ theo mục tiêu.

Vào đầu những năm 2010, nông dân ở một số quốc gia thành viên EU đã tăng đáng kể sản lượng sữa, tận dụng lợi thế giá cao hơn và đỉnh điểm là vào đầu năm 2014. Tháng 8/2014, Liên bang Nga đã cấm các sản phẩm sữa từ các quốc gia thành viên EU để đáp lại các lệnh trừng phạt của EU đối với Ukraine, vào thời điểm xuất khẩu của EU sang Trung Quốc đang chậm lại. Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu sữa trên toàn ngành cho đến giữa năm 2016. Chính sách nông nghiệp chung của EU (CAP) thời điểm đó đã cung cấp các cơ chế để xử lý tình huống này, bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp để ổn định thu nhập cho nông dân, các biện pháp can thiệp thị trường được gọi là “mạng lưới an toàn” để hỗ trợ giá bằng cách tạm thời bỏ thặng dư và các biện pháp đặc biệt để chống lại sự biến động của thị trường. Báo cáo kiểm toán cho biết: “Sản xuất sữa chiếm một phần quan trọng trong ngành nông nghiệp của EU và Ủy ban châu Âu cùng với các nước thành viên đã có những hành động nhất định để hỗ trợ thu nhập của nông dân trong giai đoạn thị trường bất ổn 2014-2016. Nhưng hành động đó phải được chuẩn bị tốt hơn trong tương lai để ứng phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong tương lai”.

Các Kiểm toán viên kết luận rằng, Ủy ban châu Âu đã phản ứng nhanh chóng với lệnh cấm của Nga, đặc biệt là việc hỗ trợ nông dân ở Baltic và Phần Lan, những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng các Kiểm toán viên cũng lưu ý rằng, Ủy ban mất quá nhiều thời gian để giải quyết sự mất cân bằng cơ bản của thị trường. Mặc dù có thu nhập ổn định từ các khoản thanh toán trực tiếp với tỷ trọng thu nhập từ trang trại bò sữa đạt khoảng 35% trong năm 2015 và 2016, các nhà sản xuất sữa vẫn phải đối mặt với các vấn đề về dòng tiền sau khi giá giảm đột ngột. Ủy ban đã tìm cách giải quyết vấn đề này, nhưng không đánh giá được quy mô khó khăn về dòng tiền của các trang trại bò sữa. Các Kiểm toán viên nhận thấy số lượng nguồn lực sẵn có đóng một vai trò quan trọng trong việc phân bổ ngân sách thay vì căn cứ vào nhu cầu thực tế. Các quốc gia thành viên ủng hộ các biện pháp đặc biệt đơn giản để cung cấp và lựa chọn phân phối quỹ rộng rãi. Để tài trợ cho các biện pháp đặc biệt cho giai đoạn 2014-2016, Ủy ban đã xem xét kêu gọi “quỹ dự phòng cho các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực nông nghiệp”, tuy nhiên, họ đã không làm vậy. Để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng có thể do đại dịch gây ra, Ủy ban đã cố gắng rút ra các bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, đối với CAP giai đoạn 2021-2027, Ủy ban đã đề xuất tăng cường vai trò và tác động tiềm tàng của nguồn dự trữ đối với các cuộc khủng hoảng bằng cách sử dụng nó linh hoạt hơn. Tuy nhiên, cuộc kiểm toán cho biết EU chưa đánh giá đầy đủ ảnh hưởng của những thỏa thuận do các quốc gia thành viên đưa ra, mặc dù điều này có thể giúp tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với mọi biến động thị trường trong tương lai./.
Bản tin quốc tế của KTNN số 104 ngày 30/6/2021

Xem thêm »