Nam Phi: Tình hình tài chính đáng báo động tại nhiều địa phương

03/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 24/6 vừa qua, Phó Tổng Kiểm toán Nam Phi Tsakani Maluleke đã thay mặt Tổng Kiểm toán Kimi Makwetu trình bày Báo cáo kiểm toán chính quyền các địa phương cho năm tài chính 2018-2019 trước Hội đồng Quốc gia cấp tỉnh (NCOP). Báo cáo đã chỉ ra và cảnh báo tình hình tài chính đáng báo động tại nhiều địa phương.

Thâm hụt ngân sách đáng báo động

Trong năm tài chính 2018-2019, có tới 28 tỉnh, thành phố của Nam Phi đã không nộp báo cáo tài chính trước hạn chót ngày 31/8 theo Đạo luật Quản lý tài chính công, gây cản trở cho công tác kiểm toán đúng hạn. Trong năm tài chính liền trước, chỉ có 4 thành phố nộp báo cáo tài chính muộn.

Văn phòng Tổng Kiểm toán đã tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của 257 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong số đó, chỉ 20 địa phương nhận được kết quả kiểm toán “sạch”. Còn lại, kết quả kiểm toán của 237 tỉnh, thành phố đã phác họa một bức tranh vô cùng ảm đạm về tình hình hoạt động nói chung và tình hình tài chính nói riêng tại chính quyền các địa phương. Trong năm tài chính trước đó, chỉ có 18 thành phố nhận được kết quả kiểm toán tích cực. Năng lực lãnh đạo yếu kém và sự thiếu trách nhiệm là nguyên nhân khiến các tỉnh, thành phố phải nhận kết quả kiểm toán tồi tệ thêm một năm nữa.

Sau khi tiến hành 229 cuộc kiểm toán, Văn phòng Tổng Kiểm toán chỉ ra rằng, 2,07 tỷ Rand Nam Phi (ZAR), tương đương 119,8 triệu USD, đã bị chi tiêu lãng phí, không mang lại hiệu quả. Trong năm tài chính trước đó, con số này ở mức 1,3 tỷ ZAR. Đáng lo ngại hơn, ngoài số tiền bị chi lãng phí nêu trên, gần 12 tỷ ZAR cũng đã bị chi tiêu trái phép nhưng chưa xác định được các mục đích chi.

Phó Tổng Kiểm toán Tsakani Maluleke bày tỏ quan ngại khi 34% các tỉnh, thành phố đã báo cáo ngân sách bị thâm hụt trong năm tài chính được xem xét, các khoản chi tiêu cao hơn rất nhiều so với thu nhập của địa phương. Tổng số tiền bị thâm hụt tại chính quyền các địa phương lên tới 6,29 tỷ ZAR. Số lượng các thành phố phát sinh chi tiêu bất thường tăng từ 239 lên 241 thành phố. Trong đó, 4 tỉnh: KwaZulu-Natal, North West, Western Cape và Eastern Cape chiếm tới 71% chi tiêu bất thường của năm.
 
Tiếp diễn tình trạng quản lý yếu kém, lỏng lẻo

Phó Tổng Kiểm toán Maluleke cho biết, những khoản chi khổng lồ bất thường tại các địa phương trên chủ yếu tập trung vào các nội dung như: chi tiêu, mua sắm công trái phép, bội chi và vi phạm quy định tại các dự án đấu thầu lớn ở địa phương, công tác quản lý tài sản công lỏng lẻo dẫn đến tình trạng mất cắp diễn ra thường xuyên, nhiều trường hợp thanh toán bị phát hiện chỉ là “ảo” nhằm biển thủ ngân sách... Đặc biệt, tình trạng tuyển dụng nhân sự tại các cơ quan, chính quyền ngày càng nhiều tiêu cực. Đây chính là khởi nguồn của tình trạng nhiều cán bộ yếu kém về năng lực và phẩm chất vẫn được thu nhận vào các cơ quan nhà nước.
Những sai phạm này đã diễn ra suốt nhiều năm qua tại các tỉnh, một số lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng, gian lận nghiêm trọng và đang bị điều tra từ năm tài chính trước đến năm nay. Tuy nhiên, tình hình tại các địa phương không hề được cải thiện, thậm chí còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn.

Chín thành phố của Nam Phi bị xác định đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, cố tình vi phạm các quy định của pháp luật, gây tổn thất tài chính khổng lồ cho ngân sách công. Theo Đạo luật Sửa đổi Kiểm toán công, 9 thành phố này đang phải đối mặt với các cuộc điều tra mở rộng đặc biệt.

Bà Maluleke cho biết, một đơn vị nhận được kết quả kiểm toán “sạch” khi đảm bảo rằng các báo cáo tài chính được nộp đúng thời hạn, có thông tin đầy đủ, hữu ích và đáng tin cậy, thể hiện toàn diện mọi hoạt động tài chính minh bạch, hiệu quả của cơ quan, đồng thời, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý tài chính, đảm bảo hiệu quả hoạt động, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, nhiều năm nay, những tiêu chí này đang dần xa vời với nhiều địa phương tại Nam Phi. Đã đến lúc, Chính phủ phải thật nghiêm túc và mạnh mẽ nhìn thẳng vào thực trạng này.

(Theodailymaverick.co.za và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 27/2020)

Xem thêm »