Nigeria: Hơn 10 triệu trẻ em không được đến trường   

22/04/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bộ Giáo dục Liên bang Nigeria mới đây đã tiến hành cuộc kiểm toán nguồn nhân lực trên quy mô quốc gia tại các trường công lập và tư thục ở nước này. Kết quả cho thấy, Nigeria có khoảng 10,2 triệu trẻ em đang ở độ tuổi đi học nhưng không được đến trường.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nigeria Adamu Adamu hé lộ thông tin này tại một cuộc họp báo ở Thủ đô Abuja hôm 12/4 vừa qua. Cuộc kiểm toán là một phần của cuộc tổng điều tra thường niên các trường học tại Nigeria năm 2018, được thực hiện với sự phối hợp của Ủy ban Giáo dục cơ bản toàn cầu, Ủy ban Dân số quốc gia, Cục Thống kê quốc gia Nigeria.

Bộ trưởng Adamu Adamu cho biết, cuộc tổng điều tra nguồn nhân lực cho thấy, các tỉnh bang có nhiều trẻ em không được đến trường nhất bao gồm: Kano, Akwa Ibom, Katsina, Kaduna, Taraba, Sokoto, Yobe, Zamfara, Oyo, Benue Jigawa và Ebonyi. Những trẻ em không được giáo dục dễ bị tổn thương và dễ sa vào cạm bẫy tội ác. Nhiều trẻ em, thanh thiếu niên đang gia nhập các nhóm phản động vì thiếu hiểu biết, nghèo đói và thiếu giáo dục. Mặc dù Chính phủ Liên bang đã xây dựng một số biện pháp can thiệp chiến lược nhằm giải quyết vấn đề trẻ em không được đến trường, bao gồm: giáo dục đặc biệt, giáo dục trẻ em trai, giáo dục trẻ em gái và giáo dục trẻ em hồi giáo di cư, song tình trạng thất học vẫn chưa được cải thiện. Theo báo cáo của Cục Dân số quốc gia, trong năm 2015, số trẻ em không được đến trường rơi vào khoảng 12 triệu trẻ em và cho đến nay, con số này có thuyên giảm nhưng hầu như không đáng kể. Có hơn một nửa trong số 79 triệu trẻ em ở Nigeria độ tuổi từ 5 đến 17 phải lao động, trong đó, nhiều trẻ em phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Công việc mà trẻ em phải làm có cả bán hàng trên đường phố, ăn xin, rửa xe, đóng giày, cơ khí, làm tóc, giúp việc nhà…

Bộ trưởng Adamu Adamu thông tin thêm, trong 4 năm tới, Chính phủ Niegeria sẽ tập trung nỗ lực tăng cường vận động trẻ em đến trường, kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của các bên liên quan ở tất cả các cấp để cải thiện tình hình, đồng thời thắt chặt việc thực thi Đạo luật về Quyền trẻ em vốn bị buông lỏng lâu nay.

(Theo All Africa và The Guardian)
(Báo Kiểm toán số 16/2019)

Xem thêm »