Ngày 15/9 vừa qua, Tòa Thẩm kế Pháp đã công bố Báo cáo kiểm toán thường niên năm 2015 và cho biết: Pháp khó có thể cân bằng mức thâm hụt của hệ thống phúc lợi xã hội ít nhất đến năm 2020 nếu không có những biện pháp hiệu quả cải thiện tình hình giảm mức thâm hụt chậm chạp như năm 2015.
Hệ thống phúc lợi xã hội của Pháp - bao gồm bảo hiểm y tế, lương hưu, bảo hiểm các công trình công cộng - vốn được cho là khá sâu rộng và toàn diện so với nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2014 là năm thứ 13 liên tiếp hệ thống phúc lợi xã hội của Pháp nằm trong tình trạng báo động đỏ, dù Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp khắc phục nhưng tốc độ giảm thâm hụt của Pháp vẫn khá khiêm tốn. Trong năm 2015, tình hình vẫn không được cải thiện đáng kể. Chi tiêu phúc lợi xã hội vẫn tiếp tục tăng đều, trong khi nguồn thu không tăng trưởng mạnh bằng năm 2014. Chính xu hướng này sẽ trì hoãn việc Pháp có thể cân bằng mức thâm hụt của hệ thống phúc lợi xã hội ít nhất đến năm 2020, thay vì hy vọng của Chính phủ có thể quay trở lại mức cân bằng vào năm 2017.
Những năm gần đây, các mức thâm hụt an sinh xã hội ở Pháp đã giảm dần so với mức đỉnh điểm vào năm 2010. Chính phủ Pháp mới đạt được thành công trong công tác kiềm chế thâm hụt bằng biện pháp cắt giảm chi tiêu phúc lợi thay vì lựa chọn phương án tăng thuế. Một động thái đáng chú ý là Chính phủ Pháp vừa thông báo với các đối tác trong Liên minh châu Âu rằng Pháp sẽ cắt giảm thâm hụt công của đất nước, trong đó bao gồm thâm hụt an sinh xã hội, xuống chỉ còn 3,3 tổng sản phẩm quốc gia trong năm tới. Năm 2015, mức thâm hụt đang chiếm khoảng 3,8.
Tòa Thẩm kế đã kiến nghị Chính phủ Pháp cần hạn chế chi tiêu, đặc biệt trong ngành Bảo hiểm y tế - lĩnh vực chiếm một nửa mức thâm hụt hiện tại. Nguồn thu cho hệ thống an sinh xã hội của Pháp chủ yếu được lấy từ thuế của cả người sử dụng lao động và người lao động đóng vào các quỹ an sinh xã hội chứ không phải được Chính phủ đầu tư. Các kiểm toán viên cho biết, những khoản nợ ngắn hạn của Chính phủ đang ngày càng đẩy mức thâm hụt cũng như các khoản lãi suất tăng cao, làm tăng gánh nặng cho ngân sách công./.
Theo Báo Kiểm toán số 42/2015