Vừa qua, Ban Kiểm toán nội bộ Trung ương trực thuộc Bộ Tài chính Malawi đã tiến hành một cuộc kiểm toán đặc biệt đối với Ủy ban Bầu cử Malawi (MEC) và cho biết, lãnh đạo cơ quan này đã đặt lợi ích cá nhân lên trên hết dẫn đến nhiều hành vi coi thường, cố tình vi phạm pháp luật, vi phạm các nguyên tắc quản lý khiến ngân sách công bị thất thoát gần 1,6 tỷ Kwacha Malawi (MWK), tương đương 3 triệu USD.
Các kiểm toán viên xem xét công tác quản lý và chi tiêu ngân sách công của ban lãnh đạo MEC trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7/2012 đến tháng 12/2014. Sau khi tổng hợp kết quả của cuộc kiểm toán, ngày 07/8, bản Báo cáo kiểm toán dài 40 trang kèm theo một bản ghi nhớ được ban hành và được gửi đến Thư ký Kho bạc, Tổng Thư ký của Tổng thống và Nội các, Tổng Kiểm toán và Giám đốc MEC.
Báo cáo kiểm toán nêu rõ, lãnh đạo MEC yếu kém về nhiều mặt, không có khả năng quản lý tài chính, đồng thời chỉ ra một số sai phạm lớn của Ủy ban này bao gồm việc sử dụng ngân sách công mua sắm, chi tiêu sai mục đích trong khi không kê khai vào sổ sách kế toán của cơ quan nhằm biển thủ công quỹ. Cụ thể, lãnh đạo MEC đã quá hào phóng khi chi tới 700 triệu MWK (1,3 triệu USD) từ ngân sách cho mua sắm nhiều hạng mục ngoài kế hoạch chi của cơ quan. Những khoản chi bất hợp lý này đều được ban lãnh đạo MEC ký phê duyệt nên đã nhanh chóng và dễ dàng được thực hiện ngay. MEC cũng đã vi phạm Luật Đấu thầu quốc gia khi báo cáo rằng đã chi tới 105 triệu MWK (188.000 USD) cho một nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn và giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, các kiểm toán viên cho biết các giao dịch đó chỉ là “ảo”.
Theo Báo cáo kiểm toán, lãnh đạo MEC đã mở nhiều tài khoản không cần thiết tại nhiều ngân hàng khác nhau nhằm che giấu hành vi gian lận tài chính. Các kiểm toán viên phát hiện lãnh đạo Ủy ban đã trích tới gần 400 triệu MWK (730.000 USD) từ quỹ công để đầu tư vào một số dự án riêng. Lãnh đạo MEC cũng đã chuyển khoản số tiền 120 triệu MWK (220.000 USD) tới một số tài khoản bí mật hiện chưa rõ chủ tài khoản là những ai. Tất cả các khoản chi của MEC như công tác phí, tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp… đều bội chi quá mức với số tiền ngoài sức tưởng tượng. Riêng chi phí đi lại và ăn ở của lãnh đạo và nhân viên đã lên tới 206 triệu MWK (380.000 USD). Nhiều cá nhân còn được vay vốn từ công quỹ, nhưng hầu hết họ đều không có khả năng trả nợ hoặc không có cam kết khi nào sẽ trả lại tiền.
Các kiểm toán viên còn phát hiện nhiều bất thường trong việc thực hiện các thủ tục thanh lý 14 xe công có giá trị cao và vẫn đang được sử dụng tốt cho các lãnh đạo và nhân viên của Ủy ban. Ngoài ra, những khoản sửa chữa, bảo dưỡng xe của các lãnh đạo đứng đầu MEC cao bất thường cũng được chi trả bằng quỹ công.
Ban Kiểm toán đưa ra kiến nghị Chính phủ cần có những biện pháp thực sự mạnh mẽ nhằm trừng phạt những kẻ đục khoét ngân sách quốc gia, thu hồi toàn bộ số tiền bị biển thủ và tịch thu các tài sản công bị chiếm dụng trái phép.
Phản ứng lại kết luận của Ban Kiểm toán, Giám đốc Truyền thông và quan hệ công chúng của MEC Sangwani Mwafulirwa cho rằng, Ủy ban đã thực hiện đúng các quy định, chính sách trong việc xử lý các tài sản thuộc quyền sở hữu của cơ quan. Ông kêu gọi mọi người hãy chờ đợi ban lãnh đạo MEC lên tiếng giải trình về sự việc trên và cố gắng trấn an công chúng. Tuy nhiên, đến nay ban lãnh đạo MEC vẫn từ chối đưa ra bất kỳ lời bình luận nào.
Malawi bị xem là một trong những nước nghèo nhất thế giới, từng để xảy ra nhiều vụ bê bối tài chính khổng lồ và bị ví như một chiếc thùng đựng nước đã bị rò rỉ từ lâu. Những thông tin các nguồn quỹ công của đất nước này bị chiếm dụng, thất thoát diễn ra hàng ngày đã không còn xa lạ. Đến nay, Chính phủ Malawi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ tới 146 triệu USD giúp đất nước ngăn chặn nạn chết vì đói hoành hành. Tuy nhiên, việc tham nhũng các nguồn lực công tràn lan như trên đã và đang đánh mất lòng tin của các nhà viện trợ quốc tế, đồng thời ngày càng đẩy Malawi vào con đường tụt hậu./.
Theo Báo Kiểm toán số 44/2015