Toshiba lên kế hoạch thay thế hãng kiểm toán lâu năm PwC

04/05/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tập đoàn Toshiba (Nhật Bản) đang trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán thay thế hãng kiểm toán, sau khi báo cáo lợi nhuận của Tập đoàn này không nhận được chứng nhận kiểm toán.

 
Trong thời gian gần đây, Toshiba và hãng kiểm toán hiện tại PricewaterhouseCoopers (PwC) đã có nhiều bất đồng về một loạt các vấn đề kế toán liên quan đến thua lỗ từ mảng kinh doanh hạt nhân tại nhà máy Westinghouse Electric. Toshiba đã đệ đơn xin phá sản nhà máy Westinghouse tại Mỹ vào tháng trước và bán tài sản của chi nhánh này trong nỗ lực thay đổi bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, 4 kiểm toán viên từ công ty kiểm toán vẫn chưa thống nhất về thông tin kiểm toán, dẫn đến khó khăn trong việc đệ đơn xin phá sản.
 
Do PwC không xác nhận báo cáo thu nhập của Toshiba trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12/2016 nên cuối cùng Toshiba đã phải công bố kết quả kinh doanh cho giai đoạn 9 tháng vào ngày 11/4 mà không có chứng nhận kiểm toán của PwC. Giám đốc điều hành Toshiba Satoshi Tsunakawa cho biết: “Toshiba đã làm mọi việc trong khả năng để nhận được sự đồng tình từ phía các kiểm toán viên. Tuy nhiên, do chưa thấy bất kỳ dấu hiệu có được sự chấp thuận nào nên chúng tôi không thể tiếp tục tình huống bất tiện này, đồng thời do lo lắng cho các nhà đầu tư cũng như cổ đông nên chúng tôi quyết định thực hiện bước đi bất thường là công bố báo cáo kết quả kinh doanh”.
 
Toshiba dự kiến sẽ tạm thời lựa chọn một công ty kiểm toán hạng hai mà việc chỉ định không đòi hỏi sự chấp thuận của cổ đông. Động thái thay thế hãng kiểm toán ngay trước khi công bố doanh thu được kỳ vọng sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) về việc liệu Toshiba sẽ vẫn được niêm yết hay không. Trước đó, TSE đã đưa Toshiba vào trong danh sách báo động sau khi hãng này đã liên tục tuyên bố sai lệch về lợi nhuận giai đoạn 2008-2014. Tháng trước, Toshiba đã đệ trình kế hoạch chi tiết để cải thiện tình trạng kiểm soát nội bộ. Nếu những nỗ lực này không mang lại hiệu quả, Toshiba sẽ bị rút niêm yết trên sàn Tokyo.
 
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Toshiba đã chuyển thành nhà sản xuất đồ điện tử, máy tính, phát triển thành hơn 600 DN khác nhau. Tập đoàn này hiện đang tìm cách bán bớt tài sản để huy động tiền mặt nhằm bù đắp cho sai lầm đối với mảng kinh doanh hạt nhân. Các ngân hàng của Toshiba bao gồm ngân hàng Sumitomo Mitsui, Mizuho, Sumitomo Mitsui vẫn đang hỗ trợ Tập đoàn rất nhiều để cải thiện tình hình và có khả năng trả nợ.
 
(Theo Japan Times và Reuters)
(Báo Kiểm toán số 18/2017)

Xem thêm »