Tanzania: Sumatra yếu kém trong quản lý hoạt động vận tải biển

11/05/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Mới đây trong bản Báo cáo kiểm toán hoạt động của Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Tanzania (CAG) về quản lý các cuộc thăm dò và kiểm tra tàu biển trong vận tải hàng hải nội địa, Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Mussa Assad đã chỉ trích những yếu kém trong năng lực quản lý an toàn vận tải đường biển, nhìn nhận hoạt động kém hiệu quả và không hoàn thành các mục tiêu giảm thiểu tai nạn đề ra tại Cơ quan Quản lý vận tải đường biển và tàu biển Tanzania (Sumatra).

 
Quản lý an toàn trong vận tải biển rất quan trọng, nếu quản lý tốt có thể giảm thương tích và mất mát tài sản thông qua giảm thiểu sự cố. Tại Tanzania, Sumatra là đơn vị chính được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện quản lý an toàn vận tải biển bằng các cuộc thăm dò và kiểm tra tàu biển, hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Công trình và Giao thông vận tải Tanzania. Công tác kiểm tra của Sumatra nhằm mục đích xác định tình trạng hiện tại, khả năng đi biển trong điều kiện thiết kế, những công tác bảo dưỡng, sửa chữa cần thực hiện trong tương lai, nhằm mục tiêu tăng cường sự tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn vận tải biển.
 
Nhiều tàu thuyền không an toàn vẫn tham gia lưu thông
 
Cuộc kiểm toán bao trùm 5 năm tài chính từ năm 2012 đến 2016 - đây là giai đoạn Sumatra thực hiện kế hoạch chiến lược thứ hai của đơn vị nhằm loại bỏ hoàn toàn tai nạn và sự cố đối với tàu lớn và giảm 50 tai nạn mỗi năm đối với tàu nhỏ. Tuy nhiên trong giai đoạn này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn hàng hải hơn dự kiến. Trên cơ sở những rủi ro dẫn tới tai nạn xảy ra và các sự cố trên biển do lơ là trong công tác kiểm tra tàu biển, CAG thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động về cách thức quản lý các cuộc thăm dò, kiểm tra tàu thuyền của Sumatra và Bộ Công trình và Giao thông vận tải Tanzania để xác định xem Sumatra có lập kế hoạch đầy đủ cho các cuộc kiểm tra tàu thuyền hay không. Đồng thời đánh giá việc thực hiện các kế hoạch kiểm tra, mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn vận tải biển trong các cuộc kiểm tra của Sumatra, tập trung tại 3 khu vực chính Dar-es-Salaam, Mwanza và Tanga - là những vùng tập trung nhiều hoạt động vận tải biển ở Tanzania.
 
Bản báo cáo của CAG công bố hôm 30/4 cho thấy, nhiều tàu thuyền trang bị lạc hậu, xuống cấp và ở điều kiện thiếu an toàn có nguy cơ tai nạn cao gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của hành khách vẫn thường xuyên được sử dụng để vận chuyển hành khách trên các sông hồ, hầu hết các tàu không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc. Trong các phát hiện của cuộc kiểm toán, CAG cũng ghi nhận Sumatra không thực hiện việc lập cơ sở dữ liệu để tạo thuận lợi cho việc đăng ký của các tàu nhỏ, hay việc thực hiện các cuộc kiểm tra tàu thuyền không dựa trên đánh giá rủi ro.
 
Một số khuyến nghị của CAG
 
Để đảm bảo tất cả các tàu nhỏ được cấp phép, đăng ký kịp thời và cơ sở dữ liệu được thiết lập và duy trì, CAG cho rằng Sumatra cần đánh giá năng lực của nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trong phạm vi trách nhiệm nhằm làm rõ những lĩnh vực mà Sumatra cần điều chỉnh. Sumatra cần xây dựng hệ thống tài liệu lưu giữ các hoạt động hàng hải trên máy tính, như: đăng ký tàu, hồ sơ thăm dò, kiểm tra các tàu lớn và nhỏ, các dữ liệu về hành vi vi phạm và không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn của các tàu, thuyền… Đồng thời tạo ra văn hoá kiểm tra tốc độ tàu, đặc biệt là các tàu chạy giữa Dar-es Salaam và Zanzibar để giảm thiểu sự cố, tai nạn có thể xảy ra.
 
Bên cạnh đó, Sumatra cũng cần thiết lập cơ chế phối hợp với Bộ Thủy sản để đưa các tàu cá vào diện kiểm tra, đánh giá; đảm bảo các thanh tra viên phải có năng lực, được đào tạo đáp ứng yêu cầu của ngành và đủ số lượng thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ. Theo CAG, Bộ Công trình và Giao thông vận tải Tanzania cần tăng cường năng lực và nhân lực trong giám sát việc thực hiện trách nhiệm của Sumatra. Bộ cũng cần ưu tiên xây dựng cơ chế báo cáo phù hợp, đảm bảo việc cung cấp thông tin từ Sumatra về công tác quản lý an toàn trong vận tải biển.
 
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2015, 2/3 số trường hợp tử vong liên quan đến tai nạn tàu thuyền trong giai đoạn từ 2000-2014 là ở các nước Bangladesh, Tanzania, Indonesia, Senegal và Philippines. Trong đó, Tanzania chiếm tới 15 tỷ lệ tử vong do tai nạn lật thuyền, chìm phà. Hầu hết các vụ tai nạn này đều do sự lơ là trong thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
 
(Nguồn: All Africa và Daily News)
(Báo Kiểm toán số 19/2017)

Xem thêm »