Đề cương kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 giai đoạn 2021-2023”

25/03/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Mới đây, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 507/QĐ-KTNN về việc ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 giai đoạn 2021-2023” (Đề cương). Đề cương hướng dẫn Đoàn kiểm toán thu thập các thông tin cơ bản về hệ thống kiểm soát nội bộ (HTKSNB) của các đơn vị được kiểm toán, qua đó, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và trọng yếu, xác định mục tiêu, giới hạn, phạm vi, nội dung, thủ tục kiểm toán.

Theo Đề cương, tất cả các Đoàn kiểm toán phải tiến hành đánh giá HTKSNB của các đơn vị được kiểm toán trên cơ sở thông tin thu thập được trong quá trình khảo sát lập kế hoạch kiểm toán (KHKT) của đoàn kiểm toán và các hiểu biết về đơn vị được kiểm toán nhằm xác định phạm vi kiểm toán phù hợp và đạt được các mục tiêu kiểm toán của cuộc kiểm toán.

 Tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng đơn vị được kiểm toán, các đoàn kiểm toán có những đánh giá tính đầy đủ và hiệu lực của HTKSNB của đơn vị.

Các vấn đề của HTKSNB cần được đánh giá bao gồm môi trường kiểm soát; rủi ro trong hoạt động; hệ thống thông tin và hoạt động kiểm soát của đơn vị.

Trên cơ sở thông tin thu thập được và kết quả phân tích, đánh giá thông tin thực tế, các Đoàn kiểm toán thực hiện đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và trọng yếu kiểm toán như sau:

Rủi ro có sai sót trọng yếu

a) Rủi ro tiềm tàng

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW trên diện rộng (tại tất cả các bộ, cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) với nhiều mục tiêu tổng quát, cụ thể, nhiều nội dung, công việc nên tiềm ẩn các rủi ro tiềm tàng có thể có sai sót trọng yếu như:

- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại các đơn vị không đồng bộ theo lộ trình đã đề ra dẫn đến khó khăn trong việc đưa ra nhận xét, đánh giá một cách thống nhất về cùng một nội dung, nhiệm vụ.

- Cùng một nội dung, nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và các văn bản hướng dẫn có liên quan nhưng các đơn vị có thể có các cách hiểu khác nhau từ đó triển khai thực hiện khác nhau.

- Trình độ năng lực, chuyên môn của đội ngũ quản lý khác nhau dẫn đến những kết quả khác biệt khi thực hiện nhiệm vụ đề ra của Nghị quyết số 19-NQ/TW và các văn bản của Chính phủ.

- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn bản có liên quan diễn ra đồng thời với quá trình thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của từng đơn vị, trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức sau đại dịch Covid-19 nên có thể ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện. 

- Một trong những mục tiêu của Nghị quyết là việc nâng cao mức độ tự chủ của các ĐVSNCL, giảm số chi NSNN cho các ĐVSNCL dẫn đến tâm lý lợi dụng việc chưa đồng bộ của hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định từ trung ương đến địa phương để trì hoãn thời gian thực hiện.

b) Rủi ro kiểm soát

Các rủi ro kiểm soát có sai sót trọng yếu đối với quá trình thực hiện Nghị quyết có thể xảy ra gồm:

- Việc thực hiện Nghị quyết có nhiều nội dung nhiệm vụ, thực hiện tại nhiều đơn vị nên quá trình kiểm soát của các cơ quan, bộ phận chức năng có thể không bao quát hết được dẫn đến sai sót chưa được nhận diện, phát hiện qua kiểm tra, kiểm soát của hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm soát từ bên ngoài.

- Hệ thống các văn bản được các cơ quan chức năng, các cấp ban hành để thực hiện Nghị quyết chưa đầy đủ, đồng bộ dẫn đến khó kiểm soát, đánh giá được quá trình triển khai Nghị Quyết tại các đầu mối, đơn vị được kiểm toán.

- Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các sai sót trong chậm triển khai thực hiện, chậm đạt được các kết quả theo các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Nghị quyết chưa được quyết liệt và nghiêm minh nên dẫn đến tính hiệu lực của việc thực hiện Nghị quyết chưa cao.

Trọng yếu kiểm toán

a) Tại các Bộ, cơ quan trung ương

- Công tác tham mưu, xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn, kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các quy định của Chính phủ tại các bộ, cơ quan trung ương cũng như cho các lĩnh vực QLNN của các bộ, cơ quan trung ương đối với các địa phương.

- Kết quả, mức độ đạt được các mục tiêu, các nhiệm vụ đến năm 2021 và các kết quả đạt được để hướng đến mục tiêu năm 2025 theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và các quy định của Chính phủ, của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến thời điểm kiểm toán (như: Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL; quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công;...).

- Tính hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các quy định của Chính phủ trong giai đoạn được kiểm toán.

b) Tại các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đảm bảo theo chủ trương của cấp thẩm quyền và công tác quản lý biên chế.

- Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công.

Trong đó lưu ý: Việc chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần; Đẩy mạnh việc chuyển đổi các ĐVSNCL sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư, chi thường xuyên.

- Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu.

- Công tác tham mưu ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.

- Việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước (trình tự, thủ tục, tính đúng đắn, thẩm quyền ban hành).

- Đánh giá tác động, hiệu lực, hiệu quả của việc tái cơ cấu ĐVSNCL.

c) Tại các đơn vị sự nghiệp

- Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW tại đơn vị.

- Kết quả, mức độ đạt được các mục tiêu, các nhiệm vụ đến năm 2021 và các kết quả đạt được để hướng đến mục tiêu năm 2025 của quá trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, các quy định của Chính phủ, của các bộ, cơ quan trung ương tại ĐVSNCL đến thời điểm kiểm toán (như: Quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; việc nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL).

- Tính hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các quy định của Chính phủ, của các bộ, cơ quan trung ương tại các ĐVSNCL trong giai đoạn được kiểm toán, trong đó chú trọng mức độ tự chủ đạt được sau khi đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Mục tiêu kiểm toán

Chuyên đề kiểm toán có các mục tiêu như sau:

- Đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật, các quy định cụ thể của trung ương và địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tính hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

- Chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động của đơn vị; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập, còn chưa đầy đủ để thực hiện một cách toàn diện Nghị quyết số 19-NQ/TW; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, đúng đắn và kịp thời theo tiến độ đã đề ra của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Giới hạn kiểm toán

Chỉ kiểm toán kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chính sách theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng đắn của các báo cáo.
Tùy theo tình hình khảo sát thực tế, các Đoàn kiểm toán sẽ xác định giới hạn và trình lãnh đạo KTNN phê duyệt giới hạn của KHKT ngoài các giới hạn kiểm toán nêu trên.

Phạm vi kiểm toán

Thời kỳ được kiểm toán

Giai đoạn 2021-2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Đơn vị được kiểm toán

- Đơn vị kiểm toán tổng hợp: Tại các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (được xác định theo Kế hoạch kiểm toán năm 2024 ban hành kèm theo Quyết định số 1446/QĐ-KTNN ngày 01/12/2023 của Tổng KTNN ((i) Các Bộ: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; (ii) Các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu) và các Đoàn kiểm toán sẽ xác định đầu mối cụ thể kiểm toán tổng hợp của các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình khảo sát thực tế).

- Đối với các đơn vị kiểm toán chi tiết: Các ĐVSNCL trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các Đoàn kiểm toán sẽ xác định cụ thể căn cứ tình hình khảo sát thực tế).

- Các đơn vị kiểm tra, đối chiếu số liệu: Căn cứ tình hình thực tế, các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực chủ động báo cáo xin ý kiến Lãnh đạo KTNN về đơn vị kiểm tra, đối chiếu theo quy định tại Quyết định số 1536/QĐ-KTNN ngày 12/12/2023 của Tổng KTNN để tiến hành kiểm tra, đối chiếu việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW (trong đó tập trung đánh giá việc sắp xếp, tổ chức lại (thành lập mới, cơ cấu lại, giải thể, sáp nhập,…) các ĐVSNCL và phân loại các ĐVSNCL dựa trên mức độ tự chủ thông qua việc kiểm tra, đánh giá hoạt động thu chi sự nghiệp của các ĐVSNCL giai đoạn 2021-2023).

Để đạt được các mục tiêu kiểm toán, Đề cương hướng dẫn cụ thể các nội dung, thủ tục kiểm toán tại các đơn vị, phương án tổ chức các đoàn kiểm toán và mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán./.

Quyết định số 507/QĐ-KTNN 

Hà Linh

Xem thêm »