Vị trí và chức năng
Vụ Tổ chức cán bộ là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có chức năng tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quản lý và tổ chức thực hiện công tác tổ chức bộ máy, biên chế và tiền lương, công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ của Kiểm toán Nhà nước.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trong công tác tổ chức bộ máy, Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quản lý tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước thực hiện các quy định của Nhà nước và của Kiểm toán Nhà nước về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị;
b) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước đề án phát triển tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước để trình cấp có thẩm quyền ban hành;
c) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước các phương án thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức thuộc thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước;
d) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành các qui định hoặc sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước;
đ) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước tham gia các vấn đề thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan khi được yêu cầu.
2. Trong công tác biên chế và tiền lương, Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quản lý biên chế và tiền lương của Kiểm toán Nhà nước;
b) Lập kế hoạch hàng năm về biên chế cán bộ, công chức và quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Chủ trì xây dựng các văn bản quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của chức danh lãnh đạo các cấp, tiêu chuẩn các ngạch kiểm toán viên nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành;
d) Xây dựng kế hoạch tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước theo quy định của pháp luật trình Tổng Kiểm toán Nhà nước và tổ chức thực hiện sau khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt; quản lý việc cấp thẻ kiểm toán viên nhà nước; thống nhất quản lý về số hiệu, mã hiệu, biển hiệu cán bộ, công chức do Kiểm toán Nhà nước quản lý;
đ) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện các qui định của Nhà nước về quản lý các ngạch công chức, về tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, thi nâng ngạch của Kiểm toán Nhà nước;
e) Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện các qui định của Nhà nước về quản lý biên chế, tiền lương; trình Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định việc xếp ngạch, chuyển ngạch, nâng ngạch, nâng bậc lương và phụ cấp lương theo qui định của Nhà nước;
g) Tổ chức thực hiện công tác báo cáo thống kê về biên chế, tiền lương theo qui định của Nhà nước.
3. Trong công tác cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước;
b) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định về kế hoạch tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước phù hợp với nhiệm vụ được giao;
c) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành các qui định về quản lý và phân cấp quản lý cán bộ phù hợp với qui định của Nhà nước và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện trong toàn ngành;
d) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước tuyển dụng, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ theo qui định của Nhà nước và phân cấp của Tổng Kiểm toán Nhà nước;
đ) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác đánh giá cán bộ, công chức hàng năm; đánh giá cán bộ, công chức làm căn cứ để để tuyển chọn, bố trí sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức theo qui định của Nhà nước;
e) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định cử công chức đi học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu, khảo sát ở trong nước và ngoài nước;
g) Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức theo phân cấp quản lý cán bộ của Tổng Kiểm toán Nhà nước và theo quy định của Nhà nước; hướng dẫn các đơn vị được phân cấp quản lý cán bộ thực hiện các qui định của Nhà nước về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức;
h) Đề nghị các đơn vị báo cáo đột xuất và định kỳ về công tác quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp quản lý cán bộ của Tổng Kiểm toán Nhà nước;
i) Thực hiện công tác thống kê, báo cáo về nhân sự theo qui định và phục vụ công tác lãnh đạo.
4. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quản lý thống nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước;
b) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước;
c) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm, 5 năm và chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức 10 năm;
d) Phối hợp với Trung tâm Khoa học và bồi dưỡng cán bộ tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước theo kế hoạch đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt;
đ) Tham gia thẩm định và xét duyệt nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; nội dung, chương trình bồi dưỡng nâng ngạch kiểm toán viên;
e) Thống kê và báo cáo về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong toàn ngành;
g) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước lập và phân bổ kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm; quản lý việc sử dụng, quyết toán các khoản kinh phí nói trên.
5. Trong công tác kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước theo dõi, nắm tình hình cán bộ, công chức ở các đơn vị trực thuộc, kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước;
b) Giúp Tổng Kiểm toán nhà nước kiểm tra việc thực hiện các quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước và của Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, quản lý nhân sự và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong toàn ngành;
c) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước và của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, quản lý nhân sự và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
d) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;
đ) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Kiểm toán Nhà nước;
e) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và các quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
6. Phối hợp với Ban Bảo vệ chính trị nội bộ giúp Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước xây dựng, quản lý về tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ;
7. Quản lý cán bộ, công chức và người lao động theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Tổng Kiểm toán Nhà nước; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, văn thư, lưu trữ, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học của đơn vị theo quy định của Nhà nước và của Tổng Kiểm toán Nhà nước; định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước kết quả công tác của đơn vị; quản lý các trang thiết bị của đơn vị;
8. Thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn khác khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao hoặc uỷ quyền.
(Trích theo Quyết định số 591/QĐ-KTNN ngày 02/8/2006 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)