Kiểm toán nhà nước xây dựng phương án bồi dưỡng kiến thức cho các địa phương

03/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 3/5, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đã chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường), KTNN khu vực XI và Vụ Tổng hợp, cho ý kiến về phương án tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các địa phương.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng chủ trì cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường cho biết, sau khi nghiên cứu thực trạng những khó khăn vướng mắc bất cập trong hoạt động quản lý của 4 tỉnh thuộc địa bàn kiểm toán của KTNN khu vực XI tại công văn số 160/KVXI-VP, Trường đã xây dựng phương án tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các địa phương, trước mắt sẽ thực hiện tập huấn, bồi dưỡng cho các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Chương trình tập huấn dự kiến sẽ tập trung vào 05 nội dung, gồm: Giải pháp vướng mắc về thủ tục hồ sơ trong việc tính toán trượt giá đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; Giải pháp về công tác quản lý nhà nước về đất công ích, tài nguyên khoáng sản; Quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí thường xuyên được sử dụng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình dự án đã được đầu tư; Công tác quản lý tài chính, tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh; Quản lý tài chính, hướng dẫn quy trình, thủ tục, trình tự mua sắm, thanh lý, ghi tăng, giảm tài sản cố định; đấu thầu mua sắm tài sản công với các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3.

Trên cơ sở 5 nội dung tập huấn, Trường đề xuất chia thành 04 khóa đào tạo, tập huấn gắn với từng đối tượng tham gia cụ thể. Mỗi khóa kéo dài từ 1 đến 2 ngày, tùy thuộc vào nội dung của các chuyên đề giảng dạy.
 
Quang cảnh cuộc họp
 

Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, nội dung chương trình đào tạo, tập huấn nên tập trung vào 03 nội dung chính là tài chính ngân sách, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, Trường cũng cần xác định cụ thể đối tượng đào tạo của mình là gì, từ đó xây dựng chương trình cho phù hợp.

Theo ông Đoàn Chiến Thắng - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI, chương trình tập huấn có thể xây dựng theo hướng đào tạo một nội dung mang tính khái quát, bao trùm những lĩnh vực địa phương quan tâm. Đối với những nội dung mang tính chuyên sâu, sẽ lựa chọn những vấn đề trọng yếu nhất để trao đổi tại khóa tập huấn.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đề xuất nghiên cứu, xây dựng riêng một chuyên đề tập huấn chung cho tất cả các địa phương. Đối với những khóa đào tạo, tập huấn tại mỗi địa phương, Trường sẽ căn cứ nhu cầu của từng địa phương để xây dựng các chuyên đề cụ thể, phù hợp.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, đồng thời nhấn mạnh, việc triển khai tổ chức thành công các khóa bồi dưỡng kiến thức cho địa phương sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của KTNN nói chung cũng như của Trường nói riêng.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, vấn đề quan trọng nhất là phải xác định được nội dung đào tạo tại khóa tập huấn. Do đó, Trường cần nghiên cứu kỹ, xác định cụ thể hơn nữa nhu cầu của địa phương, đồng thời, khẩn trương phối hợp với Vụ Tổng hợp lựa chọn những nội dung cơ bản, quan trọng nhất trong các lĩnh vực: tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai tài nguyên khoáng sản, để xây dựng chương trình đào tạo, coi đó là "xương sống" để có thể triển khai các nội dung liên quan...

Về thời gian đào tạo, tập huấn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, khóa tập huấn sẽ kéo dài từ 2,5 đến 3 ngày. Trong đó, 2 ngày đầu sẽ tập trung bồi dưỡng những nội dung khái quát, tổng thể liên quan đến nhu cầu của địa phương, dành cho tất cả các đối tượng muốn tham gia. Thời gian còn lại, sẽ tổ chức thành các nhóm chuyên đề nhỏ, phù hợp với các đối tượng thực hiện công tác chuyên môn chuyên sâu. "Tại mỗi buổi học, bên cạnh việc học lý thuyết, cần dành thời lượng cho chuyên gia và học viên tương tác, trao đổi trực tiếp về các nội dung tập huấn" - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước giao: Trường là đầu mối tổ chức; Các KTNN khu vực hỗ trợ cung cấp thông tin nhu cầu đào tạo của địa phương đồng thời, là đơn vị phối hợp với Trường để tổ chức thành công các khóa đào tạo, tập huấn trong thời gian tới./.

Tin và ảnh: M. Thúy
 

Xem thêm »