Slovakia: Thiếu nguồn tài chính để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng xanh

24/04/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Các dự án xanh tại Slovakia được thực hiện nhờ quỹ châu Âu đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều đô thị, tuy nhiên, các dự án đang phải đối mặt với một số vấn đề khó giải quyết. Đây là kết luận của Kiểm toán nhà nước Cộng hòa Slovakia (SAO) sau khi thực hiện cuộc kiểm toán tại nhiều thành phố, thị trấn.

Các dự án xanh của Slovakia giúp cải thiện cuộc sống tại các đô thị. Ảnh: ST

Nhiều khó khăn nổi cộm

Những năm gần đây, tỷ lệ không gian xanh công cộng ở các thành phố và thị trấn của Slovakia đã tăng lên, nhưng mức tăng vẫn còn khá khiêm tốn. Theo kế hoạch đề ra, Slovakia đặt mục tiêu tỷ lệ không gian xanh ở các đô thị tăng 3,1% trong năm 2023; tuy nhiên thực tế, tỷ lệ này chỉ đạt mức 1%. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do thời gian xin cấp các khoản hỗ trợ tài chính không hoàn lại (NFP) cho các dự án xanh bị kéo dài. Trung bình phải mất tới 168 ngày để các cơ quan có thẩm quyền đánh giá mỗi hồ sơ xin cấp NFP.

Qua cuộc kiểm toán được thực hiện gần đây nhất, SAO cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023, tổng số 126 hợp đồng hỗ trợ NFP đã được ký kết; trong đó, hơn 2/3 số dự án đã hoàn thành, tỷ lệ sử dụng NFP vượt 70%. Trong cuộc kiểm toán này, SAO đã lựa chọn kiểm toán 13 đô thị được cung cấp NFP nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng xanh.

Các kiểm toán viên chỉ ra rằng, chính quyền các đô thị của Slovakia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, một trong số đó là vấn đề thiếu nguồn tài chính để thực hiện và duy trì các dự án cơ sở hạ tầng xanh. Tài chính là yếu tố ngày càng được quan tâm hơn trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng xấu đi.

SAO cũng chỉ trích việc Bộ Nông nghiệp Slovakia, nay là Bộ Đầu tư, Phát triển khu vực và Thông tin hóa Slovakia (MIRRI) và các cơ quan quản lý cấp cao với tư cách là những nhà cung cấp NFP đã không theo dõi, giám sát đầy đủ tính bền vững của các dự án. Các cơ quan này đã không tiến hành kiểm tra thực địa và việc giám sát thường chỉ diễn ra trên “kế hoạch”.  

Ông Jaroslav Ivančo - Phó Chủ tịch SAO - cho rằng: “Những báo cáo của MIRRI không chứa thông tin chính xác và đầy đủ về tình trạng của các dự án. Việc gửi báo cáo giám sát mà không có đánh giá thực tế về tình trạng dự án là một công cụ kiểm soát không hiệu quả, không đảm bảo tính bền vững của các dự án”.

Ngoài ra, SAO cũng nhận thấy sự khác biệt lớn về giá của các hạng mục ở nhiều thành phố. Nhiều hạng mục của các dự án tương tự nhưng có mức giá chênh lệch nhau rất nhiều. Phó Chủ tịch SAO cho rằng: Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do các nhà cung cấp NFP không đưa ra giới hạn giá cho từng hạng mục. Những khoản chênh lệch giá lớn đã ảnh hưởng gián tiếp đến việc sử dụng công quỹ.

Cần xây dựng các kế hoạch chiến lược mới

Theo Chiến lược chính sách môi trường của Cộng hòa Slovakia đến năm 2030, việc xây dựng cơ sở hạ tầng xanh là một trong những việc giúp ngăn ngừa những hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Các giải pháp xanh được hy vọng sẽ tăng cường các yếu tố tự nhiên, nhờ đó cải thiện chất lượng môi trường ở các thành phố và thị trấn.

Tổng cộng 40,78 triệu euro từ các nguồn của quỹ châu Âu đã được phân bổ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng xanh tại Slovakia, tính đến cuối tháng 6/2023 đã được sử dụng hết hơn 29 triệu euro.

Qua kiểm toán, SAO nhận thấy, các dự án đều được thực hiện theo mục tiêu đề ra; tuy nhiên, các thành phố vẫn thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án xanh. Thực tế, các đô thị hiếm khi thực hiện những dự án này bằng ngân sách của họ. Trong hầu hết các trường hợp được kiểm toán, chỉ các nguồn vốn từ Liên minh châu Âu, ngân sách nhà nước hoặc các khoản trợ cấp khác được cấp cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh.

Phó Chủ tịch SAO Jaroslav Ivančo cho biết: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng xanh ở các đô thị và thành phố góp phần tạo ra không gian xanh cho người dân, giúp nâng cao khả năng chống ồn, chống bụi, giúp cải thiện khí hậu; từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án này vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.

Do đó, SAO đã kiến nghị Ủy ban Hành chính công và Phát triển khu vực của Quốc hội yêu cầu MIRRI ban hành các thủ tục, hướng dẫn về phương pháp luận, thực hiện kiểm soát nội bộ; theo dõi, giám sát đầy đủ tính bền vững của các dự án.

SAO nhấn mạnh, việc thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang trở thành một mục tiêu không thể thiếu trong hoạt động của chính quyền các địa phương. Do đó, các đô thị và thành phố cần xác định những hậu quả bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu khi xây dựng các kế hoạch chiến lược mới. Cơ sở hạ tầng xanh cần trở thành một phần tiêu chuẩn trong quy hoạch không gian và lãnh thổ ở mọi địa phương./.

(Theo SAO và tổng hợp)

Xem thêm »