Kiểm toán nhà nước tư vấn hoàn thiện công tác quản lý Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

02/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Trong những tháng đầu năm 2024, một số nội dung kiểm toán thuộc “Chuyên đề công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội” tiếp tục được thực hiện nhằm hoàn thành cuộc kiểm toán, đưa ra những đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, những kết quả kiểm toán đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra từ cuối năm 2023 đã có nhiều điều đáng chú ý.

Thực hiện dự án chậm, giải ngân vốn đạt tỷ lệ thấp

Theo KTNN, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, bắt nhịp với đà phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn, trợ giúp an sinh xã hội.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tối đa 176 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.

Qua kết quả kiểm toán tính đến tháng 9/2023, KTNN đánh giá, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ, dự án cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong 02 năm 2022-2023 là 130.217,78 tỷ đồng (không bao gồm cấp bù chênh lệch lãi suất 2%/năm và cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội) với 01 nhiệm vụ và 264 dự án, đạt 99% so với hạn mức vốn nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã tích cực chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền và trách nhiệm được phân công tại Chương trình. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình rất chậm so với yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo hoàn thành trong năm 2022, 2023. Kết quả thực tế cho thấy, đến ngày 30/6/2023, các dự án thuộc chính sách đầu tư phát triển mới chỉ thực hiện giải ngân được 24.143 tỷ đồng, đạt 18,4% so với tổng số vốn đã giao.

Trong tổng số 219 dự án được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn để hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, có 50 dự án chậm so với mốc yêu cầu. Đến ngày 28/6/2022, còn 25 dự án thuộc các Bộ, địa phương chưa được đề xuất giao vốn.

Đáng chú ý, có tới 50 dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định.

Cũng đến cuối tháng 6/2023, còn lại 45 dự án mới được Quốc hội đồng ý phân bổ 13.369,5 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đủ thủ tục đầu tư; có 04 dự án không được Quốc hội tiếp tục phân bổ vốn; 01 dự án được Quốc hội cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn đối ứng của địa phương chưa phù hợp với tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW), cụ thể tổng số vốn NSTW đã được phân bổ 81.801/116.848 tỷ đồng đạt 70% nhưng tổng số vốn ngân sách địa phương mới chỉ bố trí là 422,6/17.436 tỷ đồng đạt 2,4%, đặc biệt tại một số dự án đường bộ cao tốc có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, số vốn ngân sách địa phương bố trí là 0%.

Tính đến ngày 30/6/2023, lũy kế giải ngân của các dự án là 24.143,507 tỷ đồng, chỉ đạt 18,4% so với tổng vốn đã giao cho các dự án thuộc Chương trình; còn 21 dự án chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn năm; 59 dự án có số giải ngân đến thời điểm kiểm toán là 0%; chính sách cấp bù lãi suất 5.000 tỷ đồng giải ngân đạt 22,9%, chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) 40.000 tỷ đồng giải ngân đạt 0,7%.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị đối với 02 dự án đầu tư được kiểm toán chi tiết tại 02 địa phương, cần xử lý tài chính số tiền 5,2 tỷ đồng (gồm thu hồi nộp NSNN hơn 520 đồng; giảm dự toán, giảm thanh toán 4,68 tỷ đồng); rà soát, giảm giá trị hợp đồng còn lại 294,7 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác 631,8 triệu đồng.

KTNN đưa ra nhiều kiến nghị và ý kiến tư vấn quan trọng

Đưa ra kiến nghị đối với Bộ KHĐT, KTNN yêu cầu phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những hạn chế, tồn tại như tham mưu việc thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.

Bộ KHĐT chưa đề xuất cụ thể danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế trong báo cáo và Tờ trình của Chính phủ gửi tới Quốc hội mà chỉ xác định được các địa phương, các tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện, viện cấp trung ương cần đầu tư; chưa có báo cáo dự báo những khó khăn trong công tác hoàn thiện thủ tục, thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với những dự án chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn trong quá trình tổng hợp trước khi bố trí cho 255/264 dự án này dẫn đến chậm triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình.

Chậm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc phân cấp ủy quyền cho UBND cấp tỉnh đủ năng lực kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thực đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình; ban hành hướng dẫn còn chậm và chưa cụ thể để các Bộ, cơ quan xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền.

Đối với Bộ Tài chính, KTNN yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chưa kịp thời tham mưu, hướng dẫn các đơn vị theo dõi, tổng hợp số giải ngân năm 2022 thuộc nguồn vốn của Chương trình. Đồng thời, cần tiếp tục phối hợp với Bộ KHĐT nghiên cứu tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến quyết định đối với việc tổng hợp theo dõi số giải ngân nguồn vốn của Chương trình được giao năm 2022 và số giải ngân nguồn vốn của Chương trình điều chỉnh với nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, đưa ra ý kiến tư vấn về các giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý Chương trình, KTNN cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng tiêu chí về năng lực của các địa phương được phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong trường hợp cần thiết ban hành để làm căn cứ cơ sở giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện nhằm chuẩn hóa năng lực của các đơn vị, đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai thực hiện các dự án.

KTNN cũng tư vấn nên nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn được nêu trong cơ chế đặc thù về chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 báo cáo Chính phủ xem xét nếu cần thiết trong phạm vi thẩm quyền ban hành hướng dẫn.

Bên cạnh đó, cần rà soát, đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ vốn năm cho các dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để giao vốn triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành dự án cũng như giải ngân nguồn vốn của Chương trình; đôn đốc các địa phương kịp thời bố trí và giải ngân nguồn vốn đối ứng tương ứng tỷ lệ nguồn vốn đã cam kết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và xem xét xử lý theo quy định đối với việc chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư dẫn đến thực hiện dự án chậm, giải ngân vốn đạt tỷ lệ thấp./.

Hồng Thoan

Xem thêm »