(sav.gov.vn) - Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, từ năm 2027, mức thuế tuyệt đối áp dụng với mặt hàng thuốc lá điếu là 2.000 đồng/bao. Mức thuế này sẽ tăng lên theo lộ trình từng năm và đạt mức 10.000 đồng/bao vào năm 2031.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với mắt hàng thuốc lá theo Điều 8 Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua.
Quyết định nâng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 10.000 đồng cho mỗi bao thuốc lá điếu từ ngày 01/01/2031 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, khóa XV, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách kiểm soát tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Đây là bước đi kịp thời, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt được coi là một công cụ quan trọng trong việc điều tiết tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia, nước ngọt có đường...
Trong các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, bên cạnh mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt còn đóng vai trò bổ sung nguồn lực tài chính cho ngân sách quốc gia để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh tỷ lệ người hút thuốc ở nước ta vẫn ở mức đáng lo ngại, đặc biệt là nam giới, việc sử dụng công cụ thuế được coi là một trong những giải pháp can thiệp hiệu quả và cấp thiết. Theo số liệu điều tra mới nhất của Bộ Y tế, có đến 15 triệu người trưởng thành tại Việt Nam đang hút thuốc lá. Mỗi năm, khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ước tính, nếu không có biện pháp can thiệp mạnh, số ca tử vong hàng năm có thể tăng lên.
“Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá sẽ rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới, khi những người hút thuốc hiện nay phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá” - bà Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cảnh báo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, tăng giá thông qua thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, chính sách thuế lại tạo ra thay đổi rõ rệt trong hành vi mua và sử dụng. Việc tăng thuế lần này của Chính phủ nằm trong chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2045. Không chỉ nhằm giảm số lượng người hút thuốc, chính sách này còn góp phần giảm gánh nặng y tế, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí điều trị bệnh tật liên quan đến thuốc lá như ung thư phổi, bệnh tim mạch, đột quỵ...
Việc áp mức thuế tuyệt đối 10.000 đồng/bao từ năm 2031 không chỉ mang ý nghĩa tài chính mà còn được kỳ vọng sẽ làm tăng giá bán lẻ thuốc lá, từ đó giảm khả năng tiếp cận của người tiêu dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp – những nhóm dễ bị tổn thương nhất trước cám dỗ của các sản phẩm gây nghiện.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng các sản phẩm này từ ngày 01/01/2025. Điều này thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trước những tác hại ngày càng rõ ràng của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Nguyễn Hồng