Tham gia Đoàn công tác của KTNN có: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Hoàng Linh, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Phan Trường Giang.
Theo Kế hoạch, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Đoàn sẽ tham dự các phiên của Hội nghị của UNCTAD trong ba ngày từ ngày 05-07/12/2022 và làm việc với Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 9-13/12/2022.
Trong quá trình tham gia Hội nghị của UNCTAD, Đoàn sẽ nghe và tham khảo các bài trình bày và thảo luận từ các tổ chức, cá nhân có nhiều kinh nghiệm trên thế giới về các chủ đề nóng, quan tâm chung của toàn thế giới hiện nay, như “Khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển - bình thường mới hay đã đến thời điểm để giảm thiểu nợ đáng kể?”; “Giải pháp ứng phó với khủng hoảng nợ: Kinh nghiệm học tập gần đây từ các nước đang phát triển”. Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 3 trong ngày đầu tiên của Hội nghị, 5/12/2022, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh chủ đề “Kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng nợ công tại Việt Nam”.
Bên lề Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ có cuộc gặp xã giao với Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký của UNCTAD để trao đổi về các vấn đề quan tâm chung cũng như triển vọng hợp tác giữa hai Cơ quan trong thời gian tới.
UNCTAD là cơ quan liên chính phủ thường trực do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1964, trụ sở chính được đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. UNCTAD cũng đặt văn phòng tại New York và Addis Ababa (Ethiopia). UNCTAD là một bộ phận của Ban Thư ký Liên hợp quốc, báo cáo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Kinh tế và Xã hội, nhưng có thành viên, ban lãnh đạo và ngân sách riêng. Hiện nay, Cơ quan này là tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc hệ thống Liên hợp quốc.
Mục đích chung của UNCTAD là thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói riêng của tất cả các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển. UNCTAD hướng vào những mục tiêu cụ thể là đảm bảo sự phát triển hài hoà về các mặt: Thương mại, vận tải, viện trợ, tài chính và kỹ thuật; trong đó việc phát triển thương mại là mục tiêu quan trọng.
Hội nghị về Quản lý nợ của UNCTAD là một diễn đàn được tổ chức định kỳ hai năm một lần để chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi quan điểm giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế, giới học giả và xã hội dân sự về những diễn biến hiện nay trong tình hình nợ ở các nước đang phát triển và các vấn đề quản lý nợ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô rộng lớn hiện nay. Hội nghị tập hợp các nhà quản lý nợ quốc gia cấp cao từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về một số chủ đề quan tâm nhất trong lĩnh vực này. Trong Hội nghị lần thứ 2 tổ chức vào tháng 11/2019, UNCTAD đã thu hút được 350 đại biểu từ hơn 100 quốc gia, cũng như đại diện cấp cao của quốc tế, khu vực và các tổ chức khác tham gia Hội nghị.
Tiếp theo các hoạt động tại UNCTAD, nhận lời mời của Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ Metin Yener, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Đoàn công tác của KTNN sẽ có chuyến thăm và làm việc với Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp, thực chất đã được gây dựng và bồi đắp trong những năm qua. Trong quá trình làm việc tại đây, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ có buổi tiếp xúc song phương cấp cao với người đồng cấp, Chủ tịch Tòa Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ Metin Yener để trao đổi về tình hình hoạt động nổi bật của hai Cơ quan, nhìn nhận, đánh giá lại tiến trình hợp tác giữa hai Bên, đồng thời mở ra những định hướng hợp tác chiến lược trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm và làm việc với Tòa thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến ngày 12/12/2022, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Đoàn công tác sẽ cùng phía bạn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu về kiểm toán công về “Phân tích dữ liệu trong kiểm toán công” và “Khung pháp lý xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán công”.
Toà Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ (KTNN Thổ Nhĩ Kỳ) được thành lập vào ngày 29/5/1862 với tên gọi ban đầu là “Divan-ı Muhasebat” và được đổi tên thành “Sayıştay” (Toà Thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ) năm 1967. Địa vị pháp lý của cơ quan này đã sớm được hiến định trong Hiến pháp Ottoman đầu tiên năm 1876. Trong thời kỳ Cộng hoà, địa vị pháp lý của KTNN Thổ Nhĩ Kỳ được hiến định lại trong Hiến pháp vào các năm 1924, 1961, 1982 và có hiệu lực cho đến ngày nay.
KTNN Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thành viên tích cực của ASOSAI và đảm nhiệm vị trí thành viên Ban điều hành, Ủy ban kiểm toán của ASOSAI qua nhiều nhiệm kỳ (2021-2024, 2015-2018, 2009-2012, 2006-2009) và là thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI các nhiệm kỳ 2018-2021, 2012-2015, 2003-2006, 2000-2003. Hiện nay, KTNN Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Ban điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 và thành viên Ban điều hành EUROSAI nhiệm kỳ 2021-2024.
Với bề dày kinh nghiệm và vai trò là thành viên Ban điều hành và Ủy ban kiểm toán của ASOSAI qua nhiều nhiệm kỳ, KTNN Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ và hỗ trợ KTNN trong các hoạt động đa phương. KTNN Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ KTNN Việt Nam trở thành thành viên Ban điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2018, tham dự và ủng hộ thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Việt Nam, đóng góp cho Báo cáo kết quả thực hiện Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, đề xuất nhiều giải pháp giúp các SAI ứng phó với những thách thức trong khu vực. KTNN Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ nhất trí với các quyết định của KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI thông qua tại Đại hội ASOSAI 15 được tổ chức theo hình thức trực tuyến năm 2021.
Trong khuôn khổ của chuyến công tác, Đoàn dự kiến thăm và làm việc với Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, với Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh các hoạt động làm việc chính thức khác.
Đoàn kết thúc chuyến công tác vào ngày 14/12/2022./.
Tiến Đạt