Báo cáo được công bố nhằm chia sẻ thông tin về những yếu kém trong công tác kiểm soát tại các cơ quan, tổ chức của nhà nước dẫn đến gian lận và sai phạm. Bằng cách chia sẻ thông tin chi tiết và nêu bật những thiếu sót trong hệ thống kiểm soát nội bộ, Báo cáo giúp các cơ quan công nói chung xác định và ngăn chặn các tình huống tương tự có thể xảy ra.
Thực tế cho thấy, tại nhiều cơ quan, nhiều trường hợp gian lận hoặc sai phạm có thể tồn tại trong một thời gian dài mà không bị phát hiện bởi cơ quan đó có hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém.
Báo cáo của KTNN Scotland cho biết, các kiểm toán viên đã xác định 12 trường hợp gian lận và sai phạm với tổng trị giá gần 140.000 bảng Anh tại các cơ quan được kiểm toán vào năm 2022-2023. Trong năm tài chính 2021-2022, số trường hợp gian lận, sai phạm được xác định thấp hơn (7 trường hợp) nhưng số tiền gian lận lại cao hơn nhiều (gần 402.000 bảng Anh).
Ngoài ra, các tình huống nghiên cứu trong báo cáo của KTNN Scotland cũng được nêu ra nhằm hỗ trợ kiểm toán viên xem xét và rà soát tính hiệu quả của các cơ chế quản trị phòng, chống gian lận trong đơn vị được kiểm toán. Gian lận và sai phạm được xác định trong năm 2022-2023 thuộc các hình thức như thanh toán trợ cấp, chi phí lương và lương hưu sai quy định; giao dịch với các nhà cung cấp không hợp lệ; sử dụng thẻ mua sắm bừa bãi; lạm chi các quỹ và ngân sách bị biển thủ.
Các khiếm khuyết, thiếu sót trong hoạt động kiểm soát đã làm tăng giao dịch gian lận và sai phạm trong năm 2022-2023 bao gồm việc không kiểm tra tất cả các chi tiết trên các đơn đề nghị xin tài trợ, trợ cấp; không thực hiện công tác kiểm tra, quản lý; không xác nhận với khách hàng trước khi thay đổi thông tin chi tiết trong các tài khoản ngân hàng; không tuân thủ quy trình, quy định hiện hành; thiếu sự phân công, phân nhiệm cụ thể, thiếu nhận thức về rủi ro, gian lận tiềm ẩn; quy trình ủy quyền và cơ chế an ninh yếu kém.
Trên cơ sở đó, KTNN Scotland khuyến nghị các cơ quan công quyền cần đảm bảo có các cơ chế chống gian lận hiệu quả. Một số cơ chế quan trọng bao gồm việc thực hiện đánh giá rủi ro, gian lận để xác định các khu vực có rủi ro trọng yếu; có các thỏa thuận quản trị phòng, chống gian lận hiệu quả; có chiến lược chống gian lận và thường xuyên xem xét các kế hoạch phòng, chống gian lận; đánh giá và xem xét hệ thống kiểm soát nội bộ thường xuyên; rà soát các thiếu sót trong kiểm soát được xác định trong Báo cáo.
Báo cáo thường niên 2022-2023 cũng khuyến khích các cơ quan công quyền nghiên cứu các trường hợp được nêu trong báo cáo và xem xét liệu các yếu kém trong hệ thống kiểm soát tương tự có tồn tại trong đơn vị của họ không. Các cơ quan công cũng được khuyến khích thường xuyên xem xét các cơ chế chống gian lận của tổ chức để đảm bảo chúng đạt hiệu quả chống lại các hình thức gian lận và vi phạm pháp luật hiện có cũng như mới xuất hiện.
KTNN Scotland cũng yêu cầu kiểm toán viên cần rà soát xem liệu các cơ chế quản trị phòng, chống gian lận có hiệu quả không, các cơ chế thường xuyên được xem xét và sửa đổi khi cần thiết không. Đặc biệt, kiểm toán viên cần xem xét, đánh giá hiệu quả của các biện pháp kiểm soát phòng, chống gian lận cùng các thiếu sót trong công tác kiểm soát được xác định trong báo cáo của KTNN Scotland./.
(Theo Audit Scotland)