KTNN Trung Quốc đóng vai trò mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng

18/09/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bước sang năm thứ 2, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hướng sự chú ý của giới truyền thông về một cơ quan có vai trò mạnh mẽ song khá thầm lặng - KTNN Trung Quốc (CNAO). Qua những manh mối và bằng chứng mà CNAO có được từ các cuộc kiểm toán, các cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ của các quan chức và cán bộ.


Vai trò chính của CNAO là cung cấp manh mối về các dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua kiểm toán tới Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cục Giám sát, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ An ninh công cộng… để các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và xử lí các trường hợp vi phạm. Trong chiến dịch này, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm từ cấp thấp đến cấp cao nhất, hay còn được biết đến với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”.

Mới đây, CNAO vừa công bố 15 trường hợp tham nhũng đã bị xử phạt đến tháng 9/2013 nhờ những phát hiện của kiểm toán. Điển hình, từ những bằng chứng có được qua kiểm toán, CNAO đã chuyển trường hợp của cựu Bộ trưởng Bộ Đường sắt Liu Zhijun lên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương. Tháng 7/2013, Tòa án Nhân dân Bắc Kinh đã xử tử hình ông Liu Zhijun với thời gian hoãn thi hành 2 năm do nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. 

Tương tự, tháng 5/2012, Chen Tongzhou - cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng sân bay Trung Quốc cũng phải chịu án 11 năm tù với tội nhận hối lộ. Xuất phát từ cuộc kiểm toán năm 2010, CNAO phát hiện trong giai đoạn 1999-2010, Tập đoàn Xây dựng sân bay Trung Quốc đã cấp phép trái quy định cho một số cá nhân làm công tác kĩ thuật tại một số dự án. Tháng 12/2010, CNAO đã chuyển các đầu mối của vụ việc lên Ủy ban Thanh tra kỷ luật.

Trong cuộc kiểm toán năm 2011, CNAO cho biết, Feng Bailian – cựu Phó giám đốc Kho lưu trữ huyện Mật Vân (Bắc Kinh) thuộc Tập đoàn Lưu trữ lương thực Trung Quốc đã lạm dụng chức vụ và nhận “hoa hồng” từ một số khách hàng trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2011. Tháng 6/2011, CNAO chuyển hồ sơ vụ việc cho Viện Kiểm sát Bắc Kinh để tiếp tục điều tra và đến tháng 6/2013, Tòa án Nhân dân Bắc Kinh tuyên án Feng Bailian 10 năm 6 tháng tù giam vì tội nhận hối lộ.

Bên cạnh việc nhận hối lộ, các trường hợp tham ô, biển thủ công quỹ cũng khá phổ biến. Tháng 3/2012, Feng Chunfu - Cựu Tổng Giám đốc Công ty than Shanxi Baoshi đã bị kết án 7 năm tù giam vì tội tham ô. 

Từ cuộc kiểm toán năm 2008, CNAO phát hiện từ tháng 6/2002-3/2003, Wang Haiyang - cựu Chủ tịch Công ty phần mềm máy tính Shandong Diwei (một doanh nghiệp của Đại học Shandong) đã biển thủ 6,5 triệu Nhân dân tệ quỹ công để tư lợi. Tháng 9/2008, CNAO đã chuyển trường hợp này lên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương để tiếp tục điều tra. Tháng 5/2010, Tòa án đã tuyên Wang Haiyang 6 năm tù giam và tịch thu 300.000 Nhân dân tệ tài sản cá nhân vì tội tham ô và biển thủ công quỹ.
Một trường hợp khác, Sun Yi - cựu Giám đốc tài chính Viện Kĩ thuật khảo sát và bản đồ số 3 đã “rút ruột” trái phép và không lưu sổ sách 238 triệu Nhân dân tệ quỹ nhờ bóp méo các khoản doanh thu và chi phí. Tháng 3/2010, CNAO đã chuyển các manh mối về vấn đề này lên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương để tiếp tục điều tra. Tháng 7/2011, Tòa án Nhân dân huyện Phương Chính thuộc tỉnh Hắc Long Giang đã tuyên án Sun Yi 3 năm tù giam với thời hạn án treo là 5 năm vì tội danh biển thủ công quỹ.

Ngoài những hành vi trên, CNAO còn phát hiện nhiều hình thức vi phạm khác của các quan chức, nhà quản lý như gian lận tài chính, chiếm dụng quỹ, thiết lập quỹ tư lợi, phát hành trái phép hóa đơn giá trị gia tăng… Qua kiểm toán, CNAO cũng phát hiện Công ty Bảo lãnh đầu tư Henan Zhaoye đã thu gần 600 triệu Nhân dân tệ về các quỹ từ hoạt động công chúng dưới danh nghĩa tài trợ cho dự án, song thực tế lại sử dụng  cho đầu tư và tiêu dùng cá nhân trong giai đoạn 2009-2011. Đến tháng 4/2013, Tòa án Nhân dân thành phố Trịnh Châu đã tuyên án Yao Jinxiang - kiểm soát viên của Công ty mức án tù chung thân và tịch thu tất cả tài sản cá nhân vì tội gian lận tài chính.

Cũng liên quan đến Công ty Henan Zhihe, năm 2011, CNAO phát hiện Công ty này đã thu hơn 1,6 tỷ Nhân dân tệ từ dân chúng với danh nghĩa đầu tư và quản lý tài chính song thực tế lại chủ yếu sử dụng để cho vay ra bên ngoài. Tháng 6/2011, CNAO đã chuyển hồ sơ vụ việc lên Văn phòng Hội nghị liên bộ của Hội đồng Nhà nước. Đến tháng 4/2013, Tòa án Nhân dân quận Zhongyuan thành phố Trịnh Châu đã tuyên án Shi Jushan - đại diện pháp lý của công ty 7 năm tù giam và phạt 1,85 triệu Nhân dân tệ vì tội chiếm dụng trái phép tiền gửi của công chúng.

Cuộc kiểm toán của CNAO vào Trung tâm Phòng chống thảm họa động đất Trung Quốc năm 2012 phát hiện: Phó Giám đốc Chen Guoxing và một số cá nhân khác, đã chiếm đoạt được 4,97 triệu Nhân dân tệ bất hợp pháp từ 2009 đến 2011 dưới danh nghĩa mua quà, cơ sở thiết bị cho văn phòng… Tháng 6/2012, CNAO đã chuyển đầu mối tới Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương và đến tháng 12/2012, Chen Guoxing bị cách chức, bị thu hồi 130.000 Nhân dân tệ mà ông ta đã chiếm đoạt./.

Theo Báo Kiểm toán số 37/2014

Xem thêm »