Kiểm toán Nhà nước làm việc với Đoàn chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế

08/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 7/10/2014, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Đoàn chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) và Trung tâm Phát triển & Hội nhập Việt Nam (CDI) đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Vụ Tổng hợp để tìm hiểu vai trò của hoạt động kiểm toán nhà nước đối với việc quản lý tài chính - ngân sách, công khai minh bạch ngân sách quốc gia.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia của IBP và CDI đã giới thiệu về một chương trình nghiên cứu toàn cầu nhằm thúc đẩy công chúng tiếp cận thông tin ngân sách và áp dụng các hệ thống ngân sách có tính giải trình tại hơn 100 quốc gia có tên gọi là “Sáng kiến Công khai Ngân sách”. Trong đó, công cụ nổi bật nhất của “Sáng kiến Công khai Ngân sách” là Khảo sát Công khai Ngân sách (OBS). OBS là đánh giá duy nhất trên thế giới có tính độc lập, thường xuyên và toàn diện, được tiến hành hai năm một lần bởi các nhà nghiên cứu của các tổ chức xã hội và chấm điểm mức độ công khai thông tin ngân sách của Chính phủ tại một quốc gia, mức độ tham gia của người dân trong các quá trình ngân sách và khả năng của các cơ quan giám sát chính thức của Chính phủ.

Trao đổi về các định hướng nhằm tăng cường công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam, đại diện KTNN đã trả lời, giải đáp các nội dung liên quan đến: Phạm vi kiểm toán của KTNN, Công khai báo cáo kiểm toán của KTNN, Năng lực giám sát và tính độc lập của hoạt động kiểm toán nhà nước... Đồng thời, chuyên gia của IBP đã chia sẻ mục tiêu cũng như các hoạt động chính trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu “Sáng kiến Công khai Ngân sách” tại Việt Nam.

Các chuyên gia của IBP cảm ơn sự phối hợp, chia sẻ thông tin của KTNN tại buổi làm việc và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của KTNN trong thời gian tới.

Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế IBP phối hợp với các tổ chức xã hội trên thế giới để phân tích ngân sách và vận động chính sách và coi đó như một công cụ nhằm tăng cường quản trị hiệu quả và xóa đói giảm nghèo. Có trụ sở tại vWashington D.C, IBP có mặt trên toàn cầu với mạng lưới nhân viên làm việc tại 5 châu lục. Trọng tâm hoạt động của IBP là nỗ lực để ngân sách nhà nước minh bạch hơn, có sự tham gia của người dân, đáp ứng tốt hơn những ưu tiên quốc gia, có khả năng chống tham nhũng cao hơn và hiệu quả hơn.

Xem thêm »