Cần sớm nâng cao hiệu quả kiểm toán ngân sách Nhà nước

13/11/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), kết quả kiểm toán những năm qua cho thấy, trong những năm qua, việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN) theo Luật NSNN năm 2002 đã đạt nhiều hiệu quả tích cực, tuy nhiên đến nay đã bộc lộ một số hạn chế cần bổ khuyết.


Bộc lộ hạn chế quản lý điều hành NSNN

Theo KTNN, việc quản lý, điều hành NSNN theo Luật NSNN năm 2002 đã tạo được sự chuyển biến quan trọng trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai ngân sách được đẩy mạnh, việc kiểm soát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường và chú trọng nên đã từng bước nâng cao được kỷ cương, kỷ luật tài chính trong quản lý NSNN.
 
Mặc dù vậy, KTNN cũng cho rằng, nhiều bộ, ngành, địa phương lập dự toán thu còn thấp, không sát với thực tế nên kết quả thu ngân sách hàng năm vượt so với dự toán khá lớn, trong khi dự toán chi lập cao hơn thực tế, thiếu cơ sở, chưa sát, chưa đúng định mức, sai tính chất nguồn kinh phí.... Phân bổ và giao dự toán chậm hoặc chưa phù hợp nhu cầu và khả năng thực hiện nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần hoặc phải hủy dự toán; phân bổ và giao dự toán khi chưa xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chi, không đúng nội dung nguồn kinh phí, không đúng phương án phân bổ của Bộ Tài chính,… Bố trí vốn đầu tư xây dựng còn dàn trải, chưa ưu tiên bố trí vốn để trả nợ theo quy định, bố trí vồn cho các dự án chưa đủ điều kiện, bố trí vốn cho các dự án nhóm B quá 05 năm, nhóm C quá 03 năm…
 
Bên cạnh đó, thu từ dầu thô và thu từ đất chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thu, một số khoản thu từ sản xuất kinh doanh thường xuyên không đạt dự toán, nhất là thu từ doanh nghiệp nhà nước. Công tác quản lý Nhà nước về thu còn nhiều bất cập, thu nợ chưa triệt để, nợ đọng thuế còn lớn, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, số thuế phải nộp còn xảy ra ở nhiều nơi kể cả các doanh nghiệp và các tổ chức và đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
 
Việc phê duyệt dự án đầu tư còn bất cập, nhiều dự án phải phê duyệt điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư; phê duyệt đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn, không phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, đầu tư thiếu đồng bộ. Trong thực hiện còn có dự án chất lượng khảo sát không đảm bảo; thiết kế, lập dự toán không phù hợp. Trong việc đấu thầu còn có hiện tượng chia nhỏ gói thầu, lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phù hợp quy định, hợp đồng chưa chặt chẽ. Tình trạng thi công chậm tiến độ còn phổ biến, nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài, làm tăng chi phí thực hiện. Công tác quản lý chất lượng công trình một số dự án chưa được thực hiện nghiêm túc; chất lượng một số công trình, dự án chưa đảm bảo. Nhiều dự án nghiệm thu sai khối lượng, không đúng thực tế thi công, chưa đầy đủ hồ sơ, thanh toán sai đơn giá... Công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư còn kéo dài, không đảm bảo thời gian quy định.
 
Công tác quản lý nợ công của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và tài trợ cho bội chi NSNN; nợ công nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ (mức nợ của Việt Nam trên GDP trong năm 2010, 2011, 2012 lần lượt chiếm 56,8%, 54,9% và 55,6%, thấp hơn mức dự kiến về chỉ số nợ công đề ra tại Chiến lược nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 65%).  Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Xây dựng quy định quản lý nợ công chưa kịp thời; quản lý nợ công bị phân tán bởi nhiều đơn vị tại Bộ Tài chính trong khi phối hợp giữa các đơn vị này chưa được chặt chẽ; các đơn vị chưa lập báo cáo tài chính về nợ công để làm cơ sở cho kiểm toán tài chính; chưa có mối liên kết giữa nợ trong nước và nợ nước ngoài; quản lý cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ còn một số hạn chế…
 
Nâng cao kết quả kiểm toán NSNN
 
Để nâng cao kết quả kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành NSNN, KTNN cũng đã đưa ra đề xuất một số giải pháp.
 
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý NSNN, nhất là sửa đổi căn bản Luật NSNN năm 2002 trong đó đổi mới quy trình lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách theo hướng hiện đại, dựa vào kết quả đầu ra và áp dụng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn, thực hiện các mục tiêu chiến lược ưu tiên của quốc gia; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về NSNN; đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và chế tài xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính hiệu quả của công tác quản lý NSNN; rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tế và bao quát hết các nội dung chi; hoàn thiện các quy định về quản lý nợ công theo hướng quản lý thống nhất, bổ sung các tiêu chí đánh giá phù hợp với thông lệ quốc tế...
 
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực KTNN; Xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn kiểm toán hoạt động; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN.
 
Ba là, đổi mới phương pháp kiểm toán. Hoàn thiện và kết hợp nhuần nhuyễn kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động, đồng thời tích cực chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt động. Tăng cường kiểm toán tổng hợp để đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hiệu lực của các chính sách, chế độ của nhà nước; đồng thời tăng cường kiến nghị tư vấn trong công tác quản trị và điều hành NSNN đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Đẩy mạnh việc kiểm toán các chuyên đề chuyên sâu, đặc biệt là các chuyên đề mang tính dài hạn, các chương trình mục tiêu và các lĩnh vực được quốc hội, công chúng quan tâm. Từng bước thực hiện kiểm toán trước (tiền kiểm) khi nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và quản lý chi tiêu công chuyển sang quản trị theo kết quả đầu ra, lập ngân sách theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn.
 
Bốn là, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng như với đơn vị được kiểm toán. Sự phối hợp và ủng hộ của các cấp, các ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán giữ vai trò đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện để KTNN ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, phục vụ và đáp ứng yêu cầu trong việc sử dụng kết quả kiểm toán để giám sát tài chính công và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội./.
 

Theo Cổng thông tin Bộ Tài chính

Xem thêm »