KTNN hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo 14 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước

26/11/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) – Trong 2 ngày, 23 và 24/11/2015, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo 14 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN). Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên và Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Hoàng Quang Hàm đồng chủ trì Hội thảo.

Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn phát biểu khai mạc Hội thảo

 
Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo KTNN, Ban Chỉ đạo xây dựng và ban hành CMKTNN, đại diện của các hội nghề nghề nghiệp kế toán và kiểm toán, các trường đại học, 4 công ty kiểm toán độc lập lớn tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, việc xây dựng hệ thống CMKTNN theo hướng tuân thủ ISSAI xuất phát từ thực tiễn hoạt động kiểm toán và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của KTNN. Việc xây dựng hệ thống CMKTNN là một trong những hoạt động quan trọng của KTNN, nhằm thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.
 
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, để ban hành các CMKTNN làm nền tảng, cơ sở cho việc xây dựng các chuẩn mực thực hành, trong năm 2014, KTNN đã ban hành 4 chuẩn mực chung: CMKTNN 30 – Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp; CMKTNN 40 – Kiểm soát chất lượng kiểm toán; CMKTNN 100 – Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của KTNN; CMKTNN 200 – Các nguyên tắc cơ bản trong kiểm toán tài chính.
 
14 Dự thảo CMKTNN được lấy ý kiến tại Hội thảo này đã được đăng trên Website của KTNN và gửi lấy ý kiến trong và ngoài ngành từ tháng 8/2014 đến tháng 8/2015. “Hội thảo sẽ là dịp để các cá nhân, tổ chức trong và ngoài ngành thể hiện rõ hơn ý kiến góp ý đối với dự thảo 14 CMKTNN, đồng thời Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo có cơ hội chia sẻ nhiều hơn về quan điểm soạn thảo, nội dung của từng chuẩn mực”, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
14 CMKTNN được lấy ý kiến trong Hội thảo này gồm: 02 chuẩn mực cấp độ 3 (CMKTNN 300 – Các nguyên tắc cơ bản trong kiểm toán hoạt động; CMKTNN 400 – Các nguyên tắc cơ bản trong kiểm toán tuân thủ) và 12 chuẩn mực cấp độ 4 (CMKTNN 1300 – Lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính; CMKTNN 1315 – Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính; CMKTNN 1320 – Xác định vận dụng trọng yếu kiểm toán; CMKTNN 1330 – Biện pháp xử lý rủi ro trong kiểm toán tài chính; CMKTNN 1500 – Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính; CMKTNN 1200 – Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước khi thực hiện các cuộc kiểm toán tài chính theo CMKTNN; CMKTNN 1220 – Kiểm soát chất lượng kiểm toán tài chính; CMKTNN 1230 – Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính; CMKTNN 1240 – Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận trong cuộc kiểm toán tài chính; CMKTNN 1560 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán; CMKTNN 1580 – Giải trình bằng văn bản; CMKTNN 1800 – Lưu ý khi kiểm toán tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt).

         
Toàn cảnh Hội thảo
 
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng và ban hành CMKTNN, hệ thống CMKTNN được xây dựng dựa trên một số nguyên tắc cơ bản: Tiếp thu có chọn lọc các CMKT quốc tế phù hợp với điều kiện và môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam; Tuân thủ các quy định, quy trình xây dựng và ban hành Hệ thống CMKTNN, các quy định của Việt Nam trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; Được xây dựng theo 3 cấp độ theo hệ thống ISSAI (cấp độ 2- Các điều kiện tiên quyết để thực hiện chức năng của các cơ quan kiểm toán tối cao; cấp độ 3 – Các nguyên tắc kiểm toán căn bản; cấp độ 4 – Các hướng dẫn kiểm toán theo từng loại hình kiểm toán); Hệ thống CMKTNN được xây dựng theo 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động), không lồng ghép cả 3 loại hình trong từng chuẩn mực…
 
Thay mặt Tổ soạn thảo, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Hoàng Quang Hàm đã trình bày những nét chính, khái quát của từng chuẩn mực và một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cần thảo luận, trao đổi. Trong 2 ngày Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về nội dung trọng tâm, tính khả thi của từng chuẩn mực, tính logic giữa các chuẩn mực và sự phù hợp của CMKTNN với  chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các điều kiện thực tế của KTNN.
 
Kết luận Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá cao những đóng góp, trao đổi tại Hội thảo và khẳng định CMKTNN là văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ nên các quy định về tổ chức, phân cấp sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản điều hành của KTNN. Các chuẩn mực cần hoàn thiện theo hướng cung cấp các quy định để xây dựng và hoàn thiện quy trình kiểm toán chung. Quy trình kiểm toán theo từng lĩnh vực kiểm toán sẽ được xây dựng dưới dạng đề cương kiểm toán cụ thể, trong đó cung cấp đầy đủ ví dụ, mẫu biểu, hướng dẫn thực hiện. Đối với các chuẩn mực mang tính thực hành, chuyên sâu và cần thiết cho hoạt động kiểm toán của KTNN như chuẩn mực về trọng yếu và rủi ro kiểm toán, Tổ soạn thảo cần lưu ý đề xuất việc xây dựng cẩm nang, sổ tay và các tài liệu hướng dẫn cụ thể - Có thể coi là cấp độ 5 trong hệ thống CMKTNN…
 
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, trên cơ sở các ý kiến tham gia tại Hội thảo, Ban chỉ đạo xây dựng và ban hành CMKTNN chỉ đạo Tổ soạn thảo sẽ hoàn thiện dự thảo 14 CMKTNN làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện 22 CMKTNN còn lại thuộc hệ thống CMKTNN; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với 22 CMKTNN còn lại vào tháng 1/2016. Từ tháng 2/2016 đến tháng 4/2016, tất cả các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo CMKTNN cần tập trung rà soát lại toàn bộ các chuẩn mực trong hệ thống CMKTNN cả về hình thức, kết cấu và nội dung nhằm ban hành toàn bộ hệ thống CMKTNN vào cuối Quý II/2016./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »