Quốc hội thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế và tình hình kinh tế xã hội

04/11/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong 02 ngày 2 - 3/11/2016, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng ngày 03.11

 
Theo kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong 2 ngày thảo luận tại hội trường đã có 91 đại biểu Quốc hội phát biểu, 6 Bộ trưởng tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. Nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Nội dung ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, bao quát trên các lĩnh vực từ kinh tế-xã hội, chính trị, ngoại giao, quốc phòng và an ninh. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao và thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. 
 
Huy động nguồn lực xã hội vào tái cơ cấu kinh tế
 
Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, các ý kiến cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về 5 kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015, song đều cho rằng chưa đạt được yêu cầu mục tiêu của Quốc hội đề ra đến năm 2015: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu và lộ trình đã được phê duyệt, hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp. Tái cơ cấu tổ chức tín dụng mới đạt kết quả bước đầu, nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để. Hiệu quả đầu tư công còn thấp, tái cơ cấu đầu tư công chưa gắn với tái cơ cấu tài chính công. Tái cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, trong nội bộ ngành, lĩnh vực còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là khâu chậm và yếu nhất.
 
Bên cạnh những nguyên nhân được chỉ ra trong đánh giá của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, thực chất là do chậm đổi mới cơ chế, tổ chức thực hiện và quản lý còn nhiều yếu kém. Có ý kiến cho rằng trong một số trường hợp có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm chi phối, công tác giám sát của tổ chức và cá nhân chưa được phát huy. Theo đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng - tỉnh Cao Bằng, Chính phủ chưa coi trọng, chưa thu hút được sự tham gia của cả xã hội, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó công tác tổ chức thực hiện tái cơ cấu chưa được tốt làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện. 
 
Khẳng định thu hút được sự tham gia của cả xã hội, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công của tái cơ cấu, đại biểu Phùng Văn Hùng cho biết thời gian qua mới chỉ có nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước tham gia vào tái cơ cấu. Trong khi đó, nguồn lực nhà nước thì có hạn, nguồn lực của xã hội thì cực kỳ lớn nếu được tham gia vào quá trình tái cơ cấu chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, ở kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016- 2020, Chính phủ dự kiến cần một nguồn lực tái cơ cấu lên đến trên 10,5 triệu tỷ đồng, nếu không có sự tham gia của khối kinh tế ngoài nhà nước thì hiệu quả và tính khả thi của tái cơ cấu sẽ không cao. 
 
Có cùng quan tâm về việc huy động nguồn lực trong nhân dân để phát triển kinh tế, đại biểu Quốc hội Lê Quân- TP. Hà Nội cho rằng khi lựa chọn phương án tái cơ cấu cần phải chỉ rõ ba khâu rất quan trọng để giúp giải phóng nguồn lực trong dân. Đó là, cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết liên quan đến an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh phúc lợi. Để đảm bảo hiệu quả đồng vốn thu được, một mặt chúng ta thoái vốn để tạo điều kiện cho vốn tư nhân thay thế, một mặt khác Chính phủ nên ưu tiên dùng tiền đó cho đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực là một trong hai khâu trọng tâm đột phá trong nhiệm kỳ.
 
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp; cơ cấu lại: Doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, đầu tư công, song cần làm rõ mô hình tăng trưởng. Đồng thời rà soát các chỉ tiêu, nội dung và nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm tính cụ thể, tính khả thi trong thực hiện. Nhiều ý kiến đại biểu lo lắng trước vấn đề kém hiệu quả trong đầu tư công. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ việc đầu tư 5 dự án và một số dự án khác không hiệu quả, trách nhiệm thuộc về ai? Vấn đề huy động và phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, vấn đề nợ công, kỷ luật, kỷ cương tài chính, ô nhiễm môi trường, vấn đề đất đai và chính sách đất đai có thể ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế.
 
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong tái cơ cấu nông nghiệp
 
Tại hội trường, nhiều đại biểu thống nhất với 10 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện 5 nội dung theo Báo cáo của Chính phủ, song yêu cầu phải cụ thể hơn, không chung chung và phân tích sâu hơn, tập trung vào vấn đề tái cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn. Các ý kiến cũng cho rằng, chính sách và nguồn lực chưa đủ mạnh, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa có nhiều cơ chế đủ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm vẫn là lực cản cho sự phát triển. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp và nông thôn là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất…Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng, tỉnh Bắc Giang cho rằng phải làm rõ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, đâu là nội dung chính, đâu là lực lượng chính và đâu là giải pháp then chốt để quá trình tái cơ cấu này được diễn ra hiệu quả. Có ba vấn đề lớn cần phải làm rõ là nội dung của tái cơ cấu nông nghiệp, lực lượng thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và những giải pháp về chính sách. Trong đó, cần phải nhấn mạnh và nhất quán chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới nông nghiệp hữu cơ để chủ động hội nhập và đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhà nước phải từng bước xóa bỏ bao cấp về nông nghiệp, từng bước cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp trong ngành nông nghiệp như trung tâm giống, khuyến nông, thú y. Cần phát triển lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp với vai trò là lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp hiện đại Việt Nam. Cũng theo đại biểu này, cần hoàn thiện chính sách về đất đai để tạo sự thuận lợi cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất, tích cực đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, sớm nghiên cứu cơ chế cho thuê ruộng đất ổn định lâu dài. Cần tạo môi trường và chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Cần có sự cam kết đồng hành của chính quyền trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong quản lý sản xuất nông nghiệp, nhà nước nên dành nguồn lực tập trung xây dựng và chỉ đạo thực thi các chính sách về nông nghiệp và nông thôn. Cần có biện pháp liên kết tiểu vùng, phối hợp các địa phương cùng chung phát triển hệ sinh thái cho nông nghiệp hữu cơ và phát triển các hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistic, hệ thống chế biến bảo quản kho bãi, sàn giao dịch điện chung đây cũng là cách để hiện đại hóa nông thôn, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên họp chiều ngày 02.11
 
Giải trình trước Quốc hội về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn; nhận thức về tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng được nâng cao ở các Bộ, ngành, địa phương; quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, hướng tới sản xuất hàng hóa; nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
 
Tuy nhiên, trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, trong đó nổi lên là: Quy mô sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng mạnh khoa học - công nghệ hiện đại chỉ mới chiếm tỉ lệ nhỏ; các sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu là sản phẩm thô, các sản phẩm chế biến sâu còn ít, dẫn tới chuỗi giá trị thấp; thị trường thiếu ổn định, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro; một số thị trường tiêu thụ lớn sản phẩm của Việt Nam vẫn là tiểu ngạch; nhân tố hạt nhân trong tổ chức sản xuất nông nghiệp là hợp tác xã chưa có nhiều, hiện tại mới có khoảng 4.000 doanh nghiệp, 12.000 hợp tác xã, 56.000 tổ hợp tác xã, 29.500 trang trại, cho thấy nhân tố chủ chốt trong sản xuất hàng hóa lớn là ít.
 
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là nhận thức về phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa thực sự đầy đủ ở nhiều cấp chính quyền địa phương; chính sách ban hành nhiều nhưng có một số chính sách không đi được vào cuộc sống và còn có những bất cập; nguồn lực đầu tư, công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành có nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu…
 
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần xác định nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia để tập trung đầu tư và thúc đẩy, đó là những nhóm sản phẩm lợi thế, tạo ra giá trị lớn, có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như: Cá tra, tôm, rau quả, điều, thịt lợn… Đồng thời, tập trung phát triển nhóm sản phẩm có quy mô lớn, đặc thù, chủ lực ở cấp tỉnh như vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên… và nhóm sản phẩm có giá trị cao ở quy mô nhỏ trong các địa phương. Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tạo điều kiện cho sản xuất, ở đây nút thắt lớn nhất là vấn đề về đất đai, phải bảo đảm tích tụ đất đai đến ngưỡng cho phép để bảo đảm ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng cho xuất khẩu. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp về đầu tư phát triển ở khu vực nông nghiệp; chính sách phát triển các hợp tác xã…

Cần thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển kinh tế-xã hội 
 
Về đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, hầu hết các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và cho rằng Chính phủ có những bước khởi động hết sức tích cực và đã có hành động cụ thể, quyết liệt gây niềm tin cho nhân dân. Đồng thời, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn rõ vào những khó khăn nội tại của nền kinh tế, những tồn tại, yếu kém trong quá trình quản lý và điều hành đánh giá những thách thức, tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm 2016. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị trong những tháng cuối năm Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Do đó, tập trung vào nhiệm vụ khắc phục ô nhiễm môi trường, tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật tài chính, tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra năm 2016 ở mức cao nhất. 
 
Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất mục tiêu tổng quát, các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 như báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các yếu tố tăng trưởng tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giữ trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - Tp. Đà Nẵng, trong thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, phát đi những thông điệp rõ ràng, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ các khó khăn và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016- 2017, định hướng đến 2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Qua đó có thể thấy rõ môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đã có những bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức quốc tế có ý kiến ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tạo cho doanh nghiệp nhiều kỳ vọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
 
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - Tp. Đà Nẵng
 
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cũng cho rằng, cần nhìn nhận rõ việc cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 còn gặp nhiều lúng túng khi phối hợp triển khai theo ngành ngang cùng với nguy cơ của việc xây dựng chương trình hành động mang tính đối phó, qua loa, rập khuôn giữa các tỉnh, thành, các cơ quan, đơn vị. Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rườm rà phức tạp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn 9 tháng năm 2016 lên tới 16.294 doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 28.803 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục để giải thể trong 9 tháng đầu năm nay là 8.365 doanh nghiệp.
 
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội chia sẻ và đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chú trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tập trung triển khai tại các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt hạn hán, biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn, chú trọng hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống và giáo dục, y tế. Trong đó đặc biệt quan tâm chú ý đến địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế chưa phát triển, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhân dân tại các khu vực tái định cư, thủy điện, đảm bảo ổn định đời sống phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đúng mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định. Ngoài ra, nhiều đại biểu có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường và quyết liệt hơn nữa hoạt động giám sát, thực hiện pháp luật và nghị quyết của Quốc hội.
 
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các giải pháp của Chính phủ và cũng đề xuất nhiều giải pháp kiến nghị, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017./.
 
Phương Vân

Xem thêm »