UBTVQH chất vấn về quy hoạch, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị

16/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 16/8/2017, theo chương trình của Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về “Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị”.

Toàn cảnh phiên chất vấn

 
Tham gia Phiên chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng tham gia trả lời chất vấn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên tham dự phiên chất vấn.
 
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các đại biểu Quốc hội căn cứ vào nội dung phiên họp để chất vấn ngắn gọn, vào thẳng vấn đề để đảm bảo chất lượng chất vấn. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Chính phủ trả lời thẳng câu hỏi, không né tránh, nêu rõ giải pháp, lộ trình khắc phục giúp cho đồng bào, cử tri theo dõi, giám sát.
 
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng và đô thị
 
Trả lời chất vấn của một số đại biểu về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; Hoàn thiện thể chế về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và giải pháp khắc phục bất cập trong quy trình phê duyệt các quy hoạch để bảo đảm đồng bộ, trách chồng chéo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong quy hoạch đô thị còn có những hạn chế, mà nổi bật: Chất lượng lập quy hoạch chưa cao, tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn; Thiếu sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch; Quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện dẫn tới tình trạng quy hoạch treo. Về tổ chức thực hiện quy hoạch, thường thực hiện chậm hoặc thực hiện không đồng bộ, chắp vá.
 
                    
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn
 
Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; Chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; Việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế; Trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu của trục lợi trong quy hoạch. Bộ trưởng cũng thừa trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch, thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi...
 
Trong thời gian tới Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Cụ thể: Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn... Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch.
 
Về hoàn thiện thế chế về quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển. Trước hết cần rà soát, đánh giá tổng kết Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng để cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển nói chung. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, để trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 5; hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; rà soát, xây dựng mới các Nghị định hướng dẫn.
 
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết về đô thị, đi đôi với nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch xây dựng, cũng như với Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng.
 
Trả lời chất vấn trách nhiệm địa phương trong thực hiện quy hoạch đô thị, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận tình trạng các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết là có thật, vừa qua Hà Nội đã xử lý trách nhiệm của 18 cán bộ vi phạm. Quá trình phê duyệt quy hoạch làm đúng, nhưng trong quá trình thực hiện một số chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, chiều cao. Để khắc phục vấn đề này, vừa qua Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để thanh tra kiểm tra; giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương và các cơ quan chuyên môn trong quản lý, giám sát; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân, vi phạm...
 
Tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ một số nội dung nhằm bảo đảm đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo, chia cắt, cục bộ trong phê duyệt các quy hoạch. Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng cần nâng cao chất lượng quy hoạch để chống ùn tắc giao thông, xử lý tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố.
 
Phát triển đô thị còn nhiều bất cập
 
Chất vấn về các vấn đề bất cập trong phát triển đô thị, các đại biểu đã đặt ra nhiều nội dung với Bộ trưởng Bộ Xây dựng như: Tình trạng xây dựng không phép, trái phép; Giải pháp chấn chỉnh tình trạng phát triển các khu đô thị mới không đúng quy định của pháp luật; trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng trong việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp, y tế, trường học ra khỏi nội đô; Xử lý các công trình xây dựng trái phép; trách nhiệm của Bộ trong phối hợp với các Bộ, địa phương trong xây dựng các khu đô thị mới; giải pháp kiến trúc trong ngăn chặn hỏa hoạn đô thi;Vấn đề thu hồi đất công khi mở rộng đường để ngăn chặn tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo; Giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đô thị...
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng xây dựng không phép, trái phép là thực tế có thật. Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm. Bộ trưởng cũng đã nêu các giải pháp về việc hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng...Về cam kết 'khi nào chấm dứt' tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề khó, cần có sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp các ngành, giữa trung ương với địa phương, Bộ sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là tại một số công trình, dự án quy mô sử dụng đất lớn.
 
Về tình trạng lấn chiếm đất đai trong đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết có tình trạng sử dụng đất trong đô thị chưa hiệu quả, đặc biệt là tình trạng nôn nóng, mở rộng diện tích đô thị, dẫn tới tình trạng phân tán, sử dụng đất chưa hiệu quả. Chia sẻ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh trách nhiệm quản lý đất đai của các tổ chức, cá nhân được giao quyền sử dụng đất đô thị. Cụ thể là, đất công ở đô thị đã giao cho xã, phường quản lý, song cơ sở quản lý chưa đúng quy định của pháp luật, cũng như chưa tập trung quản lý được đất phát sinh từ các bãi bồi ven sông...
 
Về di dời một số cơ sở y tế, trường học ra khỏi nội đô, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Trung ương đã có quy định cụ thể, song tiến độ thực hiện rất chậm. Nguyên nhân là do việc bố trí quỹ đất cho việc di dời "không đơn giản"; một số Bộ, ngành liên quan chưa có quy hoạch cụ thể về các đơn vị di dời; nguồn lực khó khăn... Bộ Xây dựng cũng đã trình cấp thẩm quyền phương án di dời 17 cơ quan Trung ương ra Mễ Trì, và Tây Hồ Tây, diện tích đất đã có, song nguồn lực thực hiện khó khăn và hiện Bộ hiện đang nghiên cứu cơ chế mới để giải quyết vấn đề này.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các địa phương tổng điều tra, rà soát nhà đô thị, sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở đô thị để bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; nghiên cứu các mô hình mới, giải pháp mới, căn cơ hơn, hiệu quả hơn, kiên quyết để xử lý các chung cư cũ nát (toàn quốc có khoảng 6000 chung cư cũ, trong đó có hơn 1000 chung cư thuộc diện nguy hiểm); phối hợp với các ngành để bảo đảm đồng bộ trong các quy hoạch.
 
Trả lời chất vấn về chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thời gian qua, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, vào cuộc rà soát, tiến hành xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường. Trước 2015 toàn thành phố có trên 300 trường hợp siêu mỏng, siêu méo, hiện còn 132 trường hợp, những nhà diện tích dưới 30m2 thành phố kiên quyết thu hồi hoặc tiến hành cho các chủ hộ hợp khối, hợp thửa, hạn chế không làm phát sinh thêm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới, Hà Nội hứa trong thời gian tới sẽ chấm dứt tình trạng này.
 
Về vấn đề lấn chiếm đất đai ở các vùng bến bãi, Hà Nội có hơn 5000ha, thành phố đã giao cho cơ sở quản lý, song vừa qua có việc vi phạm lấn chiếm để canh tác, xây dựng các khu du lịch sinh thái. Thành phố đã phối hợp với các cơ quan Trung ương lập các đoàn kiểm tra, xử lý trên 200 trường hợp; kiên quyết giải tỏa các công trình vi phạm.
 
Ông Nguyễn Đức Chung cũng nhận trách nhiệm của Hà Nội trong việc xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực còn chậm. Cho biết, hiện đã xử lý (cắt ngọn) xong tầng 19, còn các tầng dưới xử lý giật cấp nên cần có phương án kỹ thuật. Hà Nội đang phối hợp với Bộ Xây dựng, trình thẩm định phương án kỹ thuật để xử lý ngôi nhà đảm bảo an toàn cho tòa nhà và tòa nhà bên.
 
Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị cần đồng bộ
 
Trả lời chất vấn về giải pháp phối hợp đồng bộ trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị tránh lãng phí, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng cho biết Bộ Xây dựng đã có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn xây dựng hệ thống hạ tầng, đảm bảo đồng bộ ở các đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, trước hết là khó về vốn đầu tư. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng quy hoạch của một số ngành chưa khớp nhau, ví dụ quy hoạch xây dựng chưa khớp với chiếu sáng.Về chủ quan một số cơ quan quản lý chưa nghiêm túc, thực hiện chặt chẽ quy hoạch.
 
Về việc xây dựng các khu đô thị mới chưa đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, Bộ trưởng Trần Hông Hà nêu nguyên nhân là do địa phương không kiểm tra nghiêm túc các nội dung theo quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt; các quy hoạch ngành không khớp nhau về tiến độ; trách nhiệm của chủ đầu tư... Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát lại các quy định hiện hành để làm rõ các nội dung này trong Luật xây dựng đô thị. Phối hợp chặt chẽ với địa phương trong thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.
 
Chủ tịch TP. Hà Nội cũng thừa nhận tình trạng đô thị hiện nay còn nhếch nhác, Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này, cụ thể như: Hạ ngầm hệ thống điện, cáp viễn thông; Thay thế hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện; chỉnh trang lại mặt tiền các tuyến phố. Sau khi làm xong những việc trên, Hà Nội mới tiến hành lát lại vỉa hè, khắc phục trình trạng vừa làm xong lại đào lên. Hà Nội cũng tiến hành cơ giới hóa việc thu gom rác thải, đồng thời tiến hành tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân...
 
Chủ tịch TP. Hà Nội cũng giải trình về các giải pháp xử lý tình trạng ngập lụt trong các quận nội thành như: Triển khai các dự án thoát nước; xây thêm 25 hồ chứa; thu gom xử lý nước thải sông Tô Lịch; triển khai các dự án nạo vét 128 hồ ở các quận nội thành...
 
Về vấn đề vi phạm quy hoạch chi tiết của các khu đô thị, khu chung cư khiến hạ tầng Hà Nội bị quá tải cũng như đô thị nhếch nhác, ùn tắc. Ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận, việc chủ đầu tư có vi phạm là có thật, chủ yếu về mật độ xây dựng và chiều cao công trình. Ông Chung cũng thẳng thắn thừa nhận: “Trách nhiệm trước tiên trong việc này thuộc về TP Hà Nội, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thiếu giám sát, thiếu kiểm tra, đặc biệt liên quan đến thanh tra chuyên ngành. Thứ hai là ý thức chủ quan thuộc về chủ đầu tư, đã cố tình vi phạm”.
 
Về ùn tắc giao thông tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng chỉ có thể giải quyết ùn tắc bằng phát triển mạnh giao thông công cộng nhưng cái khó lại là nguồn lực. Hiện TPHCM đang phát triển 8 tuyến metro, vốn chủ yếu là ODA và PPP vì vốn ngân sách không đủ khả năng nhưng riêng tiếng metro số 1 dùng vốn vay ODA của Nhật cũng đang tắc.
 
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải nguyên nhân cả Hà Nội, TPHCM đã nỗ lực mà vẫn ùn tắc vì mỗi thành phố chỉ có 7-8% diện tích mặt đất dành cho giao thông; không gian trên cao, không gian ngầm cũng chưa khai thác được bao nhiêu. Những giải pháp tổ chức giao thông, cả hai Chủ tịch thành phố đã nêu cũng chỉ triển khai trong không gian rất hạn chế, khó tạo hiệu quả đột phá. Ông Đông khuyến nghị, phải thúc đẩy các biện pháp phát triển hạ tầng, nhất là vấn đề nguồn lực, phải khai thác từ quỹ đất, đấu giá đất, huy động mức đóng phí, giá trong đô thị cho cao hơn để có tiền đầu tư tiếp hạ tầng, phát triển không gian ngầm, nếu không sẽ không thể giải quyết được vấn đề một cách triệt để./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »