UBTVQH cho ý kiến về các Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, ngân sách năm 2012 và kế hoạch năm 2013: Cần tập trung gỡ 3 nút thắt quan trọng nhất: hàng hóa tồn kho, nợ xấu ngân hàng và thị trường

18/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2013, tình hình kinh tế thế giới và kinh tế nước ta sẽ tiếp tục khó khăn, thậm chí sẽ khó khăn hơn cả năm 2012. Thận trọng và thẳng thắn đặt những khó khăn này lên bàn nghị sự của UBTVQH tại Phiên họp thứ Mười hai, nhiều Ủy viên UBTVQH nêu rõ: hiện có 3 nút thắt cần tập trung tháo gỡ là hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng và thị trường; trong đó, quan trọng nhất là phải khơi thông và phát triển thị trường vì khi mở rộng được thị trường sẽ giải quyết được vấn đề tồn kho, sức mua tăng lên, thị trường tăng lên sẽ giải quyết được hàng tồn kho, từ đó giải quyết được vấn đề nợ xấu ngân hàng. Xử lý được 3 khâu này, kinh tế năm 2013 sẽ tăng khá so với năm 2012.

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn: Phải lý giải được vì sao năm 2013 khó khăn hơn nhưng lại đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012

Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của cơ quan thẩm tra đã nêu tình hình khá sát và cũng không lạc quan quá. Tuy vậy, cũng chưa đánh giá rõ mặt được, mặt tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Tôi đề nghị cần phải đánh giá sát hơn vấn đề này. Mặt được là tình hình KT-XH đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Nhưng phần khuyết điểm thì còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong các chỉ tiêu mà Nghị quyết QH đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là 6 - 6,5%, đến nay, dự báo khoảng 5,2% - như vậy khoảng cách không đạt được là rất xa chứ không phải sát. Tôi nghĩ, tích cực hay không tích cực là ở chỗ này vì tăng trưởng kinh tế là một chỉ tiêu hết sức quan trọng, quyết định đến các chỉ tiêu khác. Một điều tôi suy nghĩ là so với năm ngoái, mình nhận định như thế thì tình hình có gì đột biến xấu dẫn đến việc không đạt được các mục tiêu như kế hoạch? Ta đã lường trước được những khó khăn của tình hình kinh tế năm 2012 đối với tình hình kinh tế thế giới, khu vực, tình hình trong nước cũng đã thấy được những khó khăn, chúng ta phân tích rất lạc quan nên dẫn đến chỉ tiêu như thế. Nếu có xảy ra việc gì hết sức đột biến và tình hình xấu đi, không đạt được thì có thể đó là nguyên nhân khách quan. Nhưng tôi thấy tình hình không phải có gì đột biến quá xấu để không thực hiện được mục tiêu. Báo cáo đưa ra nguyên nhân chủ quan, khách quan thì muôn thuở đều có những nguyên nhân này. Nhưng nguyên nhân khách quan, khó khăn thì khó khăn chung. Còn về chủ quan thì báo cáo cũng đánh giá là do những yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện. Nguyên nhân này phần nào cũng đúng nhưng phần nào tôi thấy chưa thỏa mãn lắm. Bởi vì chúng ta đều biết bộ máy Nhà nước mới được bổ sung, kiện toàn cuối năm 2011, nhìn vào thấy trẻ, khỏe và mạnh hơn nhiều. Bộ máy mới kiện toàn xong tháng 7, toàn những người trẻ khỏe hơn, học hành, rồi cũng đã rút kinh nghiệm qua các năm trước. Thế thì không thể đánh giá bộ máy kém được mà là trong cách làm có gì phải nhìn nhận ra để đánh giá sát hơn.

Về dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 thì trước hết phải lường hết tất cả những khó khăn. Chúng ta nói năm 2013 khó khăn hơn năm 2012 là nhận định chung, nhưng cụ thể khó khăn ở lĩnh vực nào, khó khăn ở vấn đề gì để xác định được mục tiêu tổng quát và kế hoạch cụ thể cho nền kinh tế. Báo cáo không lý giải được tại sao năm 2013 khó khăn hơn, nhưng lại tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn, đưa vào mục tiêu tổng quát, cơ sở nào để chúng ta thuyết phục ĐBQH như thế? Năm 2012 tốc độ tăng trưởng không đạt, từ 6 - 6,5% dự báo xuống còn 5,16%; năm 2013  khó hơn năm 2012 lại tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn. Các chỉ tiêu đưa ra như vậy rất khập khiễng. Tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô đòi hỏi phải có quyết tâm nhưng có cần thiết nói lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn không? Chỉ tiêu cụ thể cao hơn là 5,5%, thực ra từ 5,2% của năm nay lên 5,5% của năm sau không nhiều, chỉ hơn một chút. Đề nghị nghiên cứu xem có nên đưa vào mục tiêu tổng quát hay không. Từ mục tiêu tổng quát này, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế như thế thì mới tính đến tất cả các nguồn lực khác.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Bất động sản có thể là khâu đột phá để giải quyết khó khăn về thị trường

Năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn hơn vì có những nút thắt chưa giải quyết được, nhất là vấn đề nợ xấu và hàng tồn đọng, đầu tư... Tôi xác định năm tới vẫn phải bảo đảm được 2 mục tiêu: một là tiếp tục kiềm chế lạm phát và tăng tính ổn định của kinh tế vĩ mô, đây là vấn đề từ cuối nhiệm kỳ QH Khóa XII cho đến bây giờ vẫn luôn xác định như vậy. Nhưng còn có một mục tiêu rất quan trọng nữa là phải bảo đảm tăng trưởng hợp lý để tạo đà cho những năm sau. Bây giờ giữa hai mục tiêu vừa bảo đảm sự ổn định nhưng vừa tăng trưởng hợp lý, nếu xác định không rõ định hướng và không có giải pháp phù hợp thì cả 2 mục tiêu cũng khó làm. Tôi cũng tán thành 8 nhóm giải pháp trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Nhưng trong khâu chỉ đạo tổ chức thực hiện từ Trung ương xuống tận cơ sở nhiều khi chúng ta rơi vào tình trạng mục tiêu định hướng rất hợp lý nhưng tổ chức thực hiện có khi không hợp lý, không nhất quán, không quyết liệt, có khi còn xa rời cả định hướng mục tiêu. Phải khắc phục vấn đề này, nếu không, mục tiêu định hướng đã đúng rồi thì hiệu quả cũng vẫn không đạt được.

Tôi đồng tình ý kiến của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, nếu giải quyết được vấn đề hàng hóa tồn đọng thì cũng sẽ giải quyết được vấn đề nợ xấu; nếu giải quyết được vấn đề hàng tồn đọng thì cũng giúp cho vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho sản xuất và tháo gỡ được vấn đề nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng. Nhưng bây giờ giải quyết chỗ này như thế nào? Muốn giải quyết hàng tồn đọng thì trước hết phải có thị trường đã. Mở rộng tìm kiếm những thị trường mới bên ngoài, phát huy tiềm năng của thị trường hiện có là rất quan trọng, nhưng thị trường trong nước cũng rất quan trọng. Một đất nước 80 - 90 triệu dân, lượng tiêu thụ lớn lắm, nhưng làm thế nào để kích thích được thì phải có biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước. Thứ nhất là tiếp tục thực hiện phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, coi đây vừa là tình cảm và trách nhiệm, vừa là vấn đề mang tính sống còn nữa. Thứ hai, phải có biện pháp về tài chính hỗ trợ cho tiêu thụ. Hiện nay, thị trường bất động sản tồn đọng rất lớn, nợ xấu của ngân hàng chủ yếu cũng nằm ở thị trường này. Nhưng người có nhu cầu mua bất động sản để sử dụng thì lại không có khả năng tiếp cận nên vẫn cứ tồn đọng. Ta xử lý vấn đề này như thế nào? Tôi nghĩ đấy là một khâu đột phá để giải quyết vấn đề thị trường. Hay bây giờ chúng ta đang thực hiện chiến lược nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xây dựng nông thôn mới, vốn đầu tư cho việc thực hiện Chiến lược này rất lớn, từ đầu tư hạ tầng nông thôn, xây dựng điện, đường, trường, trạm, xây dựng công trình thủy lợi... Kích cầu trong khu vực này sẽ giải quyết được vật liệu, sắt, thép, xi măng... đang tồn đọng. Một phần Nhà nước phải có chính sách nhưng phải phát huy cho được nội lực trong dân, các thành phần xã hội. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cả báo cáo của cơ quan thẩm tra, tôi thấy nặng về đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ phần lo của Nhà nước; việc khơi dậy, phát huy nội lực của xã hội và trong dân thì còn mờ nhạt.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Cùng với việc tái cơ cấu nền kinh tế, cần xem xét “tái cơ cấu” cả tư duy về làm kinh tế

Tôi đề nghị, Báo cáo về KT-XH cần phân tích rõ hơn nữa các nguyên nhân chủ quan trong điều hành kinh tế vừa qua. Báo cáo có nêu nhận định: do những yếu kém trong quản lý của bộ máy nhà nước nhưng cụ thể thế nào thì chưa rõ. Không biết năm sau thế nào, năm sau nữa sẽ như thế nào vì cách làm của chúng ta là nóng việc gì thì giải quyết đúng việc ấy chứ không nghĩ việc ấy sẽ tác động dây chuyền như thế nào, tiếp theo dài hạn ra sao. Nguyên nhân chủ quan theo tôi là từ chính sách của chúng ta cũng gây một phần khó khăn.

Xem lại mục tiêu của năm 2012 theo Nghị quyết của QH có hai điểm cần lưu ý: kiềm chế lạm phát và tăng trưởng hợp lý. Bây giờ phải khẳng định là kiềm chế lạm phát được chưa? Theo tôi kiềm chế lạm phát là được, năm vừa rồi làm rất tốt và làm rất kịp thời nhưng cách giảm lạm phát đã hợp lý để bảo đảm vế thứ hai là tăng trưởng hợp lý hay chưa? Nếu nói tăng trưởng hợp lý như thế này là được thì có khẳng định được không, có giải quyết được những khó khăn trong kinh tế của năm 2012 không? Báo cáo phải phân tích rõ ràng hơn nữa. Mục tiêu của chúng ta năm tới có phải cứ kiềm chế lạm phát mãi không, các chính sách cứ thắt lưng như thế này mãi không hay phải mở ra? Nếu mở thì mở cái gì? Năm 2013, tôi nhất trí có hai vấn đề cần tháo gỡ là: nợ xấu và tồn kho. Vậy chính sách ở đây như thế nào? Có ý kiến thì nói thận trọng, có ý kiến thì bảo phải mở rộng ra, trước hết là giải quyết 70 nghìn căn hộ đang ế bằng cách cho vay tiền, giảm thuế, giãn thuế. Những ý kiến đó đều đúng cả nhưng mức độ để mở như thế nào để vừa kiềm chế được lạm phát, vừa bảo đảm sản xuất thì phải nghiên cứu. Tôi không tán thành cách là ta cứ bó chặt mãi. Làm chính sách theo kiểu này thì chữa được bệnh này lại phát ra bệnh khác.

Báo cáo của Chính phủ vẫn phân tích theo kiểu cũ, tức là năm nay khó khăn, năm sau còn khó khăn hơn, nhưng cụ thể khó khăn như thế nào thì cần phải làm rõ hơn. Theo tôi khó hơn nữa là thế này, một khối lượng những vấn đề rất phức tạp sẽ nảy sinh trong năm sau mà năm nay chưa có, từ những vụ việc mà chúng ta hiện đang giải quyết như Vinashin, Vinalines hoặc những thất thoát lớn trong thời gian vừa qua thì bây giờ tiếp tục giải quyết như thế nào? Năm 2012 có thể thấy chưa có hiệu quả. Năm 2013 có hiệu quả không? Và nếu không hiệu quả thì giải quyết bằng cách nào?

Tư duy làm kinh tế cứ tiếp tục như vừa qua thì năm nay kiểm điểm thế này, năm sau vẫn kiểm điểm như thế, năm sau nữa vẫn kiểm điểm như vậy. Vì vai trò nhạc trưởng không rõ, tất cả các đơn vị đều làm kinh tế, tất cả các cấp đều làm kinh tế thì nhất định kinh tế phải tản mạn, không tập trung. Theo tôi cần phải xác định lại mà ngay trong đà hiện nay, nhân đợt thực hiện tái cơ cấu cũng phải nghĩ đến tái cơ cấu nhận thức, tư duy kinh tế theo hướng nên tập trung cái gì, Trung ương nắm cái gì, địa phương nắm cái gì, bây giờ tất cả các cấp chính quyền đều làm kinh tế thì tất nhiên nơi nào cũng phải xin dự án, nơi nào cũng phải xin đầu tư, xin vốn thì đầu tư bị dàn trải là khó tránh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Tồn kho hàng hóa  của doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng và thị trường – giải quyết được 3 khâu này thì kinh tế năm 2013 sẽ tăng khá so với năm 2012

Kinh tế năm 2013 sẽ tăng khá hơn so với năm 2012, nhưng rõ ràng sẽ không tăng đột biến, sẽ không có câu chuyện GDP tăng lên 6%; 6,5% hay 7%, chỉ nhích lên chứ không có điểm đột biến. Quan trọng nhất là QH thảo luận xem cần làm gì để năm 2013 sản xuất phát triển được. Sản xuất phát triển sẽ giải quyết được vấn đề thu ngân sách, gỡ được tất cả những vấn đề khác như nợ xấu, tồn kho. Ở đây chúng ta khẳng định phải sử dụng những lực lượng vật chất để xử lý những vấn đề về vật chất, ý thức cũng là một phần nhưng vấn đề quan trọng là dùng lực lượng vật chất để xử lý những vấn đề về vật chất. Rõ ràng việc sử dụng lực lượng vật chất năm 2013 sẽ không còn nhiều dư địa như các năm trước đây. Nếu những năm 2008, 2009, 2010 khi có những vấn đề khó khăn thì có dư địa rất rộng để xử lý nhưng năm 2013 này dư địa đó đã bị thu hẹp rất nhiều. Ví dụ miễn, giảm, giãn thuế thì không thể nào như các năm trước đây được vì áp lực về cân đối thu chi ngân sách hiện nay như trong Báo cáo của Chính phủ mới giảm thuế thu nhập cá nhân 5.200 tỷ thôi còn chưa dám nói đến việc gì khác đã thấy rằng rất nhiều cân đối không giải quyết được. Bội chi có trần để khống chế giảm, nếu giữ được như năm 2012 cũng quý lắm rồi, cũng khó có thể nâng lên bội chi. Những vấn đề hỗ trợ khác cũng khó khăn hơn.

Hiện có 3 khâu cần giải quyết là: tồn kho hàng hóa của doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng và thị trường. Nếu thị trường cởi trói được, mở rộng được thì cũng giải quyết được vấn đề tồn kho, tức là sức mua tăng lên, thị trường tăng lên thì sẽ giải quyết được tồn kho mà tồn kho giải quyết được thì cũng giải quyết được vấn đề nợ xấu. Tóm lại chủ yếu là 3 khâu này và khâu quan trọng nhất chính là vấn đề giải quyết thị trường và sức mua nhưng chúng ta phải kích hoạt những gì trong thị trường? Nếu kích hoạt tất cả các khâu của thị trường thì không đủ lực, không đủ sức. Phải tìm khâu quan trọng nhất, ảm đạm nhất, có mối quan hệ hữu cơ và tác động nhất đối với nền kinh tế để kích hoạt. Tôi thấy một điểm quan trọng nhất hiện nay, tôi rất đồng tình với ý kiến của Chủ tịch QH, đó là thị trường bất động sản và toàn bộ thị trường đầu tư của chúng ta, nhất là đầu tư trong giao thông, thủy lợi, bất động sản... Vừa qua tại sao sắt, thép, xi măng không bán được vì đầu tư giảm, không kích hoạt được. Phải chăng đó là điểm nút để kích hoạt không? Mặt khác, sức mua của chúng ta, tức là tiêu dùng của nhân dân rõ ràng đang rất khó khăn. Tôi nghĩ tăng lương cũng là một cơ hội để kích hoạt tiêu dùng thì có tính tới không? Về phía ngân hàng, tôi nghĩ bản thân ngân hàng bây giờ cũng phải tập trung để cứu doanh nghiệp. Bởi vì ngân hàng cứu doanh nghiệp cũng là cứu mình, vì nếu doanh nghiệp đổ vỡ thì lấy đâu ra mà trả nợ ngân hàng? Cho nên nếu chúng ta chỉ đưa ra một giải pháp là hạ lãi suất thì cũng không phải là giải pháp tối ưu mà theo tôi phải thực hiện cả 3 vấn đề: phải khoanh nợ, đầu tiên là khoanh nợ cả gốc và lãi, đừng để cho phát triển thêm nữa và tạo niềm tin cho doanh nghiệp; tiếp đến là phải giãn nợ, người ta đã bí rồi lại dồn người ta tiếp tục thực hiện hợp đồng tín dụng, cứ tiếp tục thu thì càng dồn người ta vào chân tường; cuối cùng là phải mua lại nợ xấu, nhưng để mua lại nợ xấu này phải có tổ chức tài chính để mua, mua hợp lý chứ không phải mua theo kiểu như đã xảy ra một số nơi, một số công ty mua bán nợ vừa rồi đổ vỡ vì không minh bạch và không thực hiện đúng mục tiêu, có tình trạng lợi dụng, tham nhũng, tiêu cực. Cho nên khoanh nợ, giãn nợ, mua nợ là những giải pháp để cùng với việc nới lỏng tín dụng với một số lĩnh vực, ví dụ như thị trường bất động sản hoặc hoạt động về đầu tư để có thể giải quyết được.

Một biện pháp nữa cũng có thể tính đến là giải pháp về thuế. Quan điểm của tôi là có thể cũng giãn, cũng giảm thuế nhưng không phải trên diện rộng, không phải anh nào cũng giãn và giảm mà phải lựa chọn anh nào có khả năng phát triển, có điều kiện và có thể phục hồi nhanh được thì giảm, giãn, miễn để giúp họ có khả năng phục hồi về tài chính chứ không phải theo kiểu bình quân, phải có trọng tâm, trọng điểm và có ưu tiên. Tôi nghĩ rằng bằng những giải pháp tổng thể như vậy chúng ta dùng một lực lượng vật chất, mặc dù nó không còn được như trước đây, nó hạn chế, hạn hẹp đi nhưng kích hoạt đúng chỗ, đúng điểm yếu nhất thì có thể tạo điều kiện phát triển để năm 2013, mặc dù có thể không tạo ra phát triển đột biến nhưng vẫn có thể tạo ra sự phát triển mới.
 

Xem thêm »