Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng 2013

18/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bước vào năm 2012 kinh tế thế giới vẫn tiếp tục có những bấp bênh rất lớn, phản ánh chiều hướng đan xen suy giảm và tạo đà phục hồi kinh tế trong khó khăn. Ngay từ những tháng đầu năm 2012, tất cả các tổ chức tài chính quốc tế đều liên tục điều chỉnh dự báo, lúc tăng, lúc giảm. Tuy kết quả dự báo khá khác nhau, nhưng chiều hướng chung là năm 2012 có mức tăng trưởng toàn cầu thấp nhất. Điều đặc biệt là, tất cả các đánh giá đều cho thấy năm 2012 sẽ là năm có mức tăng trưởng kinh tế và công nghiệp thấp nhất, thương mại kém nhất trong ba năm gần nhất trên phạm vi toàn cầu, từâ các nền kinh tế thu nhập cao đến các nền kinh tế đang phát triển, kể cả các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ.

Nguồn: mof.gov.vn

Trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm khó lường, Việt Nam đã có chủ trương đúng về tập trung cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Nhờ các chủ trương đúng đắn này, tình trạng lạm phát biểu hiện bằng chỉ số CPI các tháng liên tiếp đã được điều chỉnh khá thành công, CPI hằng tháng giảm khá đều đặn từ 8.2011, dù có tác động tăng lên chút ít trong dịp Tết. Lạm phát tháng 8.2011 (so cùng kỳ) là 23% đã giảm dần, đến đến 8.2012 chỉ còn 5%. Tuy vậy, lạm phát trong tháng 9.2012 đã tăng lên tới 2,2%, chủ yếu do các điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông... đòi hỏi phải cẩn trọng.

Một nguyên nhân quan trọng của thành quả này là đã kiên trì chính sách điều tiết hợp lý việc cung tiền, bảo đảm cân đối khá tốt hàng - tiền, sau thời kỳ M2 tăng nhanh. Nếu so sánh với việc tăng đầu tư ngân sách khi kích cầu năm 2009 và tín dụng dễ dãi năm 2010 mới thấy việc kiểm soát tiền tệ năm 2012 là có kết quả, sau chuyển biến bước đầu năm 2011. Tuy kiểm soát chặt chẽ, nhưng khi cần thiết, NHNN đã bơm tiền ra thị trường bằng các kênh chính thức (như hỗ trợ đầu tư, kể cả trái phiếu chính phủ, hỗ trợ thanh khoản cho NHTM qua thị trường mở) và sau đó bằng các biện pháp nghiệp vụ đã thu tiền về nhanh, làm cho việc cung tiền (qua M2) danh nghĩa thì lớn, nhưng tiền (nhất là tiền mặt) thực sự tham gia lưu thông thì ít hơn. Thêm vào đó, năm 2012 việc cung tiền qua kênh tín dụng cũng bị giảm mạnh do hoạt động tín dụng rất khó khăn, sau 9 tháng chỉ tăng hơn 2%, do cả phía doanh nghiệp (tiêu thụ khó, tồn kho cao) và thanh khoản của ngân hàng thương mại (do nợ xấu). Có thể nói, trong các nguyên nhân giảm lạm phát năm 2012, phần quan trọng là do yếu tố điều hành tiền tệ, làm ổn định cung cầu hàng tiền, tuy trong nhiều năm, lượng cung tiền đã cao hơn hẳn các nước.

Thêm vào đó, trong các tháng đầu năm, giá xăng dầu và năng lượng nói chung trên thế giới khá ổn định, giá đầu vào của các hàng nhập khẩu cũng thấp trong điều kiện ổn định tỷ giá, nên đã làm cho việc giảm CPI được thuận lợi. Thậm chí giá lương thực thực phẩm trong nước cũng được bảo đảm ở mức ổn định đã tác động tích cực đến quá trình giảm lạm phát khá ngoạn mục. Tuy nhiên, sự lo lắng về đình đốn cũng phần nào làm giảm niềm hưng phấn do thành công khống chế lạm phát rất đáng khích lệ này. Hơn nữa, trong các tháng cuối năm, nhất là quý IV có nhiều tác động mới theo hướng tăng CPI trở lại, do tác động tăng giá xăng dầu, các dịch vụ y tế, giáo dục… và cả giá lương thực thực phẩm, nếu điều hành không cẩn trọng như tháng 9, có thể làm CPI tăng mạnh, ảnh hưởng đến CPI năm 2012 và cả 2013. Riêng các giải pháp bình ổn giá của một số địa phương chưa có nhiều tác dụng thực tế, tuy có tác động tâm lý. 

Nhìn chung, sự chỉ đạo tiếp tục thận trọng theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là hoàn toàn đúng, phải kiên trì trong tầm trung dài hạn. Dự báo CPI cả năm sẽ tăng khoảng 7 - 8% (còn theo bình quân năm thì có thể tăng 8 - 9%) nếu không có biến động lớn. Tuy nhiên, mức tăng giá này còn khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới, CPI chỉ khoảng 2 - 4%, nên quá trình kiềm chế lạm phát cần kiên trì, nếu không lạm phát lại tăng cao năm 2013 và các năm sau.

Trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn, việc bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đời sống của người nghèo, người làm công ăn lương vẫn rất được chú ý. Chính sách về bảo hiểm y tế cho người nghèo, về giá điện thấp cho người tiêu dùng ít như người nghèo, học sinh, sinh viên… đã được sự đón nhận tích cực của nhân dân. Tuy nhiên, trong điều hành, một số mặt hàng liên quan đến người dân như giá dịch vụ y tế, giáo dục chưa được điều hành trôi chảy. Riêng giá xăng dầu, bên cạnh yếu tố khách quan về giá thế giới, cũng có nhữäng yếu tố gây ảnh hưởng đến đời sống và cả tâm lý của người tiêu dùng đã chưa được chú ý đúng mức trong việc giải thích và minh bạch hóa chính sách.

Trong khi đó, những lo lắng về tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo, mua bán và thâu tóm lẫn nhau không minh bạch trong hệ thống ngân hàng; con số doanh nghiệp đình trệ, phá sản, tình hình sản xuất, kinh doanh tốt - xấu của các doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa nắm được chắc. Bất ổn kinh tế vĩ mô có thể dịu đi nhưng không căn bản, có khả năng tiếp diễn chu kỳ bất ổn mới. Vì vậy, nếu không quyết liệt tái cơ cấu một cách thực chất, đạt một bước quan trọng, thì không thể thực hiện được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững.

Dự báo năm 2013, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động xấu đến kinh tế các nước và nước ta, nhất là ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Các nhận định của WB, IMF hay các tổ chức tư vấn kinh tế khác dù có nhận định khác nhau, nhưng nhìn chung đều có xu hướng phục hồi trong khó khăn. Kinh tế Tây Âu lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, sẽ có tác động lâu dài tới kinh tế toàn cầu, làm cho các dự báo khôi phục nhẹ của WB, IMF… đã phải điều chỉnh, không thể lạc quan như trước.

Trước tình hình khó khăn như vậy, mục tiêu của kế hoạch năm 2013 và cả thời kỳ đến 2015 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kể cả giữ vững thành quả kiềm chế lạm phát, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện đổi mới, hội nhập quốc tế. Hoàn toàn không thể chủ quan về tình hình kinh tế trong nước, cũng như các bất ổn của kinh tế thế giới sẽ tác động tiêu cực đến đất nước.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 chỉ nên bằng năm 2012, tức là khoảng 5% (do tác động xấu của đình đốn doanh nghiệp năm 2012, mặc dù các nước đều đánh giá 2013 có thể nhỉnh hơn một chút); lạm phát nên tiếp tục kiềm chế mạnh hơn, trong điều kiện khó khăn về thương mại, đầu tư, sản xuất, dịch vụ vẫn còn lớn. Đồng thời, phải nhân cơ hội kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp còn khó khăn, để tính toán, cân nhắc sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế mới: Việt Nam cần không chỉ kiên định các quyết sách, từ Nghị quyết 11 của CP, các Nghị quyết của QH, mà còn nên tiến hành quyết đoán quá trình tái cấu trúc kinh tế đã được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 3 (2011) bao gồm cả ba lĩnh vực trọng tâm đã nêu. Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế hướng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, tạm thời tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn nhiều năm để thực hiện một mô hình tăng trưởng mới, không nên mơ hồ về một thời kỳ tăng trưởng dễ dãi. Đó là những biện pháp để đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, đón nhận thời cơ và thách thức hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. 

Gắn mục tiêu và nhiệm vụ 2013 với tái cấu trúc kinh tế trung và dài hạn, trong khi các đề án này còn rất ngập ngừng và thiếu gắn kết, các lĩnh vực DNNN và đầu tư công cũng còn rất chần chừ (đề án mới cũng chưa thật mới), thiếu sự chỉ đạo phối hợp, thông qua liên ngành. Trong ngắn hạn kết hợp với hỗ trợ thị trường về mặt cầu nhiều hơn (tiêu dùng cuối cùng của dân cư và đầu tư để kích thích ngắn hạn) và cả mặt cung (đẩy mạnh sản xuất nhờ đầu tư hiệu quả và tăng được xuất khẩu). Hiện nay, nhiều chính sách mới xuất phát từ quan điểm cục bộ của ban ngành riêng lẻ, mà thiếu phối hợp (như giá dịch vụ, giá xăng dầu) nên tác động kém, thậm chí có hại cần được chú ý trong năm 2013.

Nên xác định các mục tiêu thế nào?
Về tăng trưởng: nên đặt khoảng 5%, không nên quá cao; ở mức bằng ước thực hiện 2012 vì tiếp tục khó khăn và kinh tế Việt Nam hồi phục chậm. Từ đó xét lại toàn bộ các mục tiêu 2011 - 2015. Việc các địa phương chạy theo mục tiêu tăng cao cũng nên được cân nhắc kỹ, không tạo điều kiện để mất cân đối theo lãnh thổ.

Về lạm phát: nên tiếp tục chú ý, giảm sâu hơn, về 5% hoặc thấp hơn vì nó ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp (chứ GDP không sát sườn bằng CPI và giá tiêu dùng).

Về ổn định kinh tế vĩ mô: nên tiếp tục giảm như kế hoạch, không cho thâm hụt ngân sách tăng thêm, đưa dần về theo chuẩn quốc tế (không tính phần trả vốn gốc thì không quá 2 - 3% GDP). Sử dụng thâm hụt hoàn toàn cho đầu tư, cùng các nguồn thu về đất và tài nguyên, không sử dụng cho tiêu dùng thường xuyên;  các cân đối vĩ mô: cán cân tài khoản vãng lai và xuất nhập khẩu, kể cả kiều hối và chuyển ngân ra nước ngoài; cán cân ngoại tệ tổng thể và cán cân vốn tiếp tục dương; dự trữ ngoại tệ và phát hành tiền cần được kiểm soát chặt…

Về xã hội và an sinh xã hội: chú trọng thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm; các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và an sinh nên thực hiện kiên trì, không nóng vội, nhưng cải thiện dần, không xấu đi…

Về phát triển bền vững: bảo đảm thực hiện khoảng 20 chỉ tiêu về giám sát một cách chặt chẽ, trong đó QH nên kiểm soát chừng 5 - 6 chỉ tiêu để hướng đến tăng cường hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

 

Xem thêm »