Đánh giá rủi ro - nền tảng để nâng cao chất lượng kiểm toán

26/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chất lượng kiểm toán sụt giảm là hồi chuông cảnh báo đối với các doanh nghiệp kiểm toán về năng lực cũng như khả năng đánh giá rủi ro trong các cuộc kiểm toán mới, nhất là khi hàng loạt rủi ro mới nổi cùng xuất hiện với quy mô tác động lớn hơn, đa ngành, đa lĩnh vực và khó kiểm soát hơn trước đây.

Những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng kiểm toán

Dữ liệu của Phòng Đảm bảo chất lượng (QAD) thuộc Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cho thấy, chất lượng các cuộc kiểm toán đạt mức tốt hoặc nhìn chung có thể chấp nhận được trong năm 2022 chỉ còn 71%, giảm 6% so với năm trước đó và xu hướng giảm này có thể sẽ còn tiếp tục trong năm 2023.

Theo QAD, ba vấn đề phổ biến tác động đến chất lượng kiểm toán cần được các kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán lưu ý, cải thiện là: Báo cáo tài chính hợp nhất, hợp đồng dài hạn và đánh giá từ xa. Trong đó, các sai sót liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất không chỉ xuất hiện ở các cuộc kiểm toán công ty đa quốc gia do doanh nghiệp kiểm toán hàng đầu thực hiện, mà ngay cả với các doanh nghiệp nhỏ hơn trong nước, việc chỉ đạo, kiểm soát và soát xét công việc của kiểm toán viên cũng để xảy ra không ít sai phạm. Các sai phạm phổ biến nhất ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán mà QAD đề cập đến ở các doanh nghiệp trong nước thường là bỏ qua rủi ro suy giảm giá trị đầu tư của công ty mẹ hoặc thiếu toàn bộ các yếu tố của báo cáo tài chính hợp nhất, chẳng hạn như bảng cân đối kế toán của công ty mẹ.

Bên cạnh đó, ở tất cả các doanh nghiệp, hợp đồng dài hạn đều khiến các cuộc kiểm toán gặp khó khăn. Một chiến lược kiểm toán hiệu quả đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện thay vì đánh giá riêng từng khoản về doanh thu, chi phí bán hàng hay bảng cân đối kế toán… Hơn nữa, việc đánh giá kết quả của các hợp đồng dài hạn liên quan đến cả ước tính các khoản dồn tích và chi phí để hoàn thành. Đây chính là điểm yếu mà các cuộc kiểm toán thường xảy ra sai sót và không phải cuộc kiểm toán nào cũng huy động đủ kiểm toán viên có kinh nghiệm để đánh giá đúng những rủi ro này.

Một điểm yếu nữa trong hoạt động kiểm toán là hàng tồn kho bởi nội dung này thường liên quan đến các đơn vị sản xuất có chính sách kế toán phức tạp, bao gồm: Sản phẩm đang sản xuất, thành phẩm đã sản xuất, chi phí tiêu chuẩn và tổng chi phí… Ngay cả một số công ty kiểm toán lớn cũng phải thừa nhận rằng kiểm toán viên của họ không tránh khỏi sai sót do thiếu kinh nghiệm và ít được trau dồi kỹ năng kiểm toán các lĩnh vực này một cách thường xuyên. Thậm chí, với các rủi ro thường gặp, kiểm toán viên vẫn có thể mắc sai lầm hoặc bỏ sót như: Thiếu bằng chứng từ việc kiểm kê hàng tồn kho hoặc không đánh giá hiệu quả hoạt động của các biện pháp kiểm soát tại các công ty có hệ thống đếm hàng tồn kho tự động.

Các cuộc kiểm toán được QAD đánh giá trong năm 2022 cũng cho thấy thêm một yếu tố nữa dẫn đến chất lượng kiểm toán giảm là do cách thức triển khai kiểm toán từ xa. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh kiểm toán từ xa trong giai đoạn đại dịch bùng phát và vẫn duy trì hình thức này ở thời điểm hiện tại do những ưu điểm về mặt nhân lực, cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn hay giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kiểm toán bày tỏ lo ngại rằng khách hàng của họ chỉ muốn đánh giá từ xa và từ chối kiểm toán trực tiếp, bất chấp việc có thể xảy ra sai sót ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Trong khi đó, các doanh nghiệp kiểm toán phải mất nhiều thời gian hơn để đào tạo và phát triển các kỹ năng cho kiểm toán viên.
 
Đánh giá rủi ro và lựa chọn phương pháp kiểm toán phù hợp

Các chuyên gia của ICAEW nhấn mạnh rằng, tất cả các công ty kiểm toán phải dành thời gian để đánh giá hiệu quả của phương pháp kiểm toán sau giai đoạn đại dịch và sự kết hợp phù hợp giữa kiểm toán từ xa và kiểm toán trực tiếp. Kiểm toán không chỉ làm việc với các con số, dữ liệu mà còn là sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng, bao gồm cả các mục tiêu, chiến lược, ban quản lý, nhân viên, cách thức tuyển dụng, xu hướng phát triển sản phẩm dịch vụ... Có nhiều yếu tố cần xem xét trước khi bắt đầu một cuộc kiểm toán, nhưng rõ ràng, việc dành nhiều thời gian để đánh giá rủi ro và áp dụng cách thức tiếp cận phù hợp vào cuộc kiểm toán sẽ rất cần thiết để đem lại một kết quả như mong đợi.

Việc hiểu thấu đáo các rủi ro để làm cơ sở cho công tác lập kế hoạch kiểm toán giúp các doanh nghiệp duy trì một quy trình giám sát chất lượng, hiệu quả. Càng có nhiều các đánh giá độc lập về những thông tin đầu ở giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán càng giúp kiểm toán viên tránh được những sai phạm phổ biến và triển khai phương pháp kiểm toán phù hợp trong những lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng phán đoán cao.

Do đó, các công ty kiểm toán cần xem xét lại cách thức đánh giá rủi ro theo thời gian thực trong các cuộc kiểm toán mới, đặc biệt là với các rủi ro đã được dự báo ở các cuộc kiểm toán trước và những rủi ro có tầm ảnh hưởng lớn, đa ngành, đa lĩnh vực mà kiểm toán viên có ít kinh nghiệm./.
 
Thùy Lê
(Báo Kiểm toán số 21/2023) 

Xem thêm »